Tin tức - Sự kiện

Tín hiệu sáng từ công nghiệp - xây dựng

GDP do công nghiệp - xây dựng tạo ra sau 2 năm tăng trưởng thấp hơn, thì quý I năm nay đã tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung. Đây là tín hiệu khả quan để tốc độ tăng chung cả năm nay cao hơn năm trước theo mục tiêu đã đề ra.
Đối với công nghiệp, tăng trưởng đạt được cả về sản xuất, cả về xuất khẩu. Chỉ số sản xuất của toàn ngành công nghiệp tăng 4,9%, thấp hơn một chút so với tốc độ tăng GDP do toàn ngành công nghiệp tạo ra, chứng tỏ tốc độ tăng của chi phí trung gian ngành này cũng giảm nhẹ.
 
Xét về mặt giá cả, bình quân quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước, giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất công nghiệp tăng 3,36%, thấp hơn giá tiêu dùng các mặt hàng công nghiệp tăng khoảng 10%, giá bán sản phẩm của nhà sản xuất tăng 3,58%, đã góp phần làm giảm nhẹ chi phí trung gian.
 
Cụ thể, công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt và điều hòa không khí tăng khá (8,5%); công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng tương đối cao (9,5%). Đáng lưu ý, công nghiệp chế biến (chiếm tới 70,9% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp) đã tăng 5,4%, cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành công nghiệp.
 
Tốc độ tăng tồn kho của ngành này tại thời điểm 1/3/2013 là 16,5% so với cùng thời điểm năm trước, thấp hơn tốc độ tăng 19,9% tại thời điểm 1/2/2013. Đây là kết quả của sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp bằng nhiều giải pháp như tiêu thụ sản phẩm với giá rẻ, lãi ít hoặc bán lỗ để giải phóng hàng tồn kho, thu hồi vốn nhanh hơn để tái cơ cấu sản phẩm sản xuất có lợi hơn hoặc đầu tư sang lĩnh vực khác; đồng thời đó cũng là kết quả của sự hỗ trợ của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, cắt giảm, giãn hoãn một số khoản thu ngân sách…
 
Xuất khẩu một số mặt hàng là sản phẩm công nghiệp tăng lên, trong đó có một số mặt hàng tăng khá cao, như điện thoại các loại và linh kiện tăng 89,8%; điện tử máy tính và linh kiện tăng 49,1%; túi xách, ví, va li, ô dù tăng 23,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 21,3%; dệt may tăng 18,5%; sắt thép tăng 16%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 15,7%; sản phẩm hóa chất tăng 15,1%; dây điện và dây cáp điện tăng 15,9%; giày dép tăng 14,6%; dầu thô tăng 13,1%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 11,9%; sản phẩm gốm sứ tăng 9,3%...
 
Trong các mặt hàng trên, đáng chú ý có mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện mới của dự án Samsung tại Bắc Ninh đã làm xuất hiện 3 điểm đáng chú ý là: kim ngạch mặt hàng này đã vượt qua dệt may để đứng đầu trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam; Bắc Ninh đã trở thành tỉnh có kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2012 đứng thứ 2 sau TP Hồ Chí Minh (3.132 triệu USD so với 4.553 triệu USD); Samsung đã nhanh chóng có dự án mới tương ứng vào Thái Nguyên, đưa Thái Nguyên gia nhập “câu lạc bộ” địa phương có lượng vốn FDI từ 2 tỷ USD trở lên.
 
Đối với ngành xây dựng, giá trị tăng thêm năm 2011 bị giảm 0,97%, năm 2012 tăng thấp (2,09%), quý I/2013 đã tăng 4,79%, gần bằng với tốc độ tăng chung. Là lĩnh vực mà trong vài năm nay gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng từ thị trường nhà đất, do vốn đầu tư theo giá thực tế thì tăng lên, nhưng nếu tính theo giá so sánh thì tăng thấp, thậm chí có nguồn còn bị giảm, vì vậy đây là tín hiệu khả quan để vừa có tác động đối với ngành xây dựng, vừa tác động đối với công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, vừa tác động bước đầu đối với thị trường bất động sản. Nếu tiến độ đầu tư công được đẩy nhanh thì năm nay tốc độ tăng của ngành này sẽ được cải thiện.
 
Mặc dù xu hướng là tích cực, khả quan, nhưng công nghiệp - xây dựng hiện vẫn còn những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ. Đó là hiệu quả và sức cạnh tranh của sản xuất công nghiệp còn thấp. Cơ cấu sản xuất công nghiệp vẫn còn mang nặng tính gia công. Trình độ thiết bị - công nghệ còn thấp, ngay khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng có tới 80% số doanh nghiệp có thiết bị công nghệ thuộc loại trung bình của thế giới, khoảng 14% có kỹ thuật thấp, lạc hậu, chỉ có 14 - 15% thuộc loại cao.
 
Sản xuất công nghiệp vẫn gặp khó khăn ở cả đầu vào và ở cả đầu ra. Ở đầu vào vẫn bị thiếu vốn, lãi suất vay tuy đã giảm so với trước, nhưng vẫn còn cao và điều kiện vay chặt chẽ hơn do nợ xấu còn cao. Ở đầu ra, việc tiêu thụ ở trong nước vẫn thấp, khi thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán tăng chậm và nhu cầu tiêu dùng bị “co lại”. Thị trường bất động sản vẫn chưa khởi sắc trở lại.
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo VGPNews
 
 
 
 
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo