Liên minh châu Âu (EU) đến tìm hiểu tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư tại Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL
Người lao động tại các khu công nghiệp có thể được hỗ trợ tiền thuê nhà 3 tháng liên tục / Hà Nội "chỉ" thêm gần 18.000 ca mắc COVID-19 mới trong một ngày
Ngày 22/3, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã có buổi tiếp và làm việc với Ngài Giorgio Aliberti- Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cùng Đại sứ các nước thành viên đến thăm và làm việc tại TP Cần để tìm hiểu tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế tuần hoàn và bền vững tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Đặc biệt, các nước EU rất quan tâm đến việc thực hiện các dự án hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL…
Tại buổi làm việc, đại diện phái Đoàn EU, cho biết, hiện EU có 27 nước thành viên và đa phần có thế mạnh về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, với những chiến lược đi đầu về thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo; phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và bền vững… Ông Trần Việt Trườngghi nhận và đánh giá cao chuyến thăm TP Cần Thơ của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam.
Chủ tịch UBND TP cho biết, hiện nay TP Cần Thơ đang mở cửa, phục hồi nền kinh tế. TP cũng đang tận dụng những ưu thế được quy định tại Nghị quyết số 45/2022/QH ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ để phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, đưa TP phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Chính vì vậy, TP Cần Thơ rất mong muốn những nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào TP Cần Thơ, trong đó có các quốc gia đến từ Liên minh Châu Âu.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giới thiệu tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư với Đại sứ các nước thuộc EU.
Đối với các quốc gia khác thuộc EU như Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Na-uy, TP cũng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực trên nhiều lĩnh vực như: y tế, giáo dục, nông nghiệp, môi trường… Riêng về lĩnh vực môi trường, TP hiện có 1 dự án “Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ” được tài trợ ODA từ Chính phủ Pháp. Ngoài ra còn có các dự án NGO của Hà Lan như: Dự án “Thu gom tự động rác nổi trên sông tại TP Cần Thơ”; dự án “WaterWorX hướng đến cấp nước thích nghi với Biến đổi khí hậu khu vực Tây Nam vùng ĐBSCL”; Chương trình “Blue Dragon Việt Nam - Nâng cao năng lực quản lý nguồn nước ở ĐBSCL (Giai đoạn 1) tại TP Cần Thơ”.
Ngài Giorgio Aliberti- Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam trao đổi tại buổi tiếp.
Tại buổi tiếp, thông tin thêm với Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, ngày 28/2/2022, Chính phủ đã ký Quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quy hoạch TP Cần Thơ là đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân, đô thị lõi của cả vùng ĐBSCL. Từ năm 2022 và các năm tiếp theo, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là các hạ tầng giao thông, như đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường cao tốc từ Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quyết định cho khảo sát và sẽ đầu tư tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho TP Cần Thơ phát triển. Song song đó, TP Cần Thơ cũng đang trong quá trình quy hoạch tích hợp và quy hoạch phát triển đô thị.
Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, TP sẽ tập trung chuyển đổi số trong các hoạt động hành chính, sản xuất kinh doanh. Đồng thời, mong muốn thời gian tới TP sẽ hợp tác cùng các quốc gia Liên minh Châu Âu trong vấn đề chuyển đổi số, trước hết tập trung hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục đào tạo, y tế…
Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP mong muốn Ngài Giorgio Aliberti và Đại sứ các nước thành viên hỗ trợ quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư, hình ảnh TP Cần Thơ đến các hiệp hội, nhà đầu tư tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hiểu biết thêm về môi trường đầu tư, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và tiềm năng đầu tư của mỗi nước để tăng khả năng hợp tác đầu tư và kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác về chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ liên minh Châu Âu vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên của TP như: thông tin và truyền thông, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, y tế, tài nguyên và môi trường…
Thay mặt Phái đoàn Liên minh Châu Âu, Đại sứ Giorgio Aliberti đánh giá cao tiềm năng, cơ hội phát triển của TP Cần Thơ trong chiến lược phát triển khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, theo Ngài Đại sứ, Cần Thơ cũng như các địa phương trong khu vực ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức bởi biến đổi khí hậu như: hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún đất, xói mòn bờ biển, nước biển dâng... Do đó cần có sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các bên liên quan để khắc phục và phục hồi bền vững. Hy vọng, thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác phát triển trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực về công nghiệp, năng lượng sạch, hạ tầng, giao thông… Đồng thời, khẳng định sẽ tiếp tục làm cầu nối thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác thiết thực nhất giữa các quốc gia thành viên trong Liên minh Châu Âu với Cần Thơ, nhất là trong lĩnh vực thích ứng với biến đối khí hậu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo