Tin tức - Sự kiện

Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo: Bước chuyển lớn cho hành trình nghiên cứu khoa học

Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 95 điều (tăng 14 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013), với nhiều nội dung có tác động lớn đến các nhà khoa học.

Hạt nhân kết nối cảng biển và logistics miền Trung - ​ Bài 1: Động lực phát triển kinh tế / Hạt nhân kết nối cảng biển và logistics miền Trung - Bài cuối: Vươn lên bằng nguồn nhân lực chất lượng cao

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ được thảo luận và dự kiến thông qua. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ - cơ quan chủ trì soạn thảo, dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được ban hành nhằm tác động tích cực, hiệu lực và hiệu quả tới các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo theo cách tiếp cận toàn diện. Cụ thể, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải hài hòa với môi trường, giá trị đạo đức xã hội và phẩm giá con người; tôn trọng tính tự chủ và sáng tạo của các nhà khoa học, kỹ sư.

Nhiều thay đổi so với Luật hiện hành

Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 95 điều (tăng 14 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật). Do đó, về hình thức, dự thảo Luật có nhiều thay đổi so với Luật hiện hành.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, dự thảo Luật có sửa đổi lớn đối với 26 điều, bổ sung 23 điều, bám sát các nội dung chính sách tại Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 3/8/2024 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024.

Nhiều nội dung có tác động lớn đến các nhà khoa học. Điển hình là quy định về giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu: Luật 2013 quy định phải làm thủ tục chuyển giao, Nhà nước giữ sở hữu nếu không có thỏa thuận khác. Dự thảo luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo quy định giao tự động, không bồi hoàn, không qua định giá, không tính tài sản nhà nước.

Về quy định miễn áp dụng đấu thầu với phần kinh phí khoán: Luật Khoa học và Công nghệ 2013 không quy định, dự thảo Luật mới quy định không áp dụng Luật Đấu thầu với phần được khoán chi.

Hay như đối với quy định miễn thuế thu nhập cá nhân cho thu nhập khoa học và công nghệ, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 không miễn cho thu nhập từ khởi nghiệp sáng tạo, dự thảo Luật mới quy định miễn thuế cho thu nhập từ hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước.

Về ưu đãi doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới sáng tạo, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 chỉ có ưu đãi chung, dự thảo Luật mới quy định ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, đất đai, tài chính cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, tại Luật Khoa học và Công nghệ 2013, việc thành lập Quỹ đổi mới sáng tạo, Quỹ đầu tư mạo hiểm nhà nước chưa được đề cập tới. Dự thảo Luật mới cho phép lập Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia và sàn giao dịch khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, các nội dung chính khác của Luật hiện hành cũng được sửa đổi như: Giải mã công nghệ nước ngoài; thu hút chuyên gia nước ngoài, nhà đầu tư; bổ sung rõ định nghĩa “đổi mới sáng tạo”; chính sách sandbox, cơ chế thử nghiệm đặc thù; mở rộng phạm vi áp dụng luật cho cả tổ chức ngoài lãnh thổ Việt Nam; chính sách đãi ngộ đặc biệt cho nhân tài khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu đãi đặc biệt cho nhà khoa học đầu ngành; doanh nghiệp được loại trừ chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) khi đánh giá hiệu quả tài chính; cơ chế công nhận doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp; thương mại hóa và phân chia lợi nhuận nhiệm vụ nghiên cứu; chấp nhận rủi ro trong nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Bước chuyển lớn trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đánh giá về những điểm đổi mới trong dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo được đưa vào dự thảo Luật và được đặt ngang hàng với khoa học công nghệ, thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển. Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều cơ chế hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức trung gian như trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư mạo hiểm.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, đổi mới sáng tạo có vai trò thúc đẩy ứng dụng của khoa học công nghệ trong thực tiễn, góp phần gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội. Nếu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được kỳ vọng đóng góp 4% vào tăng trưởng GDP thì phần đóng góp từ đổi mới sáng tạo chiếm tới 3%, trong khi khoa học công nghệ chiếm 1%, qua đó phản ánh rõ vai trò lan tỏa, thực tiễn và toàn dân của đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế hiện đại.

Dự thảo Luật cũng tăng cường quyền tự chủ cho các tổ chức, cá nhân và chủ nhiệm đề tài trong triển khai nhiệm vụ, quản lý bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi, nhưng đi kèm là yêu cầu nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch trong sử dụng nguồn lực.

Đặc biệt, tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ được quyền sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa; người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% từ phần thu nhập thu được do kết quả nghiên cứu mang lại khi thương mại hóa và được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập này. Từ đó, tạo động lực đổi mới, thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm trong nghiên cứu, tiến hành nghiên cứu hướng đến kết quả thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa khoa học công nghệ với phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao nội dung chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học được quy định trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, việc chuyển dịch này không có nghĩa là loại bỏ vai trò của các viện nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Ngược lại, các viện nghiên cứu vẫn có thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu phù hợp với thế mạnh, cơ cấu tổ chức và định hướng phát triển của mình. Đồng thời, Dự thảo Luật không giới hạn quyền phát triển công nghệ của các trường đại học, nhằm thúc đẩy mô hình tích hợp ba chức năng: Đào tạo - nghiên cứu - đổi mới sáng tạo. Đây là mô hình phổ biến ở các quốc gia có nền khoa học công nghệ tiên tiến, góp phần xây dựng hệ sinh thái học thuật và đổi mới sáng tạo bền vững, năng động và có sức lan tỏa sâu rộng.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, lần đầu tiên trong Dự thảo Luật, một chương riêng đã được dành để quy định về các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. "Doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển, không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua các chính sách "mồi" tài chính, theo nguyên tắc "Nhà nước chi 1 đồng để thu hút 3 - 4 đồng từ doanh nghiệp". Nếu trước đây, ngân sách nhà nước tài trợ cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp chỉ được 10% thì thời gian tới sẽ là 80%", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cho phép doanh nghiệp được hạch toán các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp như chi phí sản xuất kinh doanh, không còn giới hạn mức tối đa (trước đây là khoảng 1% doanh thu và chỉ áp dụng với doanh nghiệp có lãi). Các khoản chi này còn được tính khấu trừ thuế với hệ số ưu đãi vượt trội là 150% và có thể lên đến 200% nếu đầu tư vào công nghệ chiến lược. Thêm vào đó, doanh nghiệp có lãi được trích tối đa 5% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, hỗ trợ các khởi nghiệp sáng tạo nghiên cứu phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mang tính đột phá. Ngoài ra, Nhà nước cũng có chính sách ưu tiên mua sắm sản phẩm khoa học công nghệ của doanh nghiệp trong nước.

Các tổ chức nghiên cứu phát triển sẽ sử dụng nền tảng số quốc gia để quản lý đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm theo dõi toàn bộ vòng đời nhiệm vụ, kể cả khi kéo dài 10 - 15 năm. Dự thảo Luật cũng có các quy định giúp chuyển từ mô hình tiền kiểm sang hậu kiểm, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính và thay thế bằng quản lý số hóa, qua đó nâng cao hiệu quả điều hành, tính minh bạch và khả năng giám sát dài hạn.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo như một tuyên ngôn. Đó là, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Lần sửa đổi này sẽ có những đổi mới mạnh mẽ, mang tính cách mạng, hứa hẹn tạo ra bước chuyển lớn trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm