Tin tức - Sự kiện

Ác mộng nhà vệ sinh trường học: ‘Khổ lắm, nói mãi’

Nhà vệ sinh bẩn, bốc mùi hôi thối, các thiết bị rơi rụng hỏng hóc không được sửa, đó là thực trạng không hiếm thấy tại nhiều trường học khiến việc đi vệ sinh thành nỗi ám ảnh, “ác mộng” với nhiều học sinh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì cuộc họp phòng, chống tham nhũng / Lâm Đồng: Gần 20 đề tài tham luận tại Hội nghị Khoa học – Kỹ thuật Y khoa Hoàn Mỹ

Nhất quyết không học bán trú vì nhà vệ sinh bẩn

Có con học tại trường tiểu học Xuân La (Hà Nội), chị Thanh Phương cho biết, nhà vệ sinh trong trường là ám ảnh với con chị mỗi khi đến trường. Tình trạng này đỡ khi vừa được dọn dẹp còn không thì nhà vệ sinh biến thành bãi rác, mùi bốc lên nồng nặc.
Chị Phương cho biết, đi vệ sinh với con ở trường trở thành nỗi ám ảnh, hãn hữu lắm con chị mới đi vệ sinh trong trường hợp “vạn bất đắc dĩ”. Còn không, cháu sẽ đợi về nhà mới dám đi vì nhà vệ sinh ở trường rất bẩn.
Nhà vệ sinh ở Hà Nội như bãi rác. Ảnh: ĐH

Nhà vệ sinh ở Hà Nội như bãi rác. Ảnh: ĐH

“Thấy con hay kêu nhà vệ sinh của học sinh rất bẩn, cháu nhịn tiểu về nhà mới đi, nên tôi rất lo. Đúng là mỗi lớp có 60 cháu, cả trường hơn 1.000 học sinh, thử hỏi, một phần trong số đó đi mà cả một tầng hàng chục lớp mới có một nhà vệ sinh, không quá tải mới là lạ”- Chị Phương nói.
Vị phụ huynh này cũng cho biết, chỉ tính riêng khối lớp 2 đã có 8 lớp, mỗi lớp có trên dưới 60 học sinh. “Vì các lớp rất đông, nên giờ ra chơi phải xếp hàng đi vệ sinh. Nhiều khi không có đủ thời gian lại phải nhịn, phải đợi đến khi vào lớp, hoặc giờ ra chơi tiết sau”, học sinh này cho biết.
Cũng theo phản ánh của một số học sinh tại trường này, nhà vệ sinh giáo viên và học sinh trong trường có sự khác xa nhau. Nhà vệ sinh giáo viên luôn có đầy đủ nước rửa tay, được dọn sạch sẽ thì nhà vệ sinh học sinh lại luôn trong tình trạng bốc mùi khó chịu.
Tương tự, chị Nguyễn H., có con học tại trường Tiểu học Sơn Đồng ( Hà Nội) cũng phản ánh, nhà vệ sinh trường học của con chị luôn trong tình trạng vừa bẩn, sau mỗi giờ ra chơi. Nhiều lúc nhà vệ sinh tắc, rồi ướt bẩn do học sinh rửa tay khiến con chị đi vào rồi lại phải chạy ra.
Theo chị Nguyễn H…, toàn trường con có gần 1.200 học sinh mà chỉ vẻn vẹn có 2 nhà vệ sinh phải "cân" đủ số học sinh “đông như quân nguyên” này mỗi khi ào ra chơi, dẫn đến tình trạng học sinh xếp hàng đợi chờ để đi vệ sinh mỗi giờ ra chơi.
“Cháu nhà tôi học bán trú được 3 năm nhưng đến năm nay bảo cháu học bán trú nhưng cháu nằng nặc đòi về. Biết con nhịn đi sẽ dẫn đến có hại cho sức khỏe về lâu về dài nhưng nói thế nào con cũng không bước vào nhà vệ sinh ở trường”- chị H. cho hay.
Em Thanh Hà, một học sinh trường THPT ở Hà Nội cho biết, vì trường học gần nhà nên mấy năm qua em không bao giờ đi vệ sinh ở trường: “Nếu cần em xin ra khỏi lớp về ù nhà chứ đi ở trường bẩn thỉu, mùi nồng nặc không thể chịu được”.
“Bạn em đành chọn phương án, vào nhà vệ sinh thì nín thở, bịt mũi rồi nhanh nhanh chạy ra không tắc thở mất. Còn một phương án khác, nhịn về nhà giải quyết. Chỉ có hai con đường đó mà thôi”- Hà khẳng định.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều trường tiểu học, trường trung học cơ sở ở nội thành cũng như ngoại thành của Hà Nội đều trong tình trạng có tới cả nghìn học sinh chỉ có 2 nhà vệ sinh và chỉ có 2 bệ xí và 2 bồn rửa.
Ác mộng nhà vệ sinh trường học: ‘Khổ lắm, nói mãi’ - ảnh 1 Nhiều nhà vệ sinh hỏng hóc, đầy nước bẩn của trường Tiểu học Sơn Đồng (Hà Nội) không được sửa chữa. Ảnh: Đỗ Hợp

“Khổ lắm, nói mãi”

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 8/2018, cả nước có trên 188.000 nhà vệ sinh ở các cấp tiểu học, THCS, THPT công lập. Hầu hết các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT công lập đều có nhà vệ sinh dành riêng cho học sinh và giáo viên.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ GD&Đ, nhà vệ sinh đang sử dụng tốt chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 67,3% (riêng cấp tiểu học chỉ có 57,9% nhà vệ sinh sử dụng tốt, còn lại là bán kiên cố, tạm hoặc nhà vệ sinh nhờ mượn). Nhiều nhà vệ sinh không đáp ứng yêu cầu sử dụng như số lượng xí, chỗ rửa tay còn thiếu.
Cũng trong năm học 2018-2019, Bộ GD& ĐT yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong trường học. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, các nhà trường không đưa vào sử dụng các công trình nhà vệ sinh không đạt tiêu chuẩn, không an toàn.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá thực trạng và lập kế hoạch cải tạo, xây dựng mới nhà vệ sinh và công trình nước sạch bảo đảm nhu cầu sử dụng; chú trọng triển khai mô hình tự quản của giáo viên và học sinh đối với các công trình nhà vệ sinh, nước sạch; gắn trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường về việc giữ vệ sinh trường học.

Trước đó, tại hội nghị tổng kết năm học vừa diễn ra hồi tháng 8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ cũng mong thời gian tới, các địa phương cần quan tâm đến vấn đề cơ sở vật chất, vệ sinh lớp học.
Trong kế hoạch đầu năm học, một trong 9 nhiệm vụ của ngành giáo dục phải thực hiện là giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục, không đưa vào sử dụng các công trình trường, nhà vệ sinh chưa đảm bảo.
Tuy nhiên, dù được quan tâm rất nhiều, nhưng đến nay, nhiệm vụ này vẫn chỉ là vấn đề “khổ lắm, nói mãi” mà thôi.
Theo tienphong.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm