HNNG 30: Xây dựng nền ngoại giao chuyên nghiệp, tiệm cận trình độ quốc tế
Thị xã Hoàng Mai tinh giản 172 biên chế đến năm 2021 / Trao các quyết định nhân sự của Ban Bí thư Trung ương Đảng
Tham dự Hội nghị có hơn 700 đại biểu, bao gồm các đồng chí Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; Lãnh đạo và đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; cán bộ lão thành của Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ; các đồng chí Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; cùng Lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt của Bộ Ngoại giao.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự và phát biểu tại các phiên họp của Hội nghị.
Các đại biểu dự kiến thảo luận trong hai phiên toàn thể. Phiên I “Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng” diễn ra vào ngày 15/8. Sau đó một ngày, Phiên II với chủ đề “Đối ngoại quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng” sẽ được tổ chức với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Xuân Phú |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 diễn ra vào thời điểm rất quan trọng. Đây là dịp kiểm điểm giữa kỳ việc triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng XII và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
Phó Thủ tướng nhận định nhìn lại từ Hội nghị Ngoại giao 29 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đang chuyển động hết sức nhanh chóng, phức tạp, có nhiều diễn biến mang tính bước ngoặt.
Điểm sáng đáng mừng là kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn tăng trưởng mới với tốc độ cao hơn. Trong xu thế chung đó, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vẫn đi đầu cả về tăng trưởng và liên kết kinh tế. Nhưng cùng với đó là các nhân tố gây bất ổn, rủi ro như chủ nghĩa bảo hộ, xung đột thương mại, chống toàn cầu hóa cũng tác động không thuận đến đà phát triển của kinh tế thế giới và Việt Nam.
Tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang có nhiều biến động. Sự điều chỉnh chính sách và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chủ nghĩa dân túy, thực dụng tăng cao khiến cục diện an ninh ngày càng bấp bênh hơn. Sự vận động, đấu tranh giữa các trào lưu, xu thế cũ và mới diễn ra hết sức gay gắt. Tình hình Biển Đông vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa an ninh và ổn định ở khu vực cũng như quyền và lợi ích chính đáng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, bám sát đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, ngành Ngoại giao đã kiên trì về nguyên tắc; kiên định về mục tiêu; chủ động, linh hoạt trong triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với mục tiêu bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, chúng ta đã tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng yếu về đối ngoại mà Đại hội Đảng XII đề ra, đặc biệt là hai nhóm nhiệm vụ lớn mà Tổng Bí thư đã chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao 29. Đó là tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước và góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ và giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển.
Theo Phó Thủ tướng, những thành tựu đối ngoại đạt được trong thời gian qua, trước hết, là do chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng về đối ngoại, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tham gia trực tiếp của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả của các ban, bộ, ngành, địa phương, sự quan tâm và đồng hành của người dân và doanh nghiệp đã tạo thành sức mạnh tổng hợp làm nên những thành tựu quan trọng trên mặt trận đối ngoại. Sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các binh chủng, giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa ngoại giao - quốc phòng - an ninh, theo đúng phương châm “đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể” là một nhân tố rất quan trọng dẫn đến thành công.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh các thành tựu quan trọng đã đạt được từ sau Hội nghị Ngoại giao 29, vẫn còn nhiều việc chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa, nhất là về công tác dự báo chiến lược. Nhiều cơ hội chúng ta chưa tận dụng hết để đóng góp hiệu quả hơn, thực chất hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, Phó Thủ tướng cho biết.
Trước bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang chuyển động rất nhanh và khó lường, trong khi đất nước đang bước vào giai đoạn đẩy mạnh hội nhập sâu rộng, Phó Thủ tướng nhận định ngành Ngoại giao phải tiếp tục nỗ lực, tận tâm, liên tục thích ứng; chủ động, sáng tạo trong tư duy, hiện đại trong cách làm, chú trọng tính hiệu quả để triển khai thắng lợi các chủ trương, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
“Thế và lực mới của đất nước sau hơn 30 năm Đổi mới đã mang lại những thuận lợi rất căn bản để chúng ta xây dựng một nền Ngoại giao chuyên nghiệp, hiện đại; nghiên cứu bổ sung và phát triển một số nội hàm mang tính chiến lược mới về đối ngoại hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XIII cho phù hợp với tầm vóc, thúc đẩy hơn nữa thế và lực của đất nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm, Hội nghị lần này cũng sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng ngành. Bác Hồ đã căn dặn: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Vừa qua, Hội nghị Trung ương 6 và 7 Khóa XII đã ban hành Nghị quyết về đổi mới sắp xếp tinh gọn bộ máy hiệu lực hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội nghị Ngoại giao 30 là cụ thể hóa tinh thần, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết, nâng cao chất lượng bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại theo hướng chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, ngang tầm khu vực, dần tiệm cận đạt tới trình độ quốc tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Lễ hội Áo dài Đà Lạt 2024 với nhiều điểm nhấn độc đáo
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
8 chương trình đào tạo của trường Đại học Đông Á được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé
Bước tiến mới trong điều trị bệnh thận mạn tại Việt Nam