Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương tỉnh Quảng Trị
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị, đến 6 giờ ngày 10/10, lượng mưa đo được trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 600-800mm, một số nơi đã vượt 1.000mm như Hướng Linh (huyện Hướng Hóa) 1.475mm, Đakrông (huyện Đakrông) trên 1.340mm, Mỹ Chánh (huyện Hải Lăng) hơn 1.300mm, Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh) hơn 1.230mm.
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, mưa lớn kéo dài đã gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân ở nhiều địa phương.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị khẩn trương khắc phục sạt lở ở các tuyến đường giao thông.
Cụ thể, huyện Triệu Phong có 5.902 hộ dân bị ngập lụt; 283 hộ ở nơi thấp trũng phải di dời; 193 ha nuôi trồng thủy sản chưa thu hoạch ở các xã Triệu Phước, Triệu An, Triệu Trung, Triệu Độ… bị nước cuốn trôi.
Tại huyện Cam Lộ, tính đến chiều 9/10, trên 2.000 nhà dân vùng thấp, trũng ven sông Hiếu như thôn Bích Giang, xã Cam Hiếu; thôn Bình Mỹ, An Mỹ, xã Cam Tuyền; thôn Tam Hiệp, xã Cam Thủy đã bị ngập sâu.
Toàn huyện có trên 200 con gia súc và 20.000 con gia cầm các loại bị chết, trôi; trên 2.000 tấn lương thực bị ướt, hư hỏng; trên 500 ha sắn, hoa màu bị ngập lụt, hư hại. Nhiều tuyến đường giao thông, kênh mương bị ngập lụt sâu, xói lở, cuốn trôi...
Trong ngày 9/10, đã có trên 500 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 968 tập trung hỗ trợ người dân ở các xã Cam Tuyền, Cam Thủy, Cam Hiếu và thị trấn Cam Lộ khắc phục hậu quả mưa lũ...
Trên địa bàn huyện Hải Lăng, do mưa lớn nên nước lũ đã lên cao hơn ngày hôm trước từ 30-50 cm. Toàn huyện có gần 3.000 hộ bị ngập, các địa phương đã di dời, sơ tán 991 hộ đến nơi an toàn. Các xã vùng thấp như Hải Sơn, Hải Lâm, Hải Hòa, Hải Chánh… nước đã ngập sâu trong khu dân cư.
Lực lượng vũ trang đưa dân ra khỏi vùng ngập sâu.
Đặc biệt, do nước thượng nguồn đổ về lớn nên các vùng gò đồi của huyện Hải Lăng cũng bị ngập lụt. Tại hai thôn Mai Đàn và Thượng Nguyên, xã Hải Lâmcó khoảng 80 hộ dân bị nước ngập sâu từ 1,5 - trên 2 m. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Hải Lăng mới di dời được một số hộ dân, số còn lại chưa chịu sơ tán khi được cảnh bảo nên khi nước lên nhanh đã mắc kẹt.
Hiện nay, các lực lượng cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn huyện Hải Lăng đang tập trung lực lương, khẩn trương tổ chức đưa người dân ra khỏi vùng ngập lụt, nguy hiểm.
Cùng với đó mưa lớn, dòng nước lũ lên cao và nhanh, cuốn trôi trên 537 hecta diện tích nuôi trồng thủy hải sản của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Tại huyện Vĩnh Linh đã có hơn 75 % diện tích hồ tôm ngập sâu trong nước, riêng Xã Vĩnh Sơn, lũ đã cuốn trôi 166 hecta diện tích nuôi tôm đầu tư sắp đến mùa thu hoạch của người dân. Bao nhiêu công sức đầu tư, chăm sóc sắp đến ngày thu hoạch giờ đây người dân rơi vào cảnh trắng tay khi dòng nước lũ đã cuốn trôi tất cả...
Ông Hoàng Chiến, thôn Huynh Thượng, xã Vĩnh Sơn cho biết: “Nhà tôi nuôi tôm đến nay đã được 3 tháng, gần đến thu hoạch thì bị lũ cuốn trôi hết sạch. Chi phí ra giữa hồ gần 200 triệu giờ coi như mất trắng”.
Trước ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có 2 người chết do trượt chân bị lũ cuốn trôi. Đó là một bé gái 4 tuổi ở xã Hải Phong, huyện Hải Lăng và ông L.H.A., 61 tuổi ở xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong.
Sáng 10/10, tỉnh Quảng Trị tiếp tục huy động lực lượng tìm kiếm 7 người còn mất tích, trong đó có người 5 trên đất liền và 2 thuyền viên mất tích trên biển do tàu bị sự cố.
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trực tiếp bồng em bé ở vùng ngập lụt đưa đến nơi an toàn.
Tại buổi kiểm tra công tác cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đề nghị trước mắt phải tập trung mọi biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, nhất là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ và sẽ tiến hành cưỡng chế di dời đến nơi an toàn nếu thấy cần thiết.
Ông Đồng đề nghị địa phương duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu, thực hiện triệt để với phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống thiên tai. Phải liên tục kiểm tra rà soát thực hiện các phương án di dời dân, sơ tán dân đặc biệt ở vùng ven sông, vùng thấp trũng, vùng hạ lưu các hồ chứa, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân.
Hiện tình hình mưa lũ vẫn đang diễn biến phức tạp, các ngành chức năng khuyến cáo người dân không nên tổ chức vớt tôm, cá để tránh thiệt hại đến tính mạng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái