Tin tức - Sự kiện

Ai tiên phong thực hiện khoán xe công?

(DNVN)- Chính phủ ban hành Nghị định 04/2019 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. Dư luận cho rằng, nên ủng hộ những cá nhân nằm trong tiêu chuẩn sử dụng xe công thực hiện khoán. Nghị định có hiệu lực từ 25/2/2019.

"Chuyến xe yêu thương" đưa người bệnh về quê đón Tết / Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Không để người dân mất lòng tin vào vắc xin"

Nghị định 04 đề cập đến việc tự nguyện nhận khoán xe công:

Trường hợp các chức danh có tiêu chuẩn nêu trên tự nguyện nhận khoán kinh phí sử dụng xe ô tô thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng thành viên Tập đoàn kinh tế căn cứ tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập đoàn kinh tế, phương án nhận khoán và số lượng chức danh nhận khoán kinh phí, để xem xét, quyết định việc khoán kinh phí và số lượng xe ô tô trang bị, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả giữa việc bố trí xe ô tô phục vụ công tác với việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô.

Việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô thực hiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.

Trường hợp tất cả các chức danh có tiêu chuẩn nêu trên của từng bộ, cơ quan trung ương, tổng cục, tỉnh ủy, thành ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tập đoàn kinh tế áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô cho toàn bộ công đoạn thì không trang bị xe ô tô phục vụ chức danh.

Về sắp xếp lại, xử lý xe ô tô phục vụ công tác các chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô quy định tại nghị định này thực hiện rà soát, sắp xếp lại số xe ô tô hiện có của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương và địa phương; thực hiện xử lý xe ô tô dôi dư theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Thời hạn hoàn thành trước ngày 31/12/2019.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cập nhật đầy đủ số liệu xe ô tô sau khi rà soát, xử lý vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo thời hạn quy định.

Xe biển xanh xếp hàng trước cổng khu tưởng niệm Vương Triều Mạc (Ảnh: Tuổi trẻ)

Xe biển xanh xếp hàng trước cổng khu tưởng niệm Vương Triều Mạc (Ảnh: Tuổi trẻ)

Dư luận bức xúc về tình trạng sử dụng xe công vào việc riêng, như vừa xảy ra ở Bộ Công thương, đưa xe công để đón vợ con Bộ trưởng Trần Tuấn Anh từ thang máy bay, gây bức xúc dư luận, xe biển xanh đi lễ hội rất phổ biến trong những năm qua, tình trạng mua xe quá tiêu chuẩn, dư xe dùng vẫn xin mua xe mới...

Bộ Tài chính đã "tiên phong" triển khai khoán xe công.

Ngày 1/10/2016,Bộ Tài chính ban hành quyết định quy định về chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô cho các chức danh từ thứ trưởng đến các lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương).

Bộ Tài chính đã đi đầu áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày đối với các chức danh thứ trưởng, tổng cục trưởng, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc các doanh nghiệp có tiêu chuẩn xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc.

Sau đó,nhiều bộ ngành cũng như nhiều địa phương đã mở rộng hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô như: hiện đã có gần 20 bộ, ngành thực hiện thí điểm khoán xe công như: Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lai Châu, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên, Lâm Đồng…

 

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, kinh phí khoán xe cho các thứ trưởng cao nhất kinh phí hàng năm bỏ ra không quá 120 triệu đồng/người, trong khi để duy trì hoạt động một ô tô phục vụ chức danh bao gồm cả lái xe mỗi năm bình quân tốn tới 320 triệu đồng/xe.

Như vậy, tính ra trung bình mỗi xe có thể tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng. Và nếu tính ở phạm vi toàn quốc, mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỉ đồng để phục vụ các chương trình an sinh xã hội khác.

Lấy điển hình là Hà Nội: Tiến hành thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung (từ ngày 20/2/2017) tại 8 cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố, gồm 4 sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội; 2 quận (Long Biên, Hà Đông); 2 huyện (Gia Lâm, Thanh Trì). Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị triển khai thí điểm khoán xe ô tô phục vụ công tác chung, tổng chi phí tiết kiệm so với chi phí thực tế sử dụng cùng kỳ là 1,771 tỷ đồng, trung bình tiết kiệm 6,7 triệu đồng/xe/tháng.

Tại TP HCM, việc thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung được triển khai từ tháng 5/2018 tại 5 đơn vị của thành phố (Văn phòng UBND thành phố, Sở Tài chính, Ban Quản lý an toàn thực phẩm, UBND Q.Bình Thạnh, UBND H.Bình Chánh). Việc khoán kinh phí xe công chỉ áp dụng đối với trường hợp đưa đón từ nơi làm việc đến nơi công tác.

Theo tính toán của TP HCM, việc khoán xe công sẽ giúp tiết kiệm ngân sách hơn 100 triệu đồng/tháng, tương đương 1,2 tỷ đồng/năm cho 5 đơn vị thực hiện thí điểm mà vẫn đảm bảo đáp ứng đủ số km thực tế sử dụng và nhu cầu.

 

Nếu như toàn bộ các ngành, địa phương đều thực hiện khoán xe công với các chức danh thì số tiền tiết kiệm tưởng như nhỏ lại thành lớn.

Khoán xe công là hình thức được nhiều nước áp dụng, giúp tiết kiệm đáng kể cho ngân sách và đặc biệt là tạo sự minh bạch trong sử dụng tài sản công.

Thanh Thư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm