Tin tức - Sự kiện

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy sau 13 năm: Tổng thời gian 23p cho quãng đường hơn 13km

Sáng nay, Bộ Giao thông vận tải đã chính thức bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho Hà Nội và đưa vào vận hành ngay sau đó.

Thủ tướng thúc đẩy thỏa thuận bước ngoặt với AstraZeneca về vaccine và thuốc / Thêm 6.580 ca mắc COVID-19 mới tại 49 tỉnh, thành phố

Tàu Cát Linh - Hà Đông chính thức lăn bánh

7h40, chuyến tàu đầu tiên chính thức lăn bánh từ ga Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) đi ga Hà Đông (thuộc phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) với thời gian khoảng 25 phút cho quãng đường 13,5km.

Trong khi đó, theo thời gian PV trực tiếp trên tàu cho thấy, từ Ga Cát Linh đến Ga La Thành chỉ mất 2 phút. Sau đó, tàu chạy tới ga Thái Hà lúc7h47.

7h52 tàu di chuyển đến ga Thượng Đình.

7h54 tàu đến ga Vành đai 3.

7h55 tàu đến ga Phùng Khoang.

7h57 tàu đã chạy đến ga Văn Quán.

7h58 tàu chạy đến ga Hà Đông.

8h tàu đến ga La Khê

8h02 tàu đến ga Văn Khê

8h03 tàu đến ga Yên Nghĩa

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy sau 13 năm: Tổng thời gian 23p cho quãng đường hơn 13km - Ảnh 1.

Những người đầu tiên trên chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông (Ảnh: Hoàng Đan)

Ông Lại Văn Ngọc (trú tại phường Quán Thánh, quận Ba Đình) có mặt tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông) từ lúc 6h40 phút sáng nay, để đợi lên chuyến tàu đầu tiên. Tuy nhiên, tại ga Yên Nghĩa, các nhân viên có mặt tại đây cho biết, đúng 9h sáng mới mở cửa đón người dân.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy sau 13 năm: Tổng thời gian 23p cho quãng đường hơn 13km - Ảnh 2.

Ga Yên Nghĩa trước giờ tàu chạy qua (Ảnh: Hoàng Hải)

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy sau 13 năm: Tổng thời gian 23p cho quãng đường hơn 13km - Ảnh 3.

Ông Lại Văn Ngọc (Ảnh: Hoàng Hải)

Vào lúc 8h03, chuyến tàu đầu tiên chạy từ ga Cát Linh đã tới ga Hà Đông, điểm cuối của hành trình hơn 13km, với tổng thời gian 23p, đúng như dự kiến ban đầu 25p.

Tại đầu ga Hà Đông, có khá nhiều người dân chờ đợi để lên chuyến tàu đầu tiên vào sáng nay.

 

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy sau 13 năm: Tổng thời gian 23p cho quãng đường hơn 13km - Ảnh 4.

Chuyến tàu đến ga Hà Đông lúc 8h03 sáng nay

Tàu có sức chứa tối đa 960 người

Sáng nay, ngày 6/11, Bộ GTVT và thành phố Hà Nội sẽ chính thức làm lễ bàn giao, tiếp nhận dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Từ hơn 6h sáng, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh và lãnh đạo thành phố Hà Nội đã có mặt tại khu vực nhà ga Cát Linh. Lãnh đạo Hà Nội đã kiểm tra, nghe giới thiệu về quy trình bán vé, quầy vé, kiểm tra vé đối với hành khách đi tại đây.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy sau 13 năm: Tổng thời gian 23p cho quãng đường hơn 13km - Ảnh 5.

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng có mặt sáng nay (Ảnh: Việt Hùng)

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy sau 13 năm: Tổng thời gian 23p cho quãng đường hơn 13km - Ảnh 6.

Nhiều lãnh đạo thành phố Hà Nội đã có mặt tại khu vực nhà ga Cát Linh (Ảnh: Việt Hùng)

 

Dự kiến, 7h, chuyến tàu đầu tiên sẽ lăn bánh từ ga Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) đi ga Hà Đông (thuộc phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) với thời gian khoảng 25 phút cho quãng đường 13,5km.

Đúng 7h sáng, lễ bàn giao, đưa vào khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông giữa Bộ GTVT và Hà Nội bắt đầu. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh và nhiều lãnh đạo Bộ, Ban ngành đến dự.

Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc BQL đường sắt Bộ GTVT đã báo cáo về việc xây dựng dự án này. Theo ông Phương, đây là 1 trong 8 tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm và vành đai kết nối đô thị trung tâm Hà Nội với các đô thị vệ tinh.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy sau 13 năm: Tổng thời gian 23p cho quãng đường hơn 13km - Ảnh 7.

Nhân viên bán vé được bố trí ở ga Cát Linh, dự kiến ngay sau lễ bàn giao, người dân sẽ được đi chuyến tàu đầu tiên (Ảnh: Việt Hùng)

Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1435mm, tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác 35km/h. Thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Nội là 23,63 phút. Tàu có sức chứa tối đa 960 người. Lưu lượng vận chuyển tối đa đạt 1,02 triệu người/ngày.

 

Ông Phương nêu rõ, dự án được vay vốn Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 13.867,1 tỷ đồng (tương đương 669,62 triệu USD), vốn đối ứng của Việt Nam là hơn 4.100 tỷ đồng (tương đương 198,42 triệu USD).

Trong thời gian chạy thử 20 ngày, Tổng thầu EPC đã thực hiện vận hành hơn 5.740 chuyến tàu chạy với tổng số hơn 70.000 km vận hành an toàn dưới sự giám sát bởi các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn đánh giá an toàn, các cơ quan chức năng và Hội đồng kiểm tra Nhà nước.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy sau 13 năm: Tổng thời gian 23p cho quãng đường hơn 13km - Ảnh 8.

Ảnh: Việt Hùng

Đây là dự án trọng điểm với công nghệ mới áp dụng vào Việt Nam, ngay từ khi bắt đầu triển khai đã được Hội đồng kiểm tra Nhà nước, Bộ GTVT, các đơn vị có liên quan kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo sát sao. Đến nay, Bộ GTVT đã nghiệm thu hoàn thành dự án đảm bảo tuân thủ đúng quy định và Hội đồng Kiểm tra Nhà nước đã chấp thuận kết quả nghiệm thu, đủ điều kiện bàn giao đưa vào khai thác.

Dự án thí điểm do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, vay vốn Trung Quốc

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, đại diện chủ đầu tư nêu rõ, để đảm bảo việc vận hành khai thác dự án an toàn, hiệu quả, Bộ sẽ tiếp tục yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo Tổng thầu EPC phối hợp với Công ty Metro Hà Nội khẩn trương hoàn thiện các công việc còn lại và thực hiện bảo hành, bảo trì dự án theo quy định.

Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh, cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội trong giai đoạn vận hành khai thác tại dự án này cũng như việc triển khai các dự án đường sắt đô thị khác trên địa bàn.

Lễ bàn giao dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông chính thức chạy sau 13 năm (Clip: Nguyễn Việt Hùng)

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy sau 13 năm: Tổng thời gian 23p cho quãng đường hơn 13km - Ảnh 10.

Thứ trưởng Bộ GTVT và Phó Chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn đã tiến hành các nghi thức bàn giao dự án dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT, thành phố Hà Nội (Ảnh: Việt Hùng)

Phó Chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, dự án này là dự án thí điểm đầu tiên tại Việt Nam do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, vay vốn Trung Quốc. Đây cũng là 1 đoạn tuyến trong 10 đoạn tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội đã được phê duyệt đến năm 2030. Ông Tuấn nêu rõ, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch trước, trong, sau vận hành. Đến nay đã đảm bảo việc tiếp nhận, vận hành.

 

Giai đoạn 1 (6 tháng đầu, trong đó có 15 ngày đầu chở khách miễn phí): Thời gian mở tuyến: 5h30, thời gian đóng tuyến 22h; Giãn cách 10-15 phút/lượt; Vận hành 4 - 6 đoàn tàu.

Giai đoạn 2 (6 tháng tiếp theo): Thời gian mở tuyến: 5h30, thời gian đóng tuyến 22h30; Giãn cách giờ cao điểm: 6 phút/lượt, giờ bình thường 10 phút/ lượt; Vận hành 9 đoàn tàu.

Để đưa dự án vào hoạt động, ông Tuấn yêu cầu Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội - đơn vị vận hành khai trên tuyến tổ chức tiếp nhận tài liệu, chuyển giao công nghệ, tổ chức vận hành tàu trên tuyến đảm bảo an toàn, chính xác, giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị; bảo trì phương tiện và hạ tầng kỹ thuật theo quy chuẩn; khai thác nhà ga hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người đi tàu.

Trong quá trình vận hành khai thác đảm bảo tuân thủ các quy định của Bộ GTVT để tổ chức quản lý khai thác trên tuyến đảm bảo thích ứng, an toàn linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 có hiệu quả…. Sau đó, ông Tuấn tuyên bố tiếp nhận Dự án đầu tư và đưa tuyến Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông vào khai thác vận hành giai đoạn đầu từ hôm nay.

200.000 vé miễn phí cho người dân trong 15 ngày

 

Đại diện TNHH MTV đường sắt đô thị Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, sau lễ bàn giao, tiếp nhận Hanoi Metro tổ chức vận hành các đoàn tàu để chở người dân lên trải nghiệm toàn tuyến.

Như vậy, sau 13 năm, 10 lần lỡ hẹn và qua 5 đời Bộ trưởng, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam cũng như Hà Nội chính thức đưa vào vận hành.

Để có thể lên tàu trải nghiệm, hành khách lên tầng 2 của 12 ga trên dọc tuyến, lấy thẻ từ ở quầy vé để vận hành hệ thống kiểm soát, như mở cửa kiểm soát ra vào, cửa lên tàu, khai báo thông tin điện tử.

Đến chiều 5/11, Hanoi Metro đã chuẩn bị hơn 200 nghìn vé 0 đồng (thẻ từ cứng) để phát cho hành khách trải nghiệm tàu trong 15 ngày đầu vận hành. Sau khi kết thúc hành trình, hành khách trả lại vé này cho đơn vị vận hành ở cửa ra.

Về giá vé sau khi kết thúc thời gian chạy thử được TP. Hà Nội phê duyệt chính thức, giá mở cửa là 7.000/lượt, theo chặng là 8.000-15.000/lượt. Giá vé ngày là 30.000/ngày. Vé cũng được bán theo tháng (không định danh 200.000/người, có định danh là 100.000/người).

 

Những đối tượng được miễn phí đi xe buýt sẽ được miễn phí đi tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, ký kết từ năm 2008, khởi công từ tháng 10/2011.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài tuyến 13,05km đi trên cao, với 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Hai ga đầu và cuối tuyến là ga Cát Linh và Yên Nghĩa.
Ở tuần đầu, tàu dự kiến chạy 15 phút/chuyến, tuần thứ 2 là 10 phút/chuyến, thời gian hoạt động từ 5h30 đến 20h, nếu lượng khách đi đông sẽ điều chỉnh biểu đồ.
Khi chở khách có thu tiền, thời gian mở cửa từ 5h30 đến 22h30, giờ bình thường 10 phút/chuyến, cao điểm 6 phút/chuyến. Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 4 toa, mỗi toa chở được 240 người.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc và đối ứng trong nước; Mức đầu tư ban đầu là 8.769,9 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD) và mức điều chỉnh là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD).
Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm