Tin tức - Sự kiện

Dân sống nơm nớp bên bờ đê “chực” vỡ

Nhiều năm nay, tuyến đê biển xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp đồng bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Hàng năm đến mùa mưa lũ, người dân ven đê sống bất an, lo lắng không biết đê vỡ lúc nào.

Trao quyền tuyển dụng cho hiệu trưởng: Một được, mười ngờ? / Hà Nội tính thu phí phương tiện vào nội thành

Dân sống nơm nớp bên bờ đê “chực” vỡ
Những “hàm ếch” ăn sâu vào phía chân đê gây nguy cơ vỡ đê. Ảnh: HY

110km đê xuống cấp nghiêm trọng

Theo thống kê của Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, hiện trên địa bàn có khoảng 280km đê biển, đê cửa sông. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 170km đê được xây kiên cố hóa, số còn lại được xây dựng tạm bợ, không đáp ứng được công tác phòng chống bão lụt, mỗi một mùa bão lũ qua lại thêm hư hỏng khiến người dân bất an, lo lắng.

Đê biển xã Cẩm Nhượng có chiều dài 2,65km, nằm sát nhà dân nên nếu đê có sự cố sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hàng ngàn hộ dân thuộc 5 thôn: Xuân Bắc, Hải Bắc, Xuân Nam, Hải Nam và Phúc Hải.

Ông Nguyễn Sỹ Huyền, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, cho biết: Đê Cẩm Nhượng được xây dựng vào năm 2002 và được nâng cấp, sửa chữa vào năm 2012. Tuy nhiên, phần mái đê mới chỉ được nâng cấp khoảng 50% khối lượng. Hiện nay, đê biển đang trong tình trạng xói lở, sụt lún nghiêm trọng. Sau ảnh hưởng nặng nề của bão số 10, huyện Cẩm Xuyên đã đầu tư khoảng 1 tỷ đồng sửa chữa những vị trí xung yếu nhưng đây mới chỉ là hình thức “tạm bợ”, chưa giải quyết được dứt điểm vấn đề.

"Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng, đê biển cần sớm được nâng cấp, sửa chữa một cách đồng bộ. Vừa qua, UBND huyện Cẩm Xuyên đã đề nghị tỉnh lập kinh phí sửa chữa với tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng, nhưng hiện vẫn chưa được phê duyệt”, ông Huyền thông tin thêm.

Hệ thống kè chắn sóng phía ngoài nhiều nơi bị sóng đánh bể. Ảnh: HY

Bà Hà Thị Huệ, thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng cho hay, năm 2017 cơn bão số 10 quét qua khiến ngôi nhà của bà bị cuốn trôi, tất cả tài sản trôi theo dòng nước lũ, khó khăn lắm mới gượng dậy để bắt đầu lại từ đầu. “Đê biển Cẩm Nhượng xuống cấp đã nhiều năm nay. Sóng biển dữ dội tấn công đê, gây lụng móng mái phía trong, có chỗ lụng sâu tới hơn 2m, đánh trôi nhà tôi và các nhà dân khác trong khu vực. Hiện nay mùa mưa bão đang gần kề, nhân dân sống ven đê lại nơm nớp lo sợ đê vỡ”, bà Huệ lo lắng.

Theo quan sát, dọc bờ đê Cẩm Nhượng có nhiều điểm sạt lở, sụt lún nghiêm trọng. Riêng hệ thống kè chắn sóng phía ngoài đê một số nơi đã bị sóng đánh bể, sau mỗi trận bão nhiều tuyến đê lại hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng hơn.

Cần “cấp tốc” sửa lại đê

Tuyến đê biển xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên sau cơn bão số 10 năm 2017, hơn 2km bờ đê đã bị sóng biển đánh sập. Những hàm ếch này đã ăn sâu vào phía chân đê gây nguy cơ vỡ đê, đây là đê chắn sóng bảo vệ cho 1.500 hộ dân sống trong đê.

Được biết, sau cơn bão số 10 năm 2017 tuyến đê biển bị sạt lở, sụt lún khoảng 150m kè chắn sóng phía trong khu vực thôn Hải Nam. Ngoài ra, có 10 nhà dân bị sập hoàn toàn, hàng ngàn ngôi nhà và nhiều công trình công cộng của địa phương bị tốc mái, hư hỏng nặng...

Ông Nguyễn Tiến Thể (56 tuổi, thôn Nam Hải, xã Cẩm Nhượng) lo lắng vì đê biển bị sụt lún. Ảnh: HY

Để khắc phục hậu quả sau bão, xã Cẩm Nhượng đã cấp đất di dời 8 hộ dân thuộc thôn Hải Nam và Hải Bắc sang làm nhà ở tại khu tái định cư thuộc thôn Liên Thành. Hiện tại, vẫn còn 64 hộ dân thuộc tuyến 1, sát đê bị ảnh hưởng nghiêm trọng cần di dời tái định cư.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng chia sẻ: “Phương án di dời dân tái định cư cần đất đai, kinh phí mà ngân sách và quỹ đất địa phương hạn hẹp, khó đáp ứng. Vì vậy, thiết nghĩ, tỉnh cần tính đến phương án mở rộng, nâng cấp đê lấn về phía biển để đảm bảo an toàn dài lâu”.

Trước nguy cơ mất an toàn của đê biển, hiện nay chính quyền địa phương và người dân xã Cẩm Nhượng đã chủ động xây dựng các phương án đối phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, việc khẩn cấp vẫn là nâng cấp, sửa chữa đê biển một cách đồng bộ thì mới giải quyết được vấn đề khi mùa mưa bão đang gần kề.

Theo Thanh tra
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm