Đưa quan hệ Việt – Lào tiếp tục phát triển lên những tầm cao mới
Chuyến thăm hữu nghị nước CHDCND Lào lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Đắk Lắk: Vụ nổ không rõ nguyên nhân làm cả gia đình bị thương / Cà phê đặc sản Lâm Đồng bị bọ xít muỗi tấn công
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào nhấn mạnh điều này khi trả lời báo chí nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm hữu nghị chính thức nước CHDCND Lào từ 24 - 25/2.
Theo Đại sứ Nguyễn Bá Hùng, chuyến thăm hữu nghị nước CHDCND Lào lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Thứ nhất, đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sau khi được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Thứ hai, đồng chí chọn nước Lào anh em là nước đầu tiên trong các hoạt động đối ngoại lớn nhất của mình trong năm 2019, cho thấy Đảng và Nhà nước ta cũng như cá nhân đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trước sau như một, luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam với Lào.
Thứ ba, chuyến thăm Lào lần này của đồng chí Nguyễn Phú Trọng diễn ra ngay sau khi lãnh đạo cấp cao của hai nước đã họp và thống nhất các biện pháp lớn để thúc đẩy tình hữu nghị, sự đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2019 - một năm then chốt để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội lần thứ X của Đảng nhân dân cách mạng Lào, đồng thời là năm hết sức quan trọng đối với việc thực hiện các nội dung lớn trong Nghị quyết của cả hai Đảng về vấn đề phát triển, xây dựng và bảo vệ đất nước của cả hai bên.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào từ 24- 25/2.
Việc đồng chí Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam tới thăm Lào để cùng trao đổi với các đồng chí lãnh đạo của Lào về các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ song phương, cũng như trao đổi về tình hình quốc tế, khu vực là việc hết sức có ý nghĩa và cần thiết để tiếp tục đưa quan hệ giữa hai bên và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng hiệu quả hơn nữa.
Thứ tư, qua chuyến thăm, cả hai nước Việt Nam - Lào anh em cũng muốn gửi đi thông điệp quan trọng rằng quan hệ Việt - Lào là mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện và hai bên trước sau như một nguyện cùng nhau phấn đấu để đưa mối quan hệ này tiếp tục phát triển lên những tầm cao mới, đúng theo mong muốn của Bác Hồ và những lời di huấn của các lãnh tụ hai nước, là làm sao giữ cho quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Đánh giá về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong thời gian qua, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cho rằng đây không chỉ là câu nói mang tính khẩu hiệu, mà là nội dung thực chất. Quan hệ Việt Nam-Lào được vun đắp trước hết từ truyền thống hữu nghị lâu đời của hai dân tộc, sau đó được các vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta như Bác Hồ, như Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Suphanuvong trực tiếp xây dựng và truyền lại nhiều thế hệ lãnh đạo của hai nước cho đến ngày hôm nay.
Đây là một quá trình phát triển tuần tự và được vun đắp, xây dựng bằng xương máu, bằng mồ hôi công sức của nhiều thế hệ Đảng viên, cán bộ và nhân dân hai nước. Rõ ràng, trong chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay, không có một mối quan hệ thứ hai nào đề cập đến cụm từ “đoàn kết đặc biệt” hay “hữu nghị vĩ đại”.
Điều này phản ánh nội dung thực chất và được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực hợp tác song phương Việt Nam-Lào trong thời gian qua một cách rất rõ nét, đặc biệt là chính trị - ngoại giao, an ninh quốc phòng, văn hóa, giáo dục.
Ngoài ra, quan hệ giữa nhân dân với nhân dân, đặc biệt là quan hệ giữa các địa phương cũng không ngừng phát triển. Hàng chục địa phương của Việt Nam và Lào có quan hệ kết nghĩa hoặc quan hệ hợp tác và ngày càng đi vào chiều sâu, giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của hai bên, đặc biệt là đối với các địa phương ở giáp biên.
Tuy nhiên, với sự thẳng thắn và cầu thị, hai Đảng, hai Chính phủ nhận thấy cần phải hành động mạnh mẽ, thực chất hơn nữa để đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai bên phát triển một cách hiệu quả.
Về chính sách của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào trong việc gìn giữ, tăng cường và phát triển mối quan hệ song phương, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp như hiện nay, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cho biết quan hệ hiện đang ở thời kỳ phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay, nhưng hai nước hoàn toàn có thể phát triển tốt hơn nữa trong tương lai. Để đạt được mục tiêu cao cả đó, có rất nhiều việc phải làm.
Thứ nhất, hai bên cần thực hiện tốt những thỏa thuận cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước đã được cụ thể hóa và nằm ở tất cả các lĩnh vực quan hệ cũng như lĩnh vực hợp tác giữa hai nước. Đây là điều kiện mang tính quyết định, nếu không thực hiện tốt các thỏa thuận, không thể có những thay đổi mạnh mẽ về chất trong quan hệ hai nước.
Thứ hai, phải củng cố vững chắc hơn các trụ cột cơ bản của quan hệ hai nước, trong đó có trụ cột về hợp tác an ninh - quốc phòng. Đây là yếu tố then chốt giúp hai nước có điều kiện và có khả năng giữ vững an ninh, chính trị, trật tự xã hội, bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ của mỗi bên.
Điều thứ ba là quan hệ kinh tế. Yếu tố thứ tư là việc giáo dục cho thế hệ trẻ hai nước về tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Cũng theo Đại sứ Nguyễn Bá Hùng, mỗi nước đều có những khó khăn riêng cũng như gặt hái được những thành công riêng, từ đó đúc kết được những bài học kinh nghiệm quý báu cho mình. Do vậy, hai bên cần chia sẻ với nhau trên tinh thần anh em đồng chí tin cậy đặc biệt, giúp nhau rút ngắn giai đoạn, giúp nhau bứt phá để phát triển. Ngoài ra, cần giải quyết tốt những vấn đề khó khăn về kinh tế trước mắt cũng như lâu dài để tăng trưởng kinh tế; giúp đỡ nhau trong lĩnh vực mà hai bên cần chia sẻ trong việc hợp tác trên các diễn đàn quốc tế, diễn đàn khu vực; và cần phải trao đổi nhiều hơn nữa, thực chất hơn nữa về những thông tin, kinh nghiệm trên lĩnh vực quốc tế.
Theo baochinhphu.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo