Tin tức - Sự kiện

Tiềm năng thương mại carbon rừng Việt Nam

Thương mại carbon rừng không chỉ giúp Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, mà còn có tiềm năng tài chính rất lớn.

Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia - yêu cầu cấp bách, chưa có tiền lệ / Đà Nẵng: Lễ hội cấp quốc gia Quán Thế Âm 19/2 - Ngũ Hành Sơn được tổ chức trở lại

Chủ rừng hưởng lợi từ thương mại carbon

Thương mạicarbon rừngViệt Nam được hiểu nôm na là việc hấp thụ carbon của rừng có thể mang ra bán, thu tiền về. Việc bán này có thể thực hiện dưới dạng chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính, hoặc bán tín chỉ carbon rừng. Nhưng hiện nay ở Việt Nam mới dừng lại ở việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Thế giới.

CO2 vốn sẵn có trong tự nhiên và được cây rừng lưu giữ lại, giờ có thể đổi được ra tiền. Nghị định 107 của Chính phủ mới ban hành chính là cơ sở pháp lý để hiện thực hoá điều này. Với giá 5 USD/tấn, dự kiến trong 3 năm tới, 6 địa phương đang thí điểm sẽ thu về 200 tỷ đồng mỗi năm từ hoạt động lưu giữ carbon. Qua đó sẽ tiếp thêm sinh kế cho những người nông dân đang sống dựa vào rừng.

Tiềm năng thương mại carbon rừng Việt Nam - Ảnh 1.

Dự kiến mỗi năm 6 tỉnh miền Bắc Miền Trung được nhận 200 tỷ đồng chi trả dịch vụ giảm phát thải khí nhà kính từ rừng. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Hơn 10 năm gắn bó với rừng, nhà ông Diện (Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, tỉnh Thanh Hoá) nhận khoán chăm sóc, bảo vệ khoảng 100 ha rừng tự nhiên. Tuy nhiên, thu nhập từ công việc này chỉ vỏn vẹn hơn 2 triệu đồng/tháng.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bình quân 1 ha rừng cần 1,2 triệu đồng tiền công trông giữ, nhưng hiện nay mới chi trả được 400 nghìn/ha, thấp hơn nhiều so với yêu cầu. Vì vậy, nếu thời gian tới những người trồng rừng như ông Diện được chi trả tiền kết quả giảm phát thải sẽ là một nguồn lợi đáng kể.

Dự kiến mỗi năm 6 tỉnh miền Bắc Miền Trung được nhận 200 tỷ đồng chi trả dịch vụ giảm phát thải khí nhà kính từ rừng. Theo đại diện của Tổng Cục Lâm nghiệp, trong thời gian tới sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể việc chi trả, nhưng nguyên tắc chia sẻ khá rõ ràng, dựa vào diện tích rừng thực tế của từng địa phương.

Theo các chuyên gia, thương mại carbon rừng sẽ tăng thêm nguồn lực để bảo vệ rừng, giảm áp lực xâm lấn vào rừng tự nhiên qua đó nâng cao chất lượng rừng.

Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về thị trường carbon rừng

 

Nâng chất lượng rừng, nâng cao đời sống cho người chăm sóc rừng. Bài toán đôi bên cùng có lợi này vì thế sẽ có thể không chỉ dừng lại ở 6 địa phương được thí điểm.

Việt Nam, với lợi thế độ che phủ rừng khoảng 42%, cùng với một công đồng dân cư khá đông đúc sống nhờ rừng thì việc phát triển, hình thành thị trường carbon rừng trên toàn quốc có tiềm năng rất lớn, được nhiều nhà đầu tư trên thế giới chờ đợi.

Anh Chí (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá) vốn là người dân tộc Thổ, sống và gắn bó từ rừng nhiều đời nay. Sau khi nhà nước đóng cửa rừng, từ việc khai thác, chặt cây rừng anh và bà con của mình đã thành lập hợp tác xã trông giữ, bảo vệ rừng.

Được biết đến tín chỉ carbon rừng cách đây 6 năm, mong mỏi lớn nhất là đem bán được tín chỉ carbon của hơn 600 ha rừng mà hợp tác xã của anh đang sở hữu.

Tiềm năng thương mại carbon rừng Việt Nam - Ảnh 2.

Thương mại carbon rừng không chỉ giúp Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, mà còn có tiềm năng tài chính rất lớn. Ảnh minh họa - Dân trí.

 

Với độ che phủ rừng khoảng 42%, độ đa dạng sinh học cao, 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng, theo các chuyên gia đây là lợi thế để Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường tín chỉ các bon thế giới.

Tuy nhiên, cái thiếu hiện nay là một khung pháp lý hoàn chỉnh, phân định rõ ràng quyền mua, quyền bán.

Ông Vũ Tuấn Phương - Giám đốc văn phòng chứng chỉ rừng bền vững: "Chúng ta phải có khung pháp lý quy định đầy đủ giữa các bên, có thể trao đổi với nhau phải giảm phát thải, bên nào có thể thực hiện cung cấp dịch vụ tín chỉ carbon cho bên nhu cầu giảm phát thải. Thứ hai, chúng ta cần có một năng lực nhất định để thực hiện các hoạt động báo cáo, thẩm định, giám sát. Thứ ba, tất cả các cơ sở dữ liệu phải minh bạch".

Để thay đổi thực tế trên, Tổng cục Lâm nghiệp đang tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156. Trong đó có nội dung về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Khi Nghị định sửa đổi bổ sung được ban hành, sẽ tạo thêm cơ sở pháp lý trong việc thực hiện chuyển nhượng trao đổi carbon rừng.

Đẩy nhanh hàng lang pháp lý và các hướng dẫn cụ thể, sẽ góp phần hiện thực hoá mục tiêu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra. 5 USD/tấn carbon rừng cũng mới là con số khiêm tốn so với thị trường thế giới, nhưng lại rất có thể đang nhen nhóm thêm hi vọng cho những người chăm sóc rừng. Đó là hi vọng vào một Việt Nam trung hoà carbon và phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm