Tin tức - Sự kiện

9 nhóm nhiệm vụ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

DNVN - Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 – 2025 bao gồm 5 yêu cầu và 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Tổ chức vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bị phạt tới 200 triệu đồng / Quốc hội sẽ giám sát tối cao về chống lãng phí và công tác quy hoạch

Ngày 2/11/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1845/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm (THTK), chống lãng phí (CLP) giai đoạn 2021-2025. Liên quan đến Quyết định, Bộ Tài chính vừa nhấn mạnh một số nội dung chính của Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 – 2025.
Xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm
Chương trình xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm về THTK, CLP giai đoạn 2021-2025.
Về mục tiêu, Chương trình xác định mục tiêu triệt để THTK, CLP trong các lĩnh vực, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phòng, chống, ngăn chặn đại dịch COVID-19, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Về yêu cầu, để đảm bảo công tác THTK, CLP giai đoạn này được thực hiện thực chất, có hiệu quả, Chương trình đặt ra 05 yêu cầu, trong đó nhấn mạnh việc THTK, CLP phải bám sát chủ trương, định hướng tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, đặc biệt phải gắn với việc thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 đột phá chiến lược và 12 giải pháp tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng..
Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 – 2025 gồm 05 yêu cầu và 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Về nhiệm vụ trọng tâm, Chương trình đưa ra 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong các lĩnh vực, bao gồm các vấn đề quản lý ngân sách nhà nước (NSNN); quản lý nợ công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý tài nguyên thiên nhiên; quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp tổ chức, bộ máy; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; nâng cao nhận thức, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, thanh tra, kiểm tra về THTK, CLP.
Chương trình đưa ra nội dung về cơ cấu lại NSNN, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; tăng cường quản lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chương trình đề ra một số chỉ tiêu tiết kiệm trong 08 nhóm lĩnh vực trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN; trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; trong quản lý chương trình mục tiêu quốc gia; trong quản lý, sử dụng tài sản công; trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; trong quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; trong quản lý lao động và thời gian lao động.
Đặc biệt nhấn mạnh triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên của NSNN
Chương trình nhấn mạnh triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên của NSNN để ưu tiên tăng chi đầu tư phát triển, hướng tới mục tiêu giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN, đảm bảo tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62 - 63% tổng chi NSNN, trong tổ chức thực hiện phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%.
Rà soát các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế tối đa bổ sung NSNN ngoài dự toán, tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác nước ngoài…, dành nguồn phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, thực hiện các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội.
Đồng thời kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; thực hiện cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, cấp bách.
Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, đặc biệt là đối với các cơ sở nhà, đất bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, hướng đến mục tiêu năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước.
Hoàn thiện các cơ chế quản lý, sử dụng và khai thác đối với các loại tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan, làm cơ sở để tổ chức khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ các loại tài sản này.
Tăng cường quản lý việc mua sắm tài sản công, hạn chế mua xe ô tô công và thiết bị đắt tiền.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo các định hướng đề ra tại các nghị quyết, kết luận của Đảng và các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước; thu gọn đối tượng doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, tập trung nguồn lực đầu tư nhà nước vào các doanh nghiệp nhà nước có vị trí quan trọng.
Chương trình cần tập trung hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo đúng lộ trình và quy định của pháp luật, bảo đảm các nguyên tắc và cơ chế thị trường; minh bạch, công khai thông tin.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm