Tin tức - Sự kiện

Kỳ họp bất thường của Quốc hội và quyết sách cho phát triển

Được khai mạc vào ngày 4/1, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội khóa XV sẽ xem xét một số nội dung quan trọng, cấp bách cho phục hồi và phát triển KT-XH.

6 luật mới có hiệu lực từ 1/1/2022 có điểm gì đáng chú ý? / Ngày 1/1, thêm 14.835 ca mắc COVID-19 mới

Lần đầu tiên, Quốc hội Việt Nam tổ chức một kỳ họp bất thường trên cơ sở đề nghị của Chính phủ. Kỳ họp cho thấy sự chủ động, linh hoạt, kịp thời thích ứng của Quốc hội, nhằm giải quyết những thách thức đặt ra trong bối cảnh đặc biệt, vì một mục tiêu duy nhất - đem lại sự phát triển cho đất nước.

Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: "Kỳ này, chúng tôi tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất, có nghĩa sẽ còn kỳ họp bất thường thứ hai, thứ ba. Những nội dung này nếu để 6 tháng sau thì sẽ làm chậm sự phát triển của đất nước. Đây là minh chứng rõ nét của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đổi mới đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đáp ứng yêu cầu cũng như đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, trong thể chế các chủ trương Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống".


Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến đối với những vấn đề quan trọng, cấp bách và không thể trì hoãn gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật, dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Cần Thơ. Điều này được kỳ vọng sẽ có những tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp, địa phương và cả những chính sách lớn giúp phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: "Kỳ họp lần này thể hiện hai cái. Thứ nhất Quốc hội rất năng động và theo đúng xu thế mới hiện nay đòi hỏi Nhà nước buộc phải có tính thích ứng nhanh hơn, việc ra quyết định đòi hỏi phải nhanh chóng hơn. Thứ hai, cũng là thể hiện tinh thần đổi mới, đó là hành động quyết liệt, tháo gỡ ngay những khó khăn vướng mắc".

Theo bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: "Nếu chúng ta không xác định ngay những cái chính sách, những điểm nghẽn, sự cản trở phát triển thì các doanh nghiệp của chúng ta dễ dàng bị tụt hậu và sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Vì thế việc sửa các luật cũng như quyết định chính sách tiền tệ rất quan trọng, là cần thiết".

Dù rất cấp bách và diễn ra theo hình thức trực tuyến để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, nhưng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chất lượng sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm