Thương hiệu quốc gia Việt Nam xếp hạng 32 thế giới
Đổi mới sáng tạo, nền tảng thúc đẩy phát triển quốc gia hiện đại / WHO khuyến cáo người dân Việt Nam tăng cường phòng dịch trong kỳ nghỉ lễ
Năm 2022, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam được Công ty tư vấn, định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance định giá là 431 tỷ USD, tăng 1 bậc và vươn lên vị trí thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Năm 2022, thương hiệu quốc gia Việt Namtăng trưởng giá trị hơn 11% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với sự tăng trưởng của thương hiệu quốc gia Việt Nam, giá trị thương hiệu các doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ.
Năm ngoái, Việt Nam có 172 doanh nghiệp với 325 sản phẩm được bình chọn đạt thương hiệu quốc gia, tăng hơn 5 lần so với con số 30 doanh nghiệp được bình chọn lần đầu tiên vào năm 2008.
Ông Lại Tiến Mạnh - Giám đốc Công ty Tư vấn định giá thương hiệu quốc tế Brand Finance tại Việt Nam cho biết: "Trong số top 10 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam có đến 6 thương hiệu thuộc chương trình thương hiệu quốc gia. Điều đó chứng tỏ Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong những quốc gia có sự tăng trưởng về giá trị thương hiệu hàng đầu trên thế giới nhờ sự tăng trưởng về GDP và sự nỗ lực thu hút đầu tư của Chính phủ để tăng cường trao đổi thương mại quốc tế".
Chương trình Thương hiệu quốc gia đã giúp nhiều doanh nghiệp nhận thức được vai trò quan trọng của thương hiệu. Trong top 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam năm 2022 có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia.
"Việc xây dựng thương hiệu quốc gia là mục tiêu để chúng tôi sẵn sàng thích nghi có thể đáp ứng tốt, cạnh tranh tốt, để vươn ra thị trường quốc tế trong quá trình hội nhập ngày một sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam với thế giới", ông Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Công trình Viettel cho biết.
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhận định: "Định vị thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ là thương hiệu Việt Nam xanh trong giai đoạn tới. Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới chương trình sẽ tập trung vào triển khai 2 nhóm giải pháp lớn. Thứ nhất là chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp vùng cùng các bộ, ngành để đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho chương trình thương hiệu quốc gia. Thứ hai, chúng tôi cũng sẽ kết nối với hệ thống các cơ quan thương vụ để kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp tại nước sở tại, để có thể quảng bá được sản phẩm của Việt Nam, hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam cũng như hình ảnh quốc gia Việt Nam".
Nếu như năm 2018 mới có 14 doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam nằm trong top 50, chiếm tỷ trọng 28%, sau 5 năm con số này đã tăng lên 21 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 42%.Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, thương hiệu Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có mức độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu với giá trị nên đây là cơ hội thúc đẩy quốc tế hóa thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo