Tin tức - Sự kiện

Hồ chứa nước thải bệnh viện hàng chục năm đầu độc người dân

Hồ chứa nước thải của bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới đang ngày càng xuống cấp trầm trọng, xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của những hộ dân xung quanh.

Báo Bảo vệ pháp luật nhận được phản ánh của hàng chục hộ dân sống tại Cụm 4, tổ dân phố 14, phường Nam Lý, TP Đồng Hới về cuộc sống của họ và môi trường thiên nhiên xung quanh đang chịu nhiều ô nhiễm nghiêm trọng từ 2 hồ chứa nước thải của bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới.

Nước thải bệnh viện xả thẳng ra môi trường.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới được khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 1981, đây cũng là thời điểm hồ chứa nước thải của bệnh viện này chính thức đi vào hoạt động. Hồ chứa nước thải này có nhiệm vụ chứa nước thải từ bệnh viện để xử lý lần cuối rồi xả ra môi trường. Hệ thống hồ chứa này được chia ra làm 2 hồ, theo nguyên tắc, ban đầu nước thải sau khi xử lý ở bệnh viện sẽ được dẫn ra hồ thứ nhất qua 1 hệ thống sục khí ngay tại hồ rồi dẫn qua hồ thứ 2, ở đây nước thải sẽ được dẫn vào 1 hệ thống kênh trong hồ để khử lần cuối bằng hóa chất Clo rồi xả thẳng ra môi trường.

Tuy nhiên, qua thời gian hệ thống xử lý ở 2 hồ chứa này xuống cấp trầm trọng từ đó công năng sử dụng của hệ thống này không còn hiệu quả.


Hồ chứa nước thải bệnh viện xuống cấp trầm trọng.

Theo quan sát, hệ thống tường, kè bao, kênh dẫn nước, nhà xử lý hóa chất tại 2 hồ chứa có nhiều chỗ đã đổ sập, hư hỏng hoàn toàn. Cỏ, cây mọc um tùm, ở mặt hồ thứ nhất nước đen kịt, ở hồ thứ 2 bèo và rác thải phủ gần kín mặt hồ.

Theo người dân, hệ thống xử lý nước thải bằng hóa chất Clo đã không còn hoạt động cách đây hơn 20 năm. Kể từ đó, hàng chục năm trời nước thải từ bệnh viện ra hồ chứa này rồi cứ thế xả thẳng ra môi trường thiên nhiên.

Bà Đinh Thị Bé (SN 1947) sống ngay cạnh hồ chứa cho biết, “Kể từ thời điểm đưa vào hoạt động đến nay đã gần 40 năm trời nhưng hệ thống chứa này chưa có lần nào tiến hành nạo vét làm mới cả mà chất bẩn thì càng ngày càng lắng đọng nhiều. Mấy năm gần đây dân phản ánh nhiều thì cứ mỗi lần có đoàn kiểm tra thì họ lại tiến hành phát quang bụi rậm xung quanh, thu dọn bèo, rác thải. Nhưng một thời gian sau thì mọi chuyện đâu lại vào đó chứ không có chuyện làm thường xuyên đâu...”.


Nhà xử lý nước bằng Clo ở công đoạn cuối cùng trước khi xả ra môi trường đã không còn hoạt động cách đây hơn 20 năm.

“Những ngày thời tiết bình thường thì còn đỡ chứ những ngày thời tiết thay đổi là mùi hôi từ hồ chứa này bốc lên hôi nồng nặc, mà xung quanh thì cháu nhỏ rất nhiều. Nhất là những ngày trời mưa, nước thoát không được rồi tràn ra ở những chổ tường bao bị sập rồi cứ thế cuốn theo rác rưởi xuống lênh láng khắp vườn, nhà”. Ông Đặng Minh Tiến, 1 hộ dân sống cạnh hồ cho biết thêm.

“Phản ánh của người dân là có cơ sở”

 

Đó là khẳng định trong báo cáo số 897/STNMT-CCMT của Sở tài nguyên & môi trường gửi UBND tỉnh Quảng Bình ngày 29/05/2018 về việc báo cáo kết quả kiểm tra, giải quyết kiến nghị của người dân về ô nhiễm môi trường tại 02 hồ chứa nước thải của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới.

Báo cáo nêu rõ, trước đây 2 hồ này thuần túy là hồ đào, đê bao đắp bằng đất. Qua nhiều giai đoạn Bệnh viện đã chỉnh trang, xây kè đá và tường bao quanh. Trong vài năm trở lại đây, hệ thống kè đá, tường bao đã xuống cấp, 1 số đoạn tường rào đã đỗ vỡ. Việc vệ sinh, phát quang xung quanh bờ hồ, xử lý sinh học không thường xuyên nên gây ra hiện tượng cỏ, cây ngập trong nước gây phân hủy.


Báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình

Để xem xét mức độ ô nhiễm, Sở Tài nguyên và môi trường đã tiến hành lấy mẫu tại đầu ra của 2 hồ xử lý tùy nghi để kiểm tra, kết quả phân tích so sánh với QCVN 28:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế cho thấy có một số chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép.

Cụ thể: Đối với mẫu nước thải tại cuối hồ 1 dẫn sang hồ 2: Chỉ tiêu BOD5 vượt 1,92 lần (96/50 mg/l); Chỉ tiêu Amoni vượt 4,4 lần (44/10 mg/l); Chỉ tiêu COD vượt 1,8 lần (180/100 mg/l).

Đối với mẫu nước thải tại cuối hồ 2 (tại cửa xả thải ra môi trường) chỉ tiêu BOD5 vượt 1,56 lần (78/50 mg/l); Chỉ tiêu Amoni vượt 2,6 lần (26/20 mg/l); Chỉ tiêu COD vượt 1,41 lần (141/100 mg/l)

 

Qua xem xét thực tế và kết quả phân tích chất lượng nước tại 2 hồ xử lý tùy nghi này cho thấy, phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường tại 2 hồ của Bệnh viện là có cơ sở. Đồng thời, Sở Tài nguyên và môi trường đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với hành vi xả thải vượt quy chuẩn cho phép để xử lý theo quy định.

Theo BVPL
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo