Vụ đổi 100 USD ở Cần Thơ: Không thể “nhất bên trọng, nhất bên khinh”
Công an Cần Thơ nói không 'gài bẫy' vụ đổi 100 USD, phạt 270 triệu / Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu
Chuyện anh Nguyễn Cà Rê đi đổi tiền vào ngày 30-1-2018, tức 14-12 âm lịch, đó là gần Tết nguyên đán. Mà phong tục của người Việt là hay biếu nhau những tờ USD vào dịp Tết để lấy hên. Khi một người nào đó, không cứ gì anh Rê, thu gom một số tờ USD đi đổi ra tiền Việt để xài ở những tiệm vàng gần, mục đích để tiêu dùng lặt vặt, sinh hoạt xã hội là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Hành vi của những cá nhân đổi tiền quà tặng này không hề là hoạt động kinh doanh thương mại, nên không thể xác định nó “cố ý làm trái các trật tự kinh tế”. Bởi vì, mua, bán là có tính chất thương mại, kinh doanh, có lời có lỗ. Còn ở đây người ta chỉ đổi tiền (100 USD) thành tiền Việt theo ngang giá thì có gì mà mua bán?
Mà đã không mua bán thì có nghĩa là giao dịch dân sự, cùng lắm là giao dịch vô hiệu, hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Vậy sao chính quyền TP Cần Thơ không trả cho khổ chủ 100 USD mà mình đang thu giữ?
Không thể có chuyện 100 USD (hơn 2,2 triệu đồng) thì không trả lại, còn tài sản hơn 548 triệu đồng thì trả, dù tính chất ngay tình giống nhau (ảnh TL).
Việc đổi tiền đô ra tiền Việt cũng có khác gì khi bạn đổi tiền Việt chẵn để lấy tiền Việt lẻ? Vấn đề người đổi bị lầm chứ người chủ tiệm không thể lầm. Bằng chứng là tiệm vàng Thảo Lực bị xử phạt hành chính về hành vi đổi ngoại tệ không có giấy phép (và một số lỗi khác) với số tiền phạt hành chính 295 triệu đồng.
Thế nhưng ông chủ tiệm vẫn “vui vẻ” nộp phạt ngay. Ông chủ tiệm chỉ tranh đấu đòi lại 20 viên kim cương và 19.910 viên hột đá nhân tạo (tổng cộng hơn 548 triệu đồng) là tài sản tích lũy của ông, không tham gia giao dịch thu đổi ngoại tệ không phép. Cuối cùng thì UBND TP Cần Thơ cũng trả ông chủ tiệm vàng số kim cương này.
548 triệu đồng còn trả lại được, cớ sao chỉ hơn 2,2 triệu đồng (100 USD) chỉ là giao dịch dân sự ngay tình lại không trả cho anh Rê? Pháp luật thì phải thống nhất chứ không thể “nhất bên trọng nhất bên khinh”. Làm vậy không khéo dư luận xã hội lại cho rằng: UBND TP Cần Thơ ưu ái người giàu, chèn ép người nghèo?
Công bằng pháp luật thì luôn phải thể hiện ở nhiều khía cạnh. Theo đó, vấn đề đặt ra là: Tại sao cơ quan chức năng không bắt đầu bằng những vi phạm đang diễn ra trên thị trường hàng ngày, hàng giờ và những giá trị cực lớn, mà lại chọn một việc quá nhỏ, đã thế chế tài xử lý lại quá nặng, gần như kịch khung (dù bây giờ đã miễn phạt cho anh Rê)?
Đồng thời, làm thế nào để kiểm soát các cơ sở kinh doanh ngoại tệ cho hiệu quả, làm thế nào hạn chế đầu cơ, mua bán “chợ đen” ngoại tệ? Chứ không phải chỉ “nhăm nhe” xử phạt cá nhân có nhu cầu đổi tiền nhỏ lẻ.
Rõ ràng, đang có sự cào bằng với mọi loại vi phạm, cào bằng giữa người tổ chức thị trường và tham gia thị trường. Bên cạnh đó, pháp luật chưa minh bạch, mà người thực thi lại áp dụng pháp luật một cách máy móc khi áp dụng Nghị định 96/2014 của Chính phủ.
Không phải tác giả võ đoán mà chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cũng thừa nhận “Nghị định số 96/2014/NĐ-CP đang nằm trong kế hoạch sửa đổi năm nay”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mức phạt áp dụng từ ngày 1/1/2025 với việc đeo tai nghe khi đi xe máy, ai cũng nên biết
Sáu nhiệm vụ trong tâm của ngành Nông nghiệp trong năm 2025
Dự báo thời tiết miền Bắc ngày mai 4/1: Vùng núi phía Bắc rét đậm, rét hại, có nơi dưới 11 độ
Ngành Thuế công bố 10 sự kiện nổi bật, trong đó có eTax Mobile
Hai tuyến cáp biển gặp sự cố, ảnh hưởng đến tốc độ internet Việt Nam đi quốc tế
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Quý I/2025 phải hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước