'Caravan - Hành trình nhân ái 2019': Tiếp thêm động lực cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ ở khu vực biên giới
Nhằm phát huy truyền thống nhân ái cao đẹp, Hiệp Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội (Hanoisme) phối hợp với Báo Biên phòng, Đoàn Thanh niên - Ban Tuyên giáo Trung Ương, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sơn La, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập tiếp tục tổ chức Chương trình “Caravan - Hành trình nhân ái” lần thứ 3, năm 2019.
Chương trình hết sức thiết thực và ý nghĩa, góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc, khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Tháng 2 - 2019, Hiệp Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội đã phối hợp với Báo Biên phòng, Đoàn Thanh niên - Ban Tuyên giáo Trung Ương tổ chức chương trình “Caravan - Hành trình nhân ái” lần 2 tại Đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma. Tại đây, chương trình đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: Trao tặng 105 suất quà cho các hộ tham gia tự quản đường biên, cột mốc; tặng 2 nhà “Mái ấm biên cương” cho 2 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trao nhiều suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập và các hộ nghèo tại 3 xã Tú Mịch, Mẫu Sơn, Yên Khoái và xã Bắc Xa (huyện Đình Lập).
Ngoài những suất quà trao tặng cho người dân, Ban tổ chức chương trình còn dành tặng những suất quà và 4 căn phòng “hạnh phúc” ( phòng để cán bộ, chiến sĩ tiếp đón người thân khi lên thăm đơn vị) cho Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma, tặng quà cho Đồn Biên phòng Bắc Xa… Tổng giá trị hoạt động của chương trình gần 400 triệu đồng.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho biết: “ Chương trình phát huy tinh thần nhân ái, trách nhiệm với xã hội của cộng đồng doanh nghiệp, cùng các đơn vị phối hợp là báo Biên phòng và Đoàn Thanh niên - Ban Tuyên giáo Trung Ương tạo môi trường để các tình nguyện viên của đoàn được sẻ chia tình cảm, vật chất đến quân dân trên địa bàn biên giới, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, tiếp thêm điều kiện cho người dân, học sinh nghèo có thêm động lực lao động sản xuất, học tập để vươn lên thoát nghèo. Qua đó, phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta”.
Gần đây, đoàn công tác Chương trình “Caravan - Hành trình nhân ái” có dịp trở lại xã Mẫu Sơn ( huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) thăm 2 gia đình được trao nhà “Mái ấm biên cương” trong chương trình “Caravan – Hành trình nhân ái” lần thứ 2 năm 2019 mới thấy hết được ý nghĩa mà chương trình mang lại cho người dân biên giới. Vượt qua những cung đường quanh co, khúc khuỷu với núi cao cheo leo, rồi đi bộ qua con đường mòn, đoàn công tác đã đến thăm gia đình chị Dương Thị Nảy, thôn Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn. Đây là 1 trong 2 hộ được nhận nhà “Mái ấm biên cương” do chương trình trao tặng.
Đón chúng tôi trong bộ trang phục dân tộc Dao sặc sỡ với nụ cười trên môi, chị Dương Thị Nảy cho biết: “ Gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác ở thôn Khuổi Cấp đều thiếu đất canh tác, cuộc sống chủ yếu từ làm nương và chăn nuôi gia súc, năng suất kém, thu nhập thấp. Gia đình tôi lại đông con, cháu nên đời sống rất khó khăn. Ngôi nhà cũ của tôi trước đây làm bằng đất, trải qua thời gian và thời tiết khắc nghiệt nên đã xuống cấp nghiêm trọng mà không có điều kiện để sửa chữa, xây mới. Được chương trình hỗ trợ giúp đỡ xây nhà kiên cố, tôi rất vui. Gia đình tôi có thể yên tâm để lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Cảm ơn các nhà tài trợ, nhà hảo tâm đã quan tâm, giúp đỡ gia đình tôi.”
Để đến được với gia đình anh Triệu Chằn Pú tại thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn cũng là một hành trình đầy khó khăn với đoàn công tác. Nhà anh Triệu Chằn Pú chỉ cách trung tâm xã mấy cây số nhưng phải mất gần một tiếng đồng hồ, đoàn công tác của Chương trình mới đến nơi. Gia đình anh Triệu Chằn Pú là một gia đình chính sách người Dao. Anh Pú là người mù bẩm sinh. Hiện gia đình anh chỉ biết trông vào nghề trồng lúa nương và cào nhựa thông, nhưng thu nhập rất thấp. Còn nhớ, khi nhận được món quà là ngôi nhà “Mái ấm biên cương” do chương trình trao tặng hồi tháng 2, vợ chồng vợ chồng anh Triệu Chằn Pú không cầm nổi nước mắt. Hôm nay, gặp lại đoàn chúng tôi, niềm vui đã ngời lên trên gương mặt anh. Anh Pú tâm sự: “Hàng ngày, hai vợ chồng tôi chỉ lo cho hai con ăn học cũng rất vất vả rồi, nên chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ được ở trong một ngôi nhà xây bằng gạch, lợp mái ngói khang trang như thế này. Gia đình tôi biết ơn chương trình nhiều lắm”.
Thấy được niềm hạnh phúc của những người dân biên giới, trong lòng mỗi người của đoàn công tác cũng cảm thấy vui hơn với việc mình đã làm. Để tiếp nối sự thành công của chương trình, tháng 11 này, chương trình tiếp tục được tổ chức lần 3 tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập. Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2019). Dự kiến, chương trình sẽ có những hoạt động như: Trao tặng công trình xử lý nước sạch cho Trường Tiểu học Lóng Sập; hỗ trợ chương trình “Bữa sáng cho em” của Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập (nấu bữa sáng cho 64 em học sinh nghèo); tặng học bổng cho 15 em trong chương trình “Nâng bước em tới trường” tại địa bàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, tặng quà cho 2 “Con nuôi đồn Biên phòng”, sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm, chăn ấm, tặng quà cho 2 cán bộ Biên phòng có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà cho 10 hộ gia đình tiêu biểu tham gia tự quản cột mốc đường biên, cột mốc; tặng quà cho Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập trong đó có Đầu kỹ thuật số VTC…
Thượng tá Hoàng Tuấn Long, Phó Tổng biên tập báo Biên phòng cho biết, “Chương trình là những thông điệp nhân ái, nghĩa tình, sẻ chia của đoàn thiện nguyện muốn gửi đến những người có hoàn cảnh khó khăn, các hộ tự quản đường biên, cột mốc, các em học sinh nghèo vượt khó tại biên giới Sơn La, đồng thời thể hiện tình cảm đối với các chiến sỹ Biên phòng đang ngày đêm canh giữ biên cương của Tổ quốc”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo