Tin tức - Sự kiện

Triển khai điểm giao dịch lưu động đầu tiên ở Thừa Thiên - Huế

Điểm giao dịch lưu động là giải pháp hữu hiệu trong việc mở rộng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hiện đại của Agribank đến tận bà con nông dân, các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn.

BẢN TIN TÀI CHÍNH-KINH DOANH: Nông sản Việt gặp nhiều bất lợi, xóa bỏ rào cản trì trệ về kinh doanh xăng dầu / BẢN TIN TÀI CHÍNH-KINH DOANH: Nỗi lo xuất khẩu nông sản, ngừng nhập gỗ rừng từ Lào và Campuchia

Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Ngày 16/11, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên - Huế (Agribank Thừa Thiên - Huế) tổ chức triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế tại xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền.

Phong Mỹ là xã miền núi nằm ở phía Tây huyện Phong Điền, nơi có đồng bào Pa Hy sinh sống. Dư nợ tín dụng của Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại xã Phong Mỹ đến nay là 49 tỷ đồng với 630 hộ (chiếm trên 50% tổng số hộ trong xã).

Đến nay, đã thành lập được 12 tổ vay vốn thông qua các kênh Hội nông dân, Hội Phụ nữ với 323 khách hàng và dư nợ khoảng 18 tỷ.

Điểm giao dịch lưu động là giải pháp hữu hiệu trong việc mở rộng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hiện đại của Agribank đến tận bà con nông dân, các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để góp phần phát triển sản xuất hàng hóa, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Đáng lưu ý, ô tô chuyên dùng của ngân hàng có két gắn liền với các phương tiện kỹ thuật an toàn, có công cụ bảo vệ; thiết bị định vị và giám sát đa năng; và các trang thiết bị hiện đại như máy tính xách tay, máy in sổ và các phụ kiện liên quan; cài đặt hệ thống mạng để hạch toán online.

Ngoài ra, điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng cung cấp hầu hết các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng như tư vấn tín dụng; giải ngân các khoản vay đã được phê duyệt; thu nợ, lãi tiền vay từ khách hàng do ngân hàng cho vay trực tiếp hoặc cho vay qua tổ vay vốn/tổ liên kết; huy động tiền gửi tiết kiệm, mở và sử dụng tài khoản, thẻ ATM, chuyển và nhận tiền trong nước…

Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Ông Trần Đình Khoái, Phó giám đốc Agribank Thừa Thiên - Huế cho biết: Đây là một trong những giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho cả Agribank và khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách hàng thuộc vùng sâu, vùng xa trong việc tiếp cận vốn và các sản phẩm dịch vụ khác của Agribank, giảm thời gian đi lại và chờ đợi làm thủ tục.

 

Đặc biệt là góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ nạn “tín dụng đen”, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để người dân xã Phong Mỹ vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng trên quê hương. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai mô hình này tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhất là hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới.

Tính đến nay, nguồn vốn huy động nội, ngoại tệ quy đổi tại Agribank Thừa Thiên - Huế đạt hơn 7.577 tỷ đồng. Dư nợ cho vay nội, ngoại tệ quy đổi toàn tỉnh đạt 6.600 tỷ đồng, cho vay trên 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Riêng trong lĩnh vực “tam nông” ở vùng đồng bằng, gò đồi để phát triển lâm nghiệp và đầm phá ven biển để phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, đóng mới tàu xa bờ, tàu kinh doanh hậu cần với dư nợ trên 4.800 tỷ đồng, chiếm 80% tổng mức đầu tư.

Ngoài ra, Agribank còn cung cấp các nguồn vốn cho các dự án phát triển tại các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, ngân hàng còn tham gia tích cực các hoạt động từ thiện xã hội vì cộng đồng. Cũng trong dịp này Agribank Thừa Thiên - Huế ủng hộ 10 triệu đồng cho "quỹ Vì Người nghèo" của xã Phong Mỹ.

Theo TTXVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm