Đà Nẵng: Khẩn cấp ứng phó ngập úng đô thị do mưa lớn kéo dài từ chiều 6/10
Dịch vụ ăn uống, lưu trú ở Đà Nẵng đang dần tăng trưởng trở lại / Đà Nẵng: 72,4% doanh nghiệp công nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh quý IV/2020 sẽ ổn định và tốt lên
Chiều nay 05/10, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng có Công điện số 06/CĐ-PCTT về ứng phó với vùng áp thấp trên Biển Đông và mưa lớn diện rộng trên địa bàn TP. Công điện cho biết, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa bắc rãnh thấp có trục qua Nam Trung Bộ nối với vùng thấp có khả năng mạnh thêm, sau kết hợp với trường gió Đông nên tại Đà Nẵng từ chiều 06 - 10/10 sẽ xuất hiện đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm TP Đà Nẵng bị ngập nặng trong cơn bão số 5 vừa qua dù cơn bão này không đổ trực tiếp vào địa bàn TP.
Dự báo tổng lượng mưa từ 13 chiều 06/10 đến hết ngày 10/10 tại huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ phổ biến 200 - 400mm, có nơi trên 500mm; các quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn phổ biến 200 - 450mm, có nơi trên 550mm; huyện đảo Hoàng Sa 100 – 200mm; các quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Hải Châu phổ biến 200 - 400mm, có nơi trên 500mm.Điều khiến nhiều người lo lắng khi Đà Nẵng sẽ nằm trong vùng tâm mưa lớn kéo dài trên diện rộng những ngày tới chính là sẽ xảy ra tình trạng ngập úng đô thị, hư hại các công trình hạ tầng kỹ thuật… trên địa bàn như đã thấy qua bão số 5 vừa rồi, dù cơn bão không đô trực tiếp đổ vào TP này.
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Lê Tùng Lâm, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, ngay trong ngày 5/10, ông đã có Công văn 7063/SXD-HTKT gửi UBND các quận, huyện; các BQL dự án; các Chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án; Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải; Công viên Cây xanh; Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng yêu cầu chuẩn bị phương án ứng phó với vùng áp thấp trên Biển Đông và mưa lớn diện rộng, đảm bảo an toàn các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn TP.
Theo ông Lê Tùng Lâm, từ thực tế cơn bão số 5 vừa rồi thì điều cần quan tâm nhất trước các đợt mưa lớn kéo dài dự kiến sẽ trút xuống Đà Nẵng trong những ngày tới chính là việc đảm bảo xử lý thoát nước, giảm thiểu tình trạng ngập úng, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cây xanh và an toàn điện.
Vì vậy, Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị các địa phương, đơn vị ưu tiên hàng đầu công tác xử lý thoát nước, chống ngập úng; khẩn trương tổ chức thực hiện phương án thoát nước tạm theo phân cấp quản lý, đặc biệt lưu ý tại các khu vực dân cư hiện trạng chỉnh trang, các tuyến đường khu vực trung tâm TP bị ngập úng cục bộ hoặc có khả năng ngập úng, nhằm đảm bảo thoát nước.
Đặc biệt, Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND các phường, xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia cùng với các đơn vị thoát nước thực hiện việc vớt rác, khơi thông cửa thu nước, kênh mương, cống…
“Ngay từ trước mùa mưa, Sở Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị thoát nước triển khai vớt rác, khơi thông cửa thu nước… Tuy nhiên có tình trạng người dân bịt các cửa thu nước vì sợ mùi hôi; khi có mưa to gió lớn lại thêm rác, lá cây tấp vào bịt kín các cửa thu nước khiến nước mưa không thoát vào cống được; dẫn tới tình trạng trong khi rất nhiều cống gần như rỗng, không có nước để thoát thì nước lại…ứ đọng trên đường, gây ra ngập úng đô thị.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị các địa phương cần chủ động giải tỏa các cửa thu nước bị bịt kín; khi mưa ngớt thì lập tức vớt rác, cây lá tấp vào các cửa thu nước. Chỉ có sự chủ động chung tay của người dân mới giúp nhanh chóng giảm thiểu ngập úng trên các tuyến đường khi có mưa lớn kéo dài, chứ không có Công ty thoát nước nào có thể làm xuể và kịp thời đáp ứng yêu cầu của người dân! - Ông Trần Viết Dũng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Đà Nẵng) nói.
Đối với các vị trí, khu vực ngập úng do ảnh hưởng của các dự án, công trình đang thi công, Sở Xây dựng Đà Nẵng yêu cầu các Chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án bố trí cán bộ thường xuyên trực tại công trình, triển khai ngay phương án xử lý đảm bảo thoát nước tạm thời cho các khu vực đang thi công dở dang, chưa được đấu nối thoát nước hoàn chỉnh, bị ngập úng hoặc có nguy cơ ngập úng.
“Đối với các trạm bơm chống ngập (khu vực Thuận Phước, các tuyến đường Trương Chí Cương, Nguyễn Xuân Nhĩ, khu vực K20, khu vực Đảo Xanh đầu cầu Trần Thị Lý…), chúng tôi đã yêu cầu Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải kiểm tra nguồn điện, lưới chắn rác; bố trí nhân lực trực thường xuyên, theo dõi và xử lý kịp thời!” – Ông Lê Tùng Lâm, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết.
Cùng với đó, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cũng được yêu cầu phối hợp với các địa phương chuẩn bị máy bơm công suất lớn, bố trí nhân lực trực thường xuyên, theo dõi và xử lý kịp thời đối với các khu vực dân cư thấp trũng. Khẩn trương hạ mực nước các hồ điều tiết (hồ Công viên 29/3, hồ Thạc Gián – Vĩnh Trung, hồ 3 Sen Vàng…) xuống mức thấp nhất.
Đồng thời Sở Xây dựng Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị tập trung theo dõi, chuẩn bị phương tiện, nhân lực để kịp thời xử lý tại các vị trí xung yếu về thoát nước, đã bị ngập úng trong cơn bão số 5 vừa qua như khu vực các tuyến đường Hải Hồ, Lý Tự Trọng, Núi Thành, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Lê Duẩn, Hoàng Hoa Thám, Ông Ích Khiêm, hạ lưu Khe Cạn, đường Hà Huy Tập, cống Mê Linh, đoạn cống từ sân bay ra đường Trưng Nữ Vương…
Đối với hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng, Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị UBND các quận, huyện; Công ty Công viên Cây xanh, các Chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án khẩn trương kiểm tra, có biện pháp đảm bảo an toàn, chống ngã đổ, gãy cành cây xanh tại các khu vực, tuyến ưu tiên thuộc khu vực đang quản lý, đảm bảo an toàn cho cây xanh. Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng đề nghị Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng. các Chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án khẩn trương rà soát, sửa chữa, thay thế trụ điện chiếu sáng các khu vực, tuyến đường có nguy cơ ngã đổ trong mùa mưa bão, đảm bảo an toàn cho người, công trình và phương tiện giao thông. Sở Xây dựng Đà Nẵng lưu ý các đơn vị kịp thời cập nhật và gởi thông tin tình hình thực hiện, kết quả xử lý về Sở Xây dựng (Liên hệ ông Trương Hoài Nam, điện thoại: 0914.044446, email: namth1@danang.gov.vn) để tổng hợp, báo cáo UBND TP Đà Nẵng. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam