10 quận, huyện của Hà Nội tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16
Hầu hết khu vực nội thành Hà Nội nằm trong vùng nguy cơ cao nên phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Tổng đài 1022 Hà Nội mở thêm kênh hỗ trợ người dân về an sinh xã hội / Hà Nội chi 900 tỷ đồng hỗ trợ giảm 50% học phí năm học mới
UBND Hà Nội ngày 3/9 công bố phân vùng chống dịch COVID-19 theo mức độ nguy cơ. Thời gian thực hiện từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9.
Cụ thể, Phân vùng 1 là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Đây là vùng đỏ, nhiều đối tượng nguy cơ cao nên tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào, ở vùng đó” để khoanh vùng, xử lý, dập dịch triệt để tại khu vực “vùng đỏ” và “vùng cam.
Phân vùng này gồm 10 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Hà Nội phân chia 3 vùng "đỏ, cam, xanh" để áp dụng các mức giãn cách khác nhau sau ngày 6/9. Ảnh: Đ.X.
Phân vùng 2: Phân cách bởi hệ thống sông Hồng, sông Đuống với phân vùng 1, gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
Tại khu vực nguy cơ cao “vùng vàng” và nguy cơ thấp hơn “vùng xanh” điều chỉnh theo nguyên tắc Chỉ thị 15 của Thủ tướng và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu cho phù hợp với cơ chế vận hành khu vực đô thị, sản xuất công nghiệp theo mô hình mỗi cơ sở sản xuất là một pháo đài chống dịch hỗ trợ khu vực “vùng 1” bảo đảm khoa học và kiểm soát chặt chẽ phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương.
Phân vùng này đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn, có thể chia thành phân khu trong phân vùng để tổ chức thực hiện đảm bảo “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” cho các khu công nghiệp lớn vận hành thuận lợi.
Phân vùng 3: Vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp, chủ yếu được chia bởi sông Nhuệ, sông Đáy.
Theo đặc điểm từng phân khu về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, áp dụng theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp hỗ trợ khu vực “vùng 1” bảo đảm khoa học và kiểm soát chặt chẽ phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương
Phân vùng 3 gồm: Toàn bộ địa giới hành chính của thị xã Sơn Tây; 9 huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên) và một phần của 5 quận/huyện của phân vùng 1: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Hà Nội sẽ đóng cứng 30-35 đường kết nối giao thông từ vùng 1 đến vùng 2, 3; để lại 18 đến 23 đường, cầu lớn. Ảnh: Đ.X.
Về giao thông kết nối phân vùng 1 với phân vùng 2, 3: Có 53 đường qua sông/kênh, trong đó, đóng cứng 30 đường kết nối không thuận lợi cho giao thông và lập chốt kiểm soát tại 23 vị trí. Lực lượng liên ngành tham gia chốt do Công an Thành phố chủ trì phối hợp các lực lượng quân đội, thanh tra giao thông, y tế, chính quyền địa phương; thực hiện trực 24/24h.
Mục tiêu của Hà Nội là siết chặt phân vùng 1, kiểm soát luồng ra khỏi phân vùng 1 sang phân vùng 2, 3; đảm bảo chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng liên phân vùng để không đứt gẫy sản xuất và tiêu thụ thông qua xét nghiệm thường xuyên theo cơ chế kết hợp công - tư.
Các đơn vị chức năng giảm đến mức thấp nhất di chuyển liên vùng, kiểm soát chặt chẽ và chia sẻ áp lực chi phí xét nghiệm (test nhanh kháng nguyên, rRT-PCR) khi có nhu cầu di chuyển liên vùng. Địa phương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các quận, huyện, thị xã quyết định việc phòng chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động sản xuất cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh tại phân vùng 2, phân vùng 3.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo