Tin tức - Sự kiện

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lấy xã phường làm pháo đài chống dịch

Chiều tối 25/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và công bố Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Phó Tổng thống Mỹ Harris sẽ đề nghị hỗ trợ thêm vaccine COVID-19 cho Việt Nam / Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris

Cùng dự có các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; đồng chí Nguyễn Khắc Định, Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19

Theo quyết định 1438/QĐ-TTg, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam và Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Các thành viên Ban Chỉ đạo gồm: Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa... Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Bộ Y tế. Quyết định 1438/QĐ-TTg này thay thế Quyết định số 170/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/1/2020 về việc thành lập Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo này với những chức năng, quyền hạn là: Xây dựng kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo triển khai quyết liệt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ; Lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt việc thực hiện các nhiệm vụ: Phòng, chống dịch, chăm sóc y tế; bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; thực hiện thông tin truyền thông; bảo đảm hậu cần phòng, chống dịch; tổ chức sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Vận động, động viên, kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân... phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, ủng hộ, tích cực tham gia và tự giác thực hiện phòng, chống dịch;

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp

Điều phối, phối hợp chặt chẽ hoạt động giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các đoàn thể, cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong tổ chức triển khai kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch; Huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực hợp pháp trong nước, ngoài nước cho công tác phòng, chống dịch; Trực tiếp chỉ đạo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các địa phương; Kiểm tra, đôn đốc các ban, bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch; điều động và hỗ trợ theo thẩm quyền các nguồn lực cho địa phương phòng, chống dịch khi cần thiết.

 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo bắt tay ngay vào nhiệm vụ, với tinh thần trách nhiệm cao nhất cùng với nhân dân góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương khi triển khai giãn cách xã hội phải tranh thủ khoảng thời gian vàng này để thực hiện nghiêm, thực chất các quy định, kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất, không để dịch bệnh lây lan, không để chặt ngoài lỏng trong.

Đây là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh. Mà muốn làm được điều này phải bảo đảm an sinh xã hội tốt cho mọi người dân theo các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm người dân không "thiếu ăn, thiếu mặc"; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận y tế mọi lúc mọi nơi một cách nhanh nhất.

Thủ tướng cho biết, vừa rồi chúng ta đã tăng cường bổ sung thêm khoảng 400 trạm y tế và nhân lực, vật lực, trang thiết bị y tế ở các xã phường thị trấn. Người dân được tiếp cận sớm, nhanh, chăm sóc và phân loại để điều trị ngay tại xã phường, góp phần giảm tải tuyến trên. Chính điều này chính là chúng ta lấy xã phường làm pháo đài chống dịch.

“Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện rất tích cực chính sách ngoại giao vaccine. Vừa qua, chúng ta cũng đã ký được các hợp đồng lớn về vaccine. Thủ tướng Chính phủ cũng thường xuyên điện đàm với các tổ chức, đối tác. Thứ hai là phải bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, an dân…”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Thủ tướng lưu ý, khi thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta phải tranh thủ thời gian vàng để ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh. Bảo đảm an sinh xã hội tốt cho mọi người dân theo các Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Cần đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và cách tổ chức tương đối cụ thể, sát tình hình.

 

Chúng ta vừa làm vừa bổ sung, phải thực hiện giãn cách nghiêm, bảo đảm người dân không "thiếu ăn, thiếu mặc"; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận y tế mọi lúc mọi nơi một cách nhanh nhất. Tăng cường hệ thống y tế cấp xã phường, phân loại để điều trị ngay tại xã phường, góp phần giảm tải tuyến trên, lấy xã phường làm pháo đài chống dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống dịch dịch bệnh COVID-19 chiều 25/8

Liên quan vấn đề xét nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh lại việc thần tốc xét nghiệm trên diện rộng. Đây là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm COVID-19. Với TP Hồ Chí Minh, xét nghiệm toàn thành phố nhưng phải đảm bảo khoa học, an toàn, hiệu quả, xét nghiệm cho các đối tượng ưu tiên trước, như người trên 50 tuổi. Ban Chỉ đạo Quốc gia phải tăng cường kiểm tra giám sát công tác này.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất mà chăm lo, tăng cường đời sống tinh thần cho nhân dân bằng nhiều biện pháp như: báo chí, văn học nghệ thuật, văn hoá lịch sử, khơi dây tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường. Đây cũng là cơ hội để tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc.

Thủ tướng nhấn mạnh chống dịch theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, cả hệ thống chính trị vào cuộc và có sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân. Người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch. Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu, chúng ta cần tập trung ưu tiên số 1 cho phòng, chống dịch nhưng không quên các nhiệm vụ khác như bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia, xây dựng Đảng, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Quan điểm của Đảng, Nhà nước là bảo đảm an toàn cho cả công dân nước ngoài tại Việt Nam, không có sự phân biệt người trong nước và nước ngoài, mọi người được đối xử bình đẳng theo pháp luật.

 

Thủ tướng chỉ rõ, trong chống dịch, việc phối hợp các lực lượng phải nhịp nhàng, hiệu quả; các bộ ngành, lực lượng tăng cường ở trung ương, không làm thay chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của địa phương mà chỉ hỗ trợ những gì địa phương không làm được, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra công tác chống dịch. Trên tinh thần tất cả vì nước quên thân, vì dân phục vụ, Thủ tướng tin tưởng với những nỗ lực, trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước Nhân dân, chúng ta sẽ kiềm chế, ngăn chặn và đẩy lùi được dịch bệnh.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm