Tin tức - Sự kiện

Hơn 68% trẻ em Việt Nam chịu hình phạt từ gia đình

“Bạo hành về thể xác hay tinh thần chỉ có tác dụng tại thời điểm đó. Sau các hình thức kỷ luật đó, trẻ sẽ học cách làm sao để ranh hơn, làm sao để bố mẹ không mắng. Do vậy, phụ huynh cần học tập cách "vừa kiên định, vừa mềm mỏng", thay vì chỉ sử dụng bạo lực”.

Reporter Việt Nam phát động dự án thư viện sách cho trẻ em vùng núi Nghệ An / Tình trạng phạm tội xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp và nhiều bài học xương máu trong quản lý cán bộ

Trên đây là ý kiến của chuyên gia giáo dục Quốc tế Steven Foster đưa ra sau chuỗi tọa đàm, giảng dạy về kỉ luật tích cực tại Việt Nam, do Trường quốc tế Gateway và Trường mầm non Sakura Montessori phối hợp tổ chức mới đây.

Từ tọa đàm này, lần đầu tiên, các phụ huynh biết đến những số liệu, những thông tin chi tiết về tình trạng bạo hành trẻ em hiện nay như nguyên nhân, hậu quả của các hành vi kỷ luật trẻ thô bạo.

Hơn 68% trẻ em Việt Nam từng chịu hình phạt từ gia đình

Theo chuyên gia Steven Foster - người có 20 năm kinh nghiệm đào tạo kỷ luật tích cực và giáo dục sớm tại Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới, giáo viên và phụ huynh cần được học cách để biết đâu là giới hạn của kỷ luật. Kỷ luật hướng về giảng dạy. Bạo lực hướng về kiểm soát.

Chuyên gia Quốc tế Steven Foster - người có 20 năm kinh nghiệm đào tạo kỷ luật tích cực và giáo dục sớm. (Ảnh: Mỹ Hà).

Chuyên gia Quốc tế Steven Foster - người có 20 năm kinh nghiệm đào tạo kỷ luật tích cực và giáo dục sớm. (Ảnh: Mỹ Hà).

Kỷ luật tích cực cần dựa trên nền tảng của sự tôn trọng, thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái. Ở đó, phụ huynh cần sử dụng cả tình yêu thương và sự kiên định cùng một lúc. “Bố mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng để yêu con đúng cách cần phải học”, chuyên gia Steven khẳng định.

Ông Steven chia sẻ, khi phát cho phụ huynh một mẩu giấy và yêu cầu trả lời “Kỷ luật là gì?”, khoảng 60% câu trả lời liên quan sự trừng phạt. “Phần lớn chúng ta lớn lên và trưởng thành từng bị bố mẹ đánh, mắng chửi, thậm chí như cơm bữa. Tuy nhiên, thực tế, con sẽ không học được những kỹ năng dài hạn từ đòn roi bởi nó có hiệu quả tức thì nhưng khiến trẻ sợ hãi”, ông nói.

Theo chuyên gia này, việc bạo hành về thể xác gây hậu quả khôn lường cho trẻ về cách não bộ vận hành. Những đứa trẻ có tiền sử bị bạo hành trong thời gian nhất định, chúng chủ yếu sử dụng phần não để sinh tồn thay vì để lý trí, suy nghĩ.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh Xã hội tại tọa đàm.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh Xã hội tại tọa đàm.

 

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, cho biết: “Rất nhiều người nói với tôi rằng, hình như người Việt Nam, các cha mẹ thích đánh con.

Từ đời ông đời cha, càng thương càng cho con ăn đòn. Muốn con học giỏi, muốn con ngoan ngoãn thì phải dùng roi vọt. Về câu “Thương cho roi cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi”, bạn bè của tôi và một số chuyên gia quốc tế đều nói với tôi rằng, họ rất không vừa lòng khi đó là truyền thống của Việt Nam. Đó có thể là truyền thống của ông bà, cha mẹ chúng ta và ở một số quốc gia trên thế giới”.

Cũng theo ông Nam, trên thế giới có khoảng 300 triệu trẻ em từ 2 đến 4 tuổi thường xuyên bị cha mẹ áp dụng các hình thức kỷ luật về thể chất hoặc tâm lý. Khoảng 1,1 tỷ người chăm sóc trẻ cho rằng trừng phạt về thể chất là phương pháp cần thiết để giáo dục trẻ.

Còn tại Việt Nam, 68,4% trẻ em từ 1 đến 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt về thể chất hoặc tinh thần từ các thành viên trong gia đình.

 

Bố mẹ hãy biết nói lời xin lỗi

Theo ông Đặng Hoa Nam, nguyên nhân của việc bạo hành trẻ em thường do những cơn giận dữ bất thình lình của cha mẹ. Thứ hai do họ không có kinh nghiệm dạy con. Thứ ba, cha mẹ chưa được ai nói cho họ biết xử lý như thế nào trong các tình huống với con. Thứ tư, cha mẹ không rút kinh nghiệm từ những sự việc trước.

Chuyên gia giáo dục Hoàng Anh Đức – Giám đốc học thuật Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway cho rằng: “Cha mẹ cần khích lệ trẻ từ những điều nhỏ nhất để giúp chúng trở nên tự tin và dũng cảm hơn. Ai cũng có kỳ vọng cho con nhưng cách đặt kỳ vọng như thế nào mới là điều quan trọng. Chúng ta cần tạo cơ hội tốt nhất để trẻ có điều kiện tiếp thu tri thức mà không cảm thấy quá nặng nề.”

Theo đó, phụ huynh nên trở thành một người bạn và đồng hành cùng với trẻ. Đừng hạ thấp trẻ con bằng người lớn mà hãy nâng tầm trẻ em lên ngang người lớn.

Còn theo chuyên gia Steven, nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực trẻ em do chúng ta không lắng nghe con mình, không coi con mình là người có thể chia sẻ, tâm sự được.

 

"Kỷ luật trong tiếng Anh có nghĩa gốc là giảng dạy, là dạy dỗ nhưng đa phần chúng ta đều hiểu kỷ luật là khuôn khổ, là những nguyên tắc”.

(Chuyên gia giáo dục Quốc tế Steven Foster)

“Bạo lực trẻ có thể khiến phụ huynh hài lòng vì tiết kiệm được thời gian dạy con, nhưng lại gây hậu quả lớn về phát triển não bộ, tính cách. Cha mẹ cũng là con người, khi tức giận, phần não "gây tức giận" hoạt động nhưng phần não lý trí lại tự động... không làm việc. Vì vậy, để ngăn việc có thể "xả" vào con ngay thời điểm chúng mắc lỗi, phụ huynh hãy hít thở thật sâu. Đồng thời, cha mẹ nên nói với con hãy giải quyết vấn đề này khi cả hai đều bình tĩnh hơn”, ông Steven Foster nói.

Ngoài ra, để thành công trong việc chia sẻ cùng con, cha mẹ nên thành lập "mối quan hệ song phương", tôn trọng nhưng không đồng nghĩa việc đội con lên đầu.

Cách thứ hai là phụ huynh không thưởng cũng không phạt mà để con được đóng góp, trẻ cảm thấy mình có năng lực, khả năng.

 

Cuối cùng, cha mẹ hãy xin lỗi trẻ khi mắc sai lầm. Xin lỗi là giáo án trong buổi dạy làm cha mẹ đầu tiên của ông Steven Foster. Ông cho hay, một định nghĩa cần được ghi nhớ trong kỷ luật tích cực đó là, trẻ sẽ luôn có hành động tốt hơn khi cảm thấy tốt hơn. Trẻ tốt hơn khi cảm thấy được khích lệ, nhưng không có nghĩa muốn gì được đó. Với kỷ luật tích cực, phụ huynh cần học tập cách “vừa kiên định vừa mềm mỏng”.

Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo