Hoàn thiện quy định liên quan thiết bị an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông
Thủ tướng Chính phủ ra Công điện chỉ đạo ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm / Từ ngày 15/5, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xuất hiện nắng nóng
Tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua hai dự luật quan trọng, đó là: dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Để đóng góp vào quá trình hoàn thiện 2 dự thảo luật này, hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống giao thông bảo đảm quyền đi lại của người dân, hỗ trợ tốt cho phát triển kinh tế và gắn chặt với bảo vệ môi trường, chiều 7/5, báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Phát triển giao thông bền vững tại Việt Nam trong bối cảnh mới”.
Tại tọa đàm, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước đã thảo luận làm rõ về thực trạng bảo đảm an toàn trật tự giao thông nói chung, bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho nhóm yếu thế nói riêng, trong đó có trẻ em. Đồng thời, các đại biểu cũngphân tích các chính sách nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông trong dự thảo Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ; đồng thời, tiếp tục đề xuất các giải pháp bảo vệ nhóm yếu thế khi tham gia giao thông.
Thống kê cho thấy, tai nạn thương tích là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trên toàn thế giới và chiếm tới 68% số lượng tử vong ở trẻ em dưới 15 tuổi. Trong đó, tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, với khoảng 22% số trẻ tử vong trên toàn và tỷ suất tử vong tại các nước có thu nhập và trung bình cao hơn 58% so với các nước thu nhập cao.
Tại Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, tỷ suất tử vong do tai nạn giao thông trẻ em đã giảm, tuy nhiên vẫn còn đang ở mức rất cao. Mỗi năm có khoảng gần 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông cùng với đuối nước là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ ở nước ta.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi tham gia giao thông bằng ô tô, ghế sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ. Nguy cơ chấn thương giảm cho trẻ em ngồi ở ghế sau kể cả trường hợp dùng thiết bị an toàn và không dùng thiết bị an toàn.Với trẻ em không dùng thiết bị an toàn nguy cơ chấn thương ở trẻ em ngồi ghế sau giảm 26% so với trẻ ngồi ghế trước. Với trẻ em có dùng thiết bị an toàn thì nguy cơ này giảm 14%.
Hiện nay trên thế giới có 115 nước đã có luật cấm trẻ em ngồi ghế trước, trong đó có 70 nước cấm hoàn toàn và 45 nước cấm nhưng cho phép trẻ ngồi ghế trước nếu có thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô.
Nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã có quy định về việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em. Hiện cũng còn ý kiến khác nhau về giới hạn lứa tuổi/chiều cao của trẻ buộc phải sử dụng thiết bị an toàn khi tham gia giao thông.
Cụ thể, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộquy định: Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ôtô mà không có người lớn ngồi cùng, người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề xuất, trẻ em dưới 12 tuổi và cao dưới 150cm phải được chở bằng thiết bị an toàn trên xe ôtô dành cho trẻ em phù hợp với tuổi/chiều cao của trẻ để có thể bảo vệ tốt nhất cho trẻ.
Các đại biểu đề xuất, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần xem xét tiếp tục hoàn thiện quy định liên quan thiết bị an toàn cho trẻ em; có quy định chặt chẽ về mũ bảo hiểm trẻ em thông qua ban hành tiêu chuẩn chất lượng mũ bảo hiểm phù hợp cho từng lứa tuổi trẻ em; tăng cường tuyên truyền, giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm…
Đối với dự thảo Luật Đường bộ, quy định tỷ lệ đất dành cho phát triển kết cấu hạ tầng trong dự thảo đã được lượng hóa, có tính đến điều kiện cụ thể của nước ta và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài. Tuy nhiên, theo các đại biểu, cần có điều khoản chuyển tiếp cho những đô thị đặc biệt như Hà Nội, TPHồ Chí Minh hoặc các đô thị lớn khác, nhằm xử lý trường hợp các đô thị này do kế thừa quy hoạch qua các thời kỳ lịch sử và tiếp nhận những hạn chế, yếu kém trong quá trình quản lý đô thị để lại, nên tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ hiện nay không đáp ứng quy định của Luật.
Dự thảo Luật cũng cần minh định tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông của mỗi loại đô thị được lượng hóa như trong dự thảo Luật đã bao gồm lòng đất để phát triển tàu điện ngầm, bãi đỗ xe ngầm hoặc trên không để phát triển đường sắt đô thị trên cao, bãi đỗ xe trên cao và các công trình phụ trợ cần thiết khác bảo đảm cho giao thông đường bộ…
End of content
Không có tin nào tiếp theo