Tin tức - Sự kiện

9,1 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Dịch COVID-19 bùng phát dịp cận Tết Nguyên đán đã tác động không nhỏ đến thị trường lao động.

Sáng 14/4, thêm 3 ca mắc COVID-19 tại Khánh Hòa / Những trường hợp được miễn, giảm tiền phạt vi phạm giao thông từ năm 2022

Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù những nỗ lực khôi phục kinh tế đi đôi với phòng chống dịch đã phần nào cải thiện các gam màu xám của tình hình lao động việc làm trong nước, nhưng trong quý I năm 2021, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Trong đó nam giới chiếm 51% và số người trong độ tuổi từ 25 - 54 chiếm gần 2/3.

9,1 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 - Ảnh 1.

Tổng Cục Thống kê tổ chức Họp báo tình hình lao động việc làm quý I/2021

Trong tổng số 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.

Lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn với 15,6% lao động khu vực thành thị còn bị ảnh hưởng, trong khi đó con số này ở nông thôn là 10,4%.

Nhóm lao động thất nghiệp chịu tác động mạnh mẽ nhất khi 36,3% trong số họ vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực, tiếp đó là lao động có việc làm (15,5%), chỉ có 4,3% lao động không hoạt động kinh tế còn chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch này.

Xét theo 3 khu vực, khu vực ít chịu tác động nhất của đại dịch là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 7,5% lao động cho biết chịu tác động tiêu cực của đại dịch. Đứng thứ hai là khu vực công nghiệp và xây dựng với 16,5% lao động bị ảnh hưởng. Lao động trong khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm tỷ lệ 20,4%.

9,1 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 - Ảnh 2.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2021 là 51 triệu người

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2021 là 51 triệu người - giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 6,3 triệu đồng

Một thống kê đáng chú ý khác của Tổng cục Thông kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I năm 2021 đạt 6,3 triệu đồng, tăng 339 nghìn đồng so với quý trước và tăng 106 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn 1,4 lần của lao động nữ (tương ứng 7,3 triệu đồng so với 5,2 triệu đồng); thu nhập bình quân lao động khu vực thành thị cao hơn 1,5 lần lao động khu vực nông thôn (tương ứng 7,9 triệu đồng so với 5,4 triệu đồng).

"Bất chấp sự bùng phát của đại dịch COVID-19, thu nhập bình quân của người lao động quý I/2021 vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước và tăng ở cả ba khu vực kinh tế", Tổng cục Thống kê cho biết.

9,1 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 - Ảnh 3.

Thu nhập bình quân tháng trong quý I/2021 của người lao động đạt 6,3 triệu đồng

Cụ thể, thu nhập bình quân tháng người lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 3,6 triệu đồng, tăng 181 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước; Lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng có thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng, tăng 112 nghìn đồng; Thu nhập bình quân của lao động trong khu vực dịch vụ là 7,5 triệu đồng, tăng 55 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù thu nhập bình quân chung tăng nhưng mức tăng này không đều giữa các ngành. Một số ngành vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và thu nhập của lao động trong ngành đó bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Đó là các ngành: nghệ thuật, vui chơi giải trí, giảm 5,2% (giảm 359 nghìn đồng); vận tải kho bãi giảm 2,7% (giảm 234 nghìn đồng).

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm