Chủ tịch Quốc hội: Chống dịch tránh chuyển từ cực này sang cực khác quá nhanh
Quốc hội đánh giá cao sự điều hành quyết liệt của Chính phủ; trân trọng những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào / Sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê: Để nhìn nhận sát thực hơn bức tranh KT-XH của đất nước
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý điều này khi thảo luận ở tổ ngày 21/10 về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.
Đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết thêm, trong đó 3 báo cáo thẩm tra do cơ quan của Quốc hội chủ trì có sự tham gia ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban có tính phản biện và tính xây dựng cao, cung cấp nguồn thông tin phong phú, sâu sắc cho các đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước trong năm 2022 trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với đại dịch để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề quan trọng đầu tiên hiện nay là phải đổi mới tư duy trong công tác phòng, chống dịch, đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh. Để làm được như vậy thì điều kiện tiên quyết là bao phủ vaccine + 5K và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch.
“Tốc độ tiêm vaccine hiện nay của nước ta đã nhanh hơn, có vaccine là tiêm được ngay, do đó, có thể sẽ bao phủ vaccine nhanh hơn kỳ vọng và như vậy có thể đẩy nhanh hơn tiến độ phục hồi kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định Việt Nam có cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bài bản, với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, phải rút kinh nghiệm từ quá trình vừa qua để làm tốt hơn trong thời gian tới, đặc biệt, phải hết sức tránh việc nóng vội, chủ quan, chuyển từ cực này sang cực khác quá nhanh.
Dự báo đúng mới có biện pháp đúng
Về chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch, Trung ương đã bàn và hiện nay Chính phủ, Quốc hội đã triển khai nghiên cứu, xây dựng. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải kèm theo điều chỉnh về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, việc phối hợp hai chính sách này trên cơ sở tính toán nguồn lực cụ thể, quy mô phù hợp, lộ trình hợp lý và trên nền tảng ổn định kinh tế, vĩ mô.
“Nhưng thực hiện không đơn giản. Vừa qua Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động làm việc với các bộ, ngành và các chuyên gia kinh tế để tiếp cận trước. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tính đến việc báo cáo Quốc hội tổ chức Kỳ họp chuyên đề bất thường vào cuối năm để quyết định sớm vấn đề này, không chờ đến Kỳ họp thứ Ba vì sẽ lỡ nhịp phục hồi của kinh tế thế giới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Qua các cuộc làm việc với các nhà khoa học, các cơ quan của Chính phủ về gói chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho biết các ý kiến cũng thống nhất gói hỗ trợ phải đủ lớn, lộ trình hợp lý. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, trước khi có gói chính sách mới thì phải tập trung làm thật tốt các gói chính sách hỗ trợ hiện có, chuẩn bị thật tốt để giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải đánh giá đúng thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay cũng như tác động của đại dịch trong từng lĩnh vực. “Các ngành nào trong đại dịch đã chuyển từ “nguy” thành “cơ”? Có việc phân bổ lại dân cư, lao động tác tác động tới cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong thời gian tới? Phải phân tích rất kỹ lưỡng để xem dư địa tăng trưởng ở đâu?”, ông Vương Đình Huệ đặt vấn đề và yêu cầu Chính phủ cần xây dựng dữ liệu thông tin đầy đủ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý với quan điểm của các đại biểu Quốc hội về việc phải nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo tình hình. Dự báo đúng thì mới có biện pháp đúng, không bị lúng túng, bất ngờ. Trong khi đó tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; tình hình kinh tế - xã hội của thế giới có phục hồi, tăng trưởng nhưng lại có sự phân hóa do độ bao phủ về vaccine.
Do đó cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về các biện pháp điều hành, dựa trên cơ sở dữ liệu khoa học, dữ liệu dịch tễ học. Phải nghiên cứu rất căn cơ, khi quyết định rồi thì phải thực hiện nhất quán và phải có giải pháp tổng thể mang tính chiến lược, dài hơi hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh