Tin tức - Sự kiện

5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII: Dấu ấn đột phá khi Đảng tự soi, tự sửa

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII được đánh giá là Nghị quyết có tính đột phá trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng thời gian qua.

Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri TP Hồ Chí Minh / Thủ tướng: Thích ứng an toàn, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế

Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương khóa XIII của Đảng dự kiến khai mạc sáng nay 4/10. Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị là tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cườngxây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" và tiếp tục đề ra những biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để tiếp tục thực hiện nghị quyết này trong thời gian tới.

Trong 3 khóa liên tiếp gần đây, ngay sau khi hoàn thiện tổ chức, nhân sự cho nhiệm kỳ mới, Trung ương lại tập trung cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.


“Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”, đó chính là cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Khắc ghi lời Bác, tiếp nối những kết quả và thách thức đặt ra từ các Hội nghị Trung ương của các nhiệm kỳ trước; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng, không giấu giếm khuyết điểm, tự phê phán.

Lần đầu tiên Đảng không chỉ định lượng mà còn định danh 27 biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng với 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh về sự nguy hiểm khôn lường của những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, đồng thời chỉ rõ cần đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giúp mỗi cán bộ, đảng viên “tự liên hệ, tự soi, tự sửa, tự gột rửa” những hạn chế, khuyết điểm của mình, được người dân đồng tình, ủng hộ.

Từ sự đột phá nhận diện đúng, trúng các biểu hiện suy thoái của Nghị quyết Trung ương 4, các tỉnh, thành ủy trong cả nước đã có những cách làm sáng tạo, cụ thể hóa những hiểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đáng chú ý như Tỉnh ủy Ninh Bình cụ thể hóa thành 90 biểu hiện, in thành sổ, phát hành trong Đảng bộ. Tỉnh ủy Trà Vinh cụ thể hóa thành 82 biểu hiện. Tỉnh ủy Nghệ An cụ thể 27 biểu hiện thành 5 cấp độ để nhận biết, đánh giá và có biện pháp xử lý kịp thời… Đợt sinh hoạt “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” đã giúp cho cán bộ, đảng viên thường xuyên tự phê bình và phê bình, góp phần ngăn chặn suy thoái.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn.


Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá:“Phê bình đã ở mức cao hơn, tức là phê bình việc rất nhạy cảm. Đây là dịp mà có nhiều chi tiết cụ thể, các biểu hiện rõ ràng. Soi mình vào 27 điểm đó có thấy bản thân có lúc hoang mang, dao động, mất niềm tinkhông?Trong đơn vị, phê bình, tự phê bình về những nhận thức lệch lạc. Nếu có thì nhận, nếu không nhận thì chẳng biết bao giờ sửa được”.

 

Với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), những vấn đề cấp bách của công tác xây dựng Đảng được hoàn thiện thể chế. Chưa có nhiệm kỳ nào Trung ương lại ban hành mới nhiều quy định, quy trình trong công tác cán bộ. Để khắc phục tình trạng “chạy quy hoạch”, “chạy luân chuyển”, Ban chấp hành Trung ương ban hành quy định 98 về luân chuyển cán bộ, theo đó không luân chuyển những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển. Đáng chú ý, để chuẩn bị cho công tác nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp, Bộ Chính trị Ban hành quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Ông Hoàng Trọng Hưng, Tổ trưởng Tổ Biên tập Đề án kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền, Ban Tổ chức Trung ương khẳng định:“Lần đầu tiên có văn bản nêu cụ thể về hành vi, nhận diện rõ thế nào là chạy chức chạy quyền, thế nào là bao che, tiếp tay. Quy định rõ hành vi này giúp cho cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào hành vi để xử lý. Bên cạnh đó giúp cho người dân, các đoàn thể báo cáo các cấp có thẩm quyền và xử lý. Quy định này gắn với xây dựng Đảng về đạo đức và thực hiện nêu gương, đề cao tính tự giác, trách nhiệm nêu gương của Đảng viên”.

Ông Hoàng Trọng Hưng. Ảnh VnExpress.

Ông Hoàng Trọng Hưng. Ảnh VnExpress.


Trong nhiệm kỳ qua, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đạt được nhiều kết quả. Trong đó, dấu ấn nhất là tinh thần quyết liệt trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Từ bản ánh dành cho Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, người dân bắt đầu tin rằng chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Nhiều vi phạm của cấp ủy, tổ chức Đảng, của cán bộ, đảng viên, bất kể người đó là ai, trong lĩnh vực nào dần được xử lý nghiêm khắc, dứt điểm. Lần đầu tiên tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ” không còn là “đường mòn” cho những cán bộ tham nhũng thực hiện “những chuyến tàu vét”. Nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm đã không thể “hạ cánh an toàn” dù đã chuyển công tác hay nghỉ hưu. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ khóa XII đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Đây là kết quả nổi bật trong công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng. Điều này không làm giảm tinh thần đổi mới, sáng tạo, không làm chùn bước những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

 

Nhiệm kỳ khóaXIIđã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Trong ảnh: Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa xét xử vụ Ethanol Phú Thọ.

Nhiệm kỳ khóaXIIđã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Trong ảnh: Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa xét xử vụ Ethanol Phú Thọ.


Chính quyết tâm chính trị cao từ Trung ương Đảng, nhất là người đứng đầu Đảng đã tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị. Ngày 15/9 vừa qua, tại Hội nghị toàn quốc cơ quan Nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: nếu không suy thoái về đạo đức, lối sống thì sẽ không có tham nhũng. Tham nhũng là hệ quả của những con người hư hỏng về phẩm chất đạo đức. Cho nên phải chống tham nhũng và chống tiêu cực.

Có thể thấy, nếu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đặt ra vấn đề Đảng tự soi, tự sửa mình trước những nguy cơ sống còn của Đảng, của đất nước thì cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực là một bước đi chiến lược đúng, trúng để hiện thực hóa quyết tâm của Đảng một cách hiệu quả nhất. Với những dấu ấn đột phá từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, sẽ tạo thêm động lực và niềm tin của cán bộ đảng viên và người dân vào công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm