Bình ổn giá để ổn định kinh tế vĩ mô
Thủ tướng: Phụ nữ Việt Nam có mặt và chủ động tham gia mọi lĩnh vực của đời sống / Đề xuất nới lỏng cách ly, xét nghiệm với khách nhập cảnh
Trong bối cảnh các nước phục hồi kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát, giá của nhiều hàng hoá, nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng tăng cao, đặc biệt giá xăng trong nước đã tiến sát mốc 27.000 đồng/lít kể từ đầu tháng 3 gây ra áp lực lớn cho nền kinh tế - bởi đây là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành nghề.
Để kiểm soát được lạm phát trước tiên phải kiểm soát được giá xăng dầu. Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao hơn Dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Bộ Công thương đã đề xuất giảm 50% so với mức thuế bảo vệ môi trường hiện tại đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng dầu.
Giá xăng hiện đang tiến sát mốc 27.000 đồng/lít
"Song song với việc chúng ta đưa giá xăng dầu bình ổn thấp xuống, chúng ta cũng phải kiểm soát tránh tình trạng buôn lậu để chuyển xăng dầu trong nước giá thấp ra bên ngoài hoặc những thời điểm chưa điều chỉnh được giá nhập khẩu thì có việc nhập khẩu lậu xăng dầu vào để trốn thuế", GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết.
Hơn lúc nào hết cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để giữ vững kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi kinh tế. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tính đến việc hạ lãi suất cho vay thông qua chính sách hỗ trợ lãi suất nhưng cũng phải tăng lãi suất huy động và đẩy mạnh phát hành trái phiếu Chính phủ để thu hút tiền nhàn rỗi của xã hội. Nếu làm tốt giải pháp này sẽ cân bằng trong giới hạn cho phép lượng tiền và hàng lưu thông trên thị trường, góp phần kiểm soát được lạm phát.
"Hiện nay Việt Nam vẫn đang giữ mặt bằng lãi suất thấp, giúp cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất tránh bị ảnh hưởng bởi giá cả lạm phát từ nguyên vật liệu tăng. Vì vậy rủi ro lạm phát ở thời điểm này của Việt Nam thấp hơn so với nhiều quốc gia khác", ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhận định.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Bộ Tài chínhđã có những giải pháp cụ thể để đảm bảo mặt hàng xăng dầu không ảnh hưởng quá lớn đến đời sống, sản xuất cũng như chỉ số lạm phát chung. Đồng thời Bộ cũng có những kế hoạch, phương án đối với các mặt hàng cốt yếu khác để giữ các mặt bằng giá chung.
Giá xăng dầu tăng đột biến chỉ là hiện tượng bất thường và có hiệu ứng trong ngắn hạn. Cả thế giới đang hy vọng bóng đen khủng hoảng hoảng giá xăng dầu sẽ được xua tan và tức khắc giá cả các loại hàng hóa lại có cơ hội quay về sát với mặt bằng giá cũ.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm -Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê để có thể đạt được mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng khoản 4% trong năm 2022, Chính phủ cần khẩn trương kịp thời rà soát lại các cơ chế, chính sách, quy định thủ tục hành chính, qua đó tháo gỡ được những khó khăn, giảm bớt chi phí của cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các bộ ngành thực hiện các chính sách tài khoá tiền tệ cần chủ động, linh hoạt. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cần linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ như đảm bảo tính thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, điều hành công cụ về lãi suất, tỷ giá phù hợp với vĩ mô của nền kinh tế...
Để đảm bảo mục tiêu lạm phát cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tài khoá và tiền tệ
Dự báo trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày mai, giá mặt hàng này sẽ tiếp tục có kỳ điều chỉnh tăng, kéo theo đó là các mặt hàng khác cũng có thể lập một mặt bằng giá mới. Trong một cuộc họp gần đây Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; tiếp tục chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và lưu thông phân phối hàng hóa, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo