Thầy cô thời công nghệ 4.0
Giáo viên địa phương không chấm bài trắc nghiệm thi THPT Quốc gia 2019 / Giáo dục STEM: Mạnh ai nấy dạy!
Mạng xã hội, sổ liên lạc điện tử là sợi dây kết nối nhanh và hữu hiệu hơn hẳn giữa gia đình và nhà trường. Công nghệ hiện đại đang góp phần thay đổi nền giáo dục theo chiều hướng tích cực.
Từ vùng xa huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), lớp học Skype của thầy giáo Toán Huỳnh Bá Hiếu đã biến tiết Tin học trở thành tiết học được yêu thích nhất của các em học sinh Trường THCS Thạnh Hòa. Không có màn hình máy chiếu hay thiết bị công nghệ hiện đại như các trường ở thành phố, những tiết học của thầy Hiếu được kết nối qua Skype từ chiếc webcam cũ của máy tính để bàn, rồi phóng hình ảnh ra màn hình tivi để cả lớp theo dõi. Từ đây, các bạn học sinh được học tiếng Anh với các lớp học ở Philippines, Sri Lanka, Ấn Độ; học giáo dục giới tính cùng giảng viên ở ĐH Thái Nguyên.
Cách đây 9 năm (năm học 2008 - 2009), Bộ GD-ĐT phát động “năm học công nghệ thông tin” với mong muốn tạo ra bước đột phá trong đổi mới giáo dục. Có người ví von giáo dục như ngành y, nếu không có công nghệ sẽ không thể chữa lành vết thương, tật xấu chứ chưa nói đến xa hơn là cải thiện đời sống, nâng cao dân trí.
Sau 9 năm, công nghệ đang phần nào khiến giáo dục và đổi mới sáng tạo trong giáo dục ngày càng được phát huy. Thay vì sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống, các giảng viên đã sử dụng phương thức giảng dạy bằng máy chiếu. Kiến thức sẽ được soạn trước bằng power point và có nhiều hình ảnh hay video minh họa để học sinh có thể hiểu bài dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, phần lớn giáo viên (có cả các giáo viên lớn tuổi) đều học và hiểu cách sử dụng Power Point để làm giáo án điện tử, trao đổi nghiệp vụ qua email hoặc tham gia các diễn đàn giáo dục nội bộ, biết cách soạn bài giảng trên smartphone, nhắc thời khóa biểu giảng dạy trên Google hay kết nối với học trò qua mạng xã hội…
Đương nhiên phương thức giảng dạy bằng laptop, máy chiếu mới chỉ là hình thức sơ khởi nhất của ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo. Nhưng từ đây, cả kho tàng sáng tạo cho cả thầy và trò đã được gợi mở.
Việc thầy cô giáo đi đầu trong ứng dụng công nghệ đã là tấm gương để các học sinh noi theo. Trong chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục 2018", dự án Toán tương tác của em Nguyễn Nga Nhi (lớp 12 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) được tôn vinh là 1 trong 14 công trình lọt vào vòng chung khảo. Nga Nhi đã biến những bài toán, những con số khô khan trở thành một trò chơi tương tác thú vị với hình minh họa trên máy tính. “Toán tương tác” là ứng dụng thành công của công nghệ tin học trong việc tìm cách giúp chính mình và bạn bè học Toán một cách dễ dàng hơn khi biến Toán sẽ có cảm giác như đang chơi một trò chơi.
Chia sẻ về kết quả đạt được khi ứng dụng CNTT, cô giáo Ngô Thị Hồng Liên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) khẳng định, nếu như trước đây, khi cần thông tin về một học sinh nào đó, ban giám hiệu nhà trường phải yêu cầu văn thư, giáo viên tra thông tin viết tay mất khá nhiều thời gian. Từ khi nhà trường sử dụng sổ điểm điện tử, hệ thống theo dõi hồ sơ, thông tin học sinh, kết quả học tập, rèn luyện được lưu trữ trên hệ thống máy tính nên chỉ một cú nhấp chuột, mọi thông tin về bất cứ học sinh nào cũng được tìm thấy một cách dễ dàng và nhanh chóng. Điều này giúp cho giáo viên rất nhiều trong việc theo dõi quá trình học tập của từng học sinh để có những phương pháp giáo dục phù hợp.
Việc cung cấp thông tin định kỳ về hạnh kiểm, kết quả học tập hằng tháng của học sinh được gửi đúng hạn thông qua các phần mềm, hòm thư điện tử…, giúp phụ huynh nắm bắt thông tin nhanh và chính xác về con em mình, cho nên cha mẹ học sinh thêm tin tưởng vào sự giáo dục của nhà trường.
Lợi ích của công nghệ và hiệu quả sự ứng dụng công nghệ của các thầy cô là động lực để các trường học, cơ sở đào tạo tăng cường trang bị thiết bị dạy học hiện đại như phần mềm dạy học, máy tính, máy chiếu, bảng tương tác... Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy của đội ngũ giáo viên khi hệ thống cơ sở vật chất cũng như năng lực đội ngũ giáo viên còn hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế này, các trường đã chủ động triển khai hệ thống xử lý gửi tin nhắn đến điện thoại di động cho các bậc phụ huynh để báo cáo kết quả học tập của học sinh. Với các thầy cô giáo, mạng xã hội cũng trở thành nền tảng kết nối hữu hiệu với các em học sinh cũng như các bậc phụ huynh, thắt chặt tình cảm thầy trò và sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Cô Phan Hồng Anh, 27 tuổi, thạc sĩ Toán học, giáo viên trường THPT chuyên Hà - Nội Amsterdam cũng khẳng định sự kết nối qua Facebook, Zalo cũng mang cô trò đến gần nhau hơn. Nhiều học sinh có thể nhắn tin hỏi bài, tâm sự, xin ý kiến cô ngoài thời gian trên lớp.
Cũng như cô Phan Hồng Anh, nhiều thầy cô thừa nhận tạo nhóm trên mạng xã hội cung học sinh đã góp phần giúp học sinh củng cố, nâng cao kiến thức bài học trên lớp; hướng dẫn học sinh tự học ở nhà; thông báo các thông tin liên quan đến học tập; giao lưu tăng tinh thần đoàn kết trong lớp.
Tất nhiên, bất cứ tấm huy chương nào cũng có hai mặt. Việc sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội... trong công việc hàng ngày của thầy cô cũng có thể đứng trước nguy cơ nhất định. Việc xử lý, hạn chế những mặt tiêu cực phụ thuộc rất lớn vào khả năng điều tiết của mỗi giáo viên.
Tận dụng ưu thế của công nghệ sẽ đem tới những thuận lợi cho công tác giảng dạy, đào tạo. Những nỗ lực của thầy cô để đón đầu các xu hướng đổi mới công nghệ 4.0 trong dạy, học và giao tiếp với phụ huynh, học sinh là tấm gương để chính học sinh noi theo, tiếp bước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mức phạt áp dụng từ ngày 1/1/2025 với việc đeo tai nghe khi đi xe máy, ai cũng nên biết
Sáu nhiệm vụ trong tâm của ngành Nông nghiệp trong năm 2025
Dự báo thời tiết miền Bắc ngày mai 4/1: Vùng núi phía Bắc rét đậm, rét hại, có nơi dưới 11 độ
Ngành Thuế công bố 10 sự kiện nổi bật, trong đó có eTax Mobile
Hai tuyến cáp biển gặp sự cố, ảnh hưởng đến tốc độ internet Việt Nam đi quốc tế
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Quý I/2025 phải hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước