Thi trắc nghiệm môn Toán: Thầy giáo dạy mẹo, học sinh lười tư duy?
"Hình thức thi này là một trong những nguyên nhân gây ra sai phạm hàng loạt trong năm 2018 tại một số tỉnh như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang", bà Ánh phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng nay của Quốc hội.
Cũng theo bà Ánh, hình thức thi trắc nghiệm đã và đang khiến cách dạy và học tư duy với môn này bị thay đổi. Tại đây, thầy cô chỉ dạy làm cho học sinh cách làm bài sao cho đạt kết qua cao bằng cách mẹo làm bài. Còn học sinh chỉ khoanh tối đa các phương án đúng, còn lại là khoanh xác xuất.
"Cách học này dẫn đến tình trạng học sinh bỏ qua các bước khi làm 1 bài toán và tư duy lôgic. Đây là điều cần phải có khi học môn Toán, song lại đang bị xem nhẹ", đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.
Bà Ánh cho biết thời gian gần đây, nhiều thầy giáo dạy ở môn khoa học tự nhiên đã có ý kiến về chất lượng học sinh THPT. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng chung của cả hệ thống.
"Đề nghị Chính phủ lắng nghe ý kiến của cử tri và nghiên cứu lại phương thức thi trong thời gian tới", bà Ánh kết luận.
Phát biểu của đại biểu Dương Minh Ánh về việc thi trắc nghiệm với môn Toán tại Kỳ thi THPT Quốc gia
Cần nâng cao chất lượng dạy nghề
Cũng liên quan đến vấn đề giáo dục, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) lại đề cập đến vấn đề đào tạo dạy nghề.
Theo đại biểu So, hiện nay năng suất lao động Việt Nam đang khá thấp, thiếu nhiều lao động ở trình độ cao.
"Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ 22,22%. Trong khi tỷ lệ những người có trình độ phù hợp với công việc khoảng 40%", ông So cho biết.
Song điều đáng lo ngại là theo đại biểu đoàn Bắc Ninh, những tỷ lệ này lại đang có xu hướng giảm xuống trong khi xu hướng của các nước là tăng lên.
Ông So khẳng định, trong thời gian tới cần phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chất lượng phải gắn với sự phải triển khoa học công nghệ. Cụ thể cần phải tăng cường hợp tác liên kết gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo theo đơn đặt hàng, theo quy hoạch của từng ngành nghề, địa phương.
Theo ông So nếu không làm tốt điều này, Việt Nam có thể bị bỏ lại trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
End of content
Không có tin nào tiếp theo