Giải ngân vốn đầu tư công không thể chậm hơn nữa
Khoảng 200 phóng viên tác nghiệp tại Festival hoa Đà Lạt năm 2024 / Bỏ quy định về điều chuyển công trình điện vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Thời gian còn lại để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công là 1 tháng thực hiện, 1 tháng giải ngân. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án đầu tư công vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, khó khăn lớn nhất là vấn đề vật liệu xây dựng cho các công trình giao thông do liên quan đến nhiều quy định pháp lý như: Luật Khoáng sản, việc cấp phép khai thác mỏ vật liệu, việc bán vật liệu cho xây dựng công trình; giải phóng mặt bằng, bồi thường, xác định giá đất, chính sách tái định cư, tình trạng né tránh đùn đẩy…
“Chính phủ đã nhận diện và đang tăng cường thành lập các đoàn công tác để đôn đốc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 10 tháng năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn khoảng 4 điểm phần trăm so với tỷ lệ giải ngân của cùng kỳ năm ngoái (56,7%). Như vậy, khi con số giải ngân còn quá thấp so với mục tiêu đề ra, không chỉ các bộ, ngành, địa phương, mà ngay cả các thành viên Chính phủ cũng rốt ráo đẩy nhanh tiến độ.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác số 4 và Tổ công tác số 7 của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Đại diện của 26 bộ, ngành, địa phương có liên quan đã tham dự cuộc họp này.
Trong các bộ, ngành, địa phương thuộc 2 tổ công tác này, không ít đơn vị có mức giải ngân dưới mức bình quân chung của cả nước. Cụ thể, ở Tổ công tác số 4, có 5 bộ và 3 địa phương; còn ở Tổ công tác số 7, có hai tỉnh Kon Tum và Lâm Đồng có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân cả nước.
Trong khi đó, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hưng Yên… đều đang rốt ráo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong chặng đua nước rút. Tp. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đáng lo nhất khi vào thời điểm cuối tháng 10/2024, tỷ lệ giải ngân mới đạt khoảng 22% vốn Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra.
Với tổng nguồn lực hơn 79.263 tỷ đồng được phân giao trong năm 2024, Tp. Hồ Chí Minh vẫn còn tới hơn 62.000 tỷ đồng cần được đưa vào giải ngân trong hơn 2 tháng tới. Đây là một con số rất lớn, khiến mục tiêu giải ngân 95% trong năm nay của thành phố trở thành một thách thức lớn.
Tại Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, 10 tháng năm 2024, tỷ lệ giải ngân tại Quảng Ninh chưa đạt kỳ vọng với tỷ lệ chỉđạt 35% kế hoạch vốn HĐND giao đầu năm, thấp hơn 9,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, vẫn còn tới 33 bộ, ngành và 22 địa phương có tỷ lệ giải ngân 10 tháng dưới mức trung bình của cả nước. Trong khi đó, giải ngân đầu tư công là một trong những động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế quý cuối năm có thể đạt từ 7,4-7,6%, đưa tăng trưởng GDP cả năm đạt 7% như mục tiêu của Chính phủ.
Để đạt mục tiêu 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu nhiều giải pháp cho Thủ tướng Chính phủ để ban hành các quyết định, nghị quyết để chỉ đạo, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 115/CĐ-TTg về việc quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả; quyết liệt, quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; chú trọng kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ ngay các điểm nghẽn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Về phía các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương, các chủ đầu tư tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả; quyết liệt, quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả. Đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; chú trọng kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ ngay các điểm nghẽn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Mặt khác, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, ưu tiên bố trí đủ kinh phí thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, kiểm kê và đẩy nhanh thi công các khu tái định cư, sớm bàn giao mặt bằng để thi công.
Còn tại Tp. Hồ Chí Minh, việc UBND thành phố đã trình HĐND thành phố xem xét, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách địa phương cho phù hợp tình hình thực hiện của các dự án và giải ngân kế hoạch vốn trong năm 2024 là cần thiết. Điều này nhằm sử dụng nguồn vốn đầu tư công có hiệu quả, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của thành phố và đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án được bổ sung vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Cùng với các giải pháp đốc thúc ở phía các bộ, ngành, địa phương thì Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng đang được đưa ra thảo luận tại Quốc hội nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong năm tới. Theo đó, rất nhiều nội dung mang tính đột phá; trong đó, có chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục đầu tư, cũng như công tác chuẩn bị đầu tư… đã được đề xuất. Đặc biệt, khi Luật có hiệu lực, một số vướng mắc, tồn đọng trong quá khứ cũng sẽ được giải quyết.
“Với tinh thần đổi mới, nhằm tăng cường tính linh hoạt trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. Cùng với đó là các nội dung chỉnh sửa, bổ sung, bãi bỏ trong dự thảo Luật là các vấn đề đã chín, đã rõ, cấp thiết, cần tháo gỡ ngay nhằm giải phóng nguồn lực đầu tư công nhằm phấn đấu đạt kết quả cao nhất ngay trong xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Đề xuất phương án sắp xếp các sở, ban, ngành
Đón bình minh Đà Lạt cùng dàn sao ‘khủng’ của 5AM Concert
Giải ngân vốn đầu tư công không thể chậm hơn nữa
Giao lưu văn hoá nghệ thuật thắt chặt tình hữu nghị Đà Lạt – Chuncheon
Đà Nẵng đang trở thành trung tâm logistics quan trọng của miền Trung
Thu ngân sách vượt 6,3% dự toán năm 2024