Tin tức - Sự kiện

Ám ảnh kinh hoàng vụ "chạy trốn sinh tử", lộ 4 đường dây mua bán người sang Campuchia

DNVN - Liên quan đến vụ 42 lao động "tháo chạy" về Việt Nam, trong buổi thông tin với báo chí, Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, bước đầu xác định 4 đường dây mua bán người xuất hiện ở các tỉnh, thành và đã báo báo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) để phối hợp với công an địa phương xử lý triệt để.

Vì sao 42 lao động tại Campuchia phải "tháo chạy" về Việt Nam? / Vụ 42 lao động "tháo chạy" về Việt Nam: Tạm giữ hình sự 2 đối tượng liên quan

Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang, thông tin về vụ 42 lao động "tháo chạy" về Việt Nam gây rúng động dư luận trong những ngày qua.

"Việc nhẹ, lương cao" và nỗi ám ảnh "lầu 8"

Như Doanh nghiệp Việt Nam đưa tin, nghe theo những lời dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”, nhiều người Việt sang Campuchia lao động với mong muốn "đổi đời". Thế nhưng đa phần khi sang Campuchia, nạn nhân sẽ không được bố trí công việc như cam kết. Lúc này, các ông chủ mới trở mặt đe dọa và sẵn sàng đánh đập để các nạn nhân phải vắt sức làm việc theo sự sai khiến.

Trở về từ Campuchia, Diệp kể lại, rời quê Cao Bằng sang Bắc Ninh làm công nhân nhưng đồng lương quá ít ỏi, không đủ sống. Tháng 4 vừa rồi, cô bàn với chồng tìm việc khác. Thấy thông tin tuyển dụng trên Facebook, Diệp tìm hiểu thì được môi giới mời gọi công việc lương thấp nhất 25 triệu đồng.

Bị hấp dẫn bởi mức lương ngàn đô, nhiều gấp mấy lần hiện tại, công việc rất nhàn, ngồi trong phòng lạnh và chỉ làm trên máy tính nên phù hợp với tình trạng sức khoẻ của bản thân. Nghĩ vậy nên đôi vợ chồng vội vàng xếp đồ, lên xe theo chỉ dẫn của môi giới. Qua hai ngày di chuyển sáng hôm thứ ba mới vỡ lẽ mình đang ở trên đất Campuchia.

Theo lời Diệp, tháng đầu cô được đào tạo sử dụng nick ảo để mời gọi người khác tham gia game hẹn hò, dụ dỗ họ nạp tiền. “Biết bản chất công việc lừa đảo nhưng không có lựa chọn khác, nếu không làm sẽ bị đánh đập thậm chí đe doạ tính mạng”. Diệp nhớ lại.

Một nạn nhân kể lại vụ tra tra tấn kinh hoàng trên lầu 8 và kế hoạch "tháo chạy" sinh tử.

Em Nguyễn Drong Hưng (SN 1993), một nạn nhân nhiều lần bị chích điện, tra tấn vì làm không đủ chỉ tiêu kể lại, “Họ còng hai tay hai chân, bắt ngồi trên ghế rồi ba người đứng xung quanh chích vào cổ, đầu, lưng. Cứ như thế, ba người dí roi điện vào người đến khi nào hết điện thì thôi”, Hưng nhớ lại những lần bị tra tấn.

Theo anh Hưng, bốn tháng nay anh không được trả lương vì ở đây có những quy định thật là vô lý như đi vệ sinh trễ một giây bị trừ 20 USD, đi làm trễ trừ 50 USD, 6 tuần không đạt chỉ tiêu trừ 200 USD.

Vách tường đầy máu, ai bị đưa lên đó sẽ bị còng tay đánh đập, chích điện… là những nỗi ám ảnh còn đọng lại trong ký ức của 40 người người lao động vừa “tháo chạy” khỏi casino bên kia biên giới.

 

Trả lời báo chí vào tối 22/8, Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, quá trình xét hỏi số công dân nói trên, họ khai nhận thông qua không gian mạng và người quen, họ bị dụ dỗ sang Campuchia làm việc, với lời hứa hẹn "việc nhẹ, lương cao". Sau khi được đưa đến các casino, những công dân này mới nhận ra công việc họ làm không như lời hứa. Họ cho biết, hàng ngày bị các đối tượng ở casino ép lên mạng lừa đảo người khác nạp tiền, đánh bài qua mạng…

Theo Đại tá Nơi, dù bị ép làm việc vi phạm pháp luật, nhưng nếu làm không đủ chỉ tiêu chúng giao, số công dân này sẽ bị những người ở casino đánh đập, trừ lương, thậm chí không trả lương. Chưa dừng lại, bọn chúng còn ép các nạn nhân liên hệ với người nhà mang tiền đến chuộc. Trong số này, có những người bị bán qua lại các casino làm việc. Cũng chính vì những bức xúc đó, số công dân trên bàn bạc, tìm cách tháo chạy khỏi casino về nước.

Cuộc “tháo chạy” sinh tử qua lời kể các ân nhân

Khoảng 9h hơn ngày 18/8, casino Rich World do người Trung Quốc quản lý, phía bên kia biên giới vang lên những tiếng la ó, tiếng gậy sắt choảng nhau của một nhóm người và cảnh tượng hàng chục người ùa ra cổng casio. Nghe tiếng kêu la bất thường, bên này sông phía Việt Nam nhiều người đồng loạt chạy ra hướng mắt qua bờ bên kia theo dõi.

Anh Hùng và anh Sẹn kể về cuộc giải cứu sinh tử.

 

Chưa hết bàng hoàng, Chị D, một trong 42 người tháo chạy khỏi “miền đất hứa” kể về cuộc tháo chạy sinh tử, trước đó, nhóm 42 người bàn bạc hai đêm liền khi một vài người phát hiện bên kia sông có quốc kỳ tổ quốc mình. Theo kế hoạch được tính toán kỹ, buổi sáng nhóm quản lý còn lơ là chỉ có rất ít người túc trực, không đóng cổng. Sau khi vào ca làm độ một tiếng cả nhóm đồng loạt xông ra cửa.

Theo phân công, nhóm thanh niên khỏe mạnh đảm nhiệm việc tấn công nhóm bảo vệ, phá vòng vây để nhóm thứ hai gồm những phụ nữ từ phía trong xông ra. Sau đó, những người thanh niên làm nhiệm vụ cuối cùng là cầm theo bom xăng ném chặn đường tạo cơ hội cho đồng hương có thời gian thoát thân.

Đã nhiều ngày trôi qua, anh Mai Văn Hùng (SN 1986) và Ngô Văn Sẹn (SN 1984) vẫn "nhớ như in" cuộc hỗn loạn ở sòng bài casino Rich World vào sáng 18/8, khi hơn 40 người Việt bị giam cầm, tra tấn tìm cách trốn thoát.

 

Tiếp phóng viên trên chiếc bè, 2 anh vừa cho cá ăn vừa kể, lúc đó anh Sẹn vừa cho cá nuôi ở bè ăn, rồi sang bè anh Hùng uống trà, xem thời sự thì nghe kêu “cứu, cứu”. Anh liền nhìn qua bên bờ phía casino thì thấy mấy chục người nhảy xuống sông bơi về nên 2 anh vội lấy vỏ lãi (loại xuồng máy nhỏ dài) ra tiếp ứng.

Theo anh Sẹn, lúc đó nước chảy rất xiết, do thời điểm này nước đang đổ về. Mình nghe kêu cứu thì mình cứu thôi, chứ không biết họ từ chỗ nào bơi ra. Khi tụi tôi tới thì thấy có người bơi vào gần tới bờ Việt Nam, nhiều người bị đuối sức hoặc không biết bơi thì chới với giữa sông chỉ còn giơ cánh tay lên thôi.

“Thời điểm đó, họ không còn sức để bám nữa, muốn chìm rồi, tụi tôi chạy cái vỏ lãi nhỏ ra nên mỗi lần chỉ chở được 2 - 3 người, phải ra 4 lần như vậy mới vớt được 12 người, chỉ thấy ai nổi là nắm áo kéo lên chứ họ không còn sức bơi nữa”, anh Sẹn nói.

Tiếp lời anh Sẹn, anh Hùng nói, đáng lẽ ra, tất cả mọi người đều sẽ được cứu. Tuy nhiên, thấy các anh đưa vỏ lãi ra vớt người lên thì những bảo vệ casino cũng ra sức ngăn cản. Chúng dùng đá ném về phía vỏ lãi, nhằm không cho anh Sẹn và anh Hùng tiếp cận các nạn nhân.

“Có một thanh niên chuẩn bị nhảy xuống sông, lúc này tụi tôi định chạy sang đón nhưng bị bảo vệ bên đó ném đá dữ dội. Sau đó, chúng nhảy xuống sông lôi anh em này vô rồi dùng đá, thanh sắt đánh vào đầu ngay ở bến sông, trước mắt mình luôn”, sau này xem tin tức mới biết em này tên Hải, anh Hùng nghẹn ngào kể lại.

 

Ngoài 1 em bị bắt lại, chúng tui cũng tận mắt chứng kiến 1 em chìm trong dòng nước mà không thể cứu kịp. “Lúc ra đến nơi thì thấy cả 2 đang chìm, tôi với tay vớt được 1 người, lúc kéo lên thì anh này xỉu trên tay tôi. Riêng thiếu niên còn lại thì không cứu kịp”, cả 2 anh đều ngậm ngùi nhớ lại khoảnh khắc ấy.

a

2 anh Hùng, Sẹn chỉ tay về dòng nước chảy xiết, nuối tiếc việc cứu không kịp em Hải.

 

Nhà sát bờ sông Bình Di, đối diện với casino này, anh Lê Bình Hổ (SN 1980) cho biết, ngoài 28 người được anh cứu khi bơi qua sông về Việt Nam vào ngày 18/8 thì trước đó, anh còn cứu khoảng 30 người khác cũng trốn chạy về quê hương. “Sáng đó, tôi nghe có tiếng động lớn và tiếng la hét ở casino đối diện bên kia sông. Ra xem thì thấy nhiều người từ trên bờ nhảy xuống sông bơi về phía bờ Việt Nam. Thấy vậy, tôi liền chạy vỏ lãi ra để vớt họ”, anh Hổ nói.

Theo anh Hổ, thời điểm đó, phía bờ Campuchia có rất nhiều bảo vệ mặc đồ đen, tay cầm gậy, thanh sắt, đá… chỉ và nói gì đó rất lớn về phía bờ sông Việt Nam. Có cặp vợ chồng không biết bơi nên không dám bơi ra nhưng thấy tụi bảo vệ casino chạy tới, tôi liền la lên họ mới liều mạng lao ra vỏ lãi, tôi vớt lên và nổ máy đưa về...

Đề nghị Bộ Công an phối hợp xử lý triệt để

Liên quan đến vụ 40 người trốn khỏi casino bên Campuchia bơi qua sông về Việt Nam. Chiều ngày 22/8, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với 2 bị can: Nguyễn Thị Lệ (SN 1980) và Lê Văn Danh (SN 1988) cùng ngụ thị trấn Long Bình, huyện An Phú để tiếp tục điều tra về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.

 

Trước đó, ngày 20/8, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang ra quyết định tạm giữ đối với 2 đối tượng này. Bước đầu, Công an tỉnh An Giang phối hợp cùng Công an huyện An Phú đã xác định, trong số 40 người trốn khỏi Casino bên Campuchia bơi qua sống về Việt Nam, trước đó, Lệ cùng Danh đưa trót lọt 6 người khác xuất cảnh trái phép sang Campuchia.

Tại cơ quan công an, Lệ khai nhận, từ khoảng tháng 5/2022, Lệ được một người đàn ông không rõ lai lịch câu móc tham gia đưa người xuất cảnh trái phép từ Việt Nam qua Campuchia, Lệ đồng ý. Sau đó, Lệ câu móc với Danh tham gia rước khách xuất cảnh chở đến bến sông bờ phía Việt Nam giao cho Lệ đưa sang Campuchia.

Theo thoả thuận khi đưa khách trót lọt qua Campuchia, Lệ và Danh được trả công 100.000đ/1 khách. Ngoài việc đưa 6 người khách trên xuất cảnh trái phép qua Campuchia, Lệ còn thừa nhận cùng Danh đưa trót lọt nhiều lần, mỗi lần nhiều đối tượng xuất cảnh trái phép qua Campuchia với mục đích làm việc tại casino.

a

Chiều tối 23/8, 40 người “tháo chạy” khỏi casino ở Campuchia đã được trở về địa phương. Thay mặt các mạnh thường quân, ngành chức năng đã trao hỗ trợ mỗi người 1,5 triệu đồng để làm chi phí đi lại.

 

Trả lời báo chí, Đại tá Đinh Văn Nơi cho biết, quá trình ghi lời khai số công dân “tháo chạy” từ casino bên Campuchia về Việt Nam, Công an tỉnh An Giang bước đầu ghi nhận các dấu hiệu của tội phạm “Mua bán người” và “Đưa người xuất nhập cảnh trái phép”. Từ đó, Công an An Giang tiến hành điều tra, phát hiện 4 đường dây mua bán người xuất hiện ở các tỉnh thành, móc nối với số đối tượng ở Campuchia đưa lao động người Việt vào các casino lao động bất hợp pháp.

"Chúng tôi đã báo cáo Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an) để phối hợp với công an các tỉnh thành có đường dây mua bán người tiếp nhận tin báo, xử lý dứt điểm các đường dây", Đại tá Đinh Văn Nơi thông tin.

Theo Đại tá Nơi, hiện Công an Campuchia đang phối hợp với Công an An Giang, cùng các ngành chức năng tỉnh hoàn thành các thủ tục trao trả 11 công dân còn lại qua đường ngoại giao. Đồng thời, lực lượng chức năng 2 nước sẽ phối hợp mở rộng điều tra các đường dây “Mua bán người” và “Tổ chức đưa người khác xuất nhập cảnh trái phép”.

 

Chiều tối 23/8, 40 người “tháo chạy” khỏi casino ở Campuchia đã được trở về địa phương.
Trước đó sau khi bơi qua sông về Việt Nam những người này được đưa về Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng xã Đa Phước, huyện An Phú ở tạm để công an lấy lời khai điều tra làm rõ vụ việc. Tại đây họ được chính quyền địa phương hỗ trợ ăn, ở và đồ dùng sinh hoạt cá nhân.
Thay mặt các mạnh thường quân, ngành chức năng đã trao hỗ trợ mỗi người 1,5 triệu đồng để làm chi phí đi lại cho nhóm người trên. Được về nhà, em Học (SN 1993, quê Hậu Giang) bày tỏ lòng biết ơn đối với mạnh thường quân và cảm ơn sự chăm lo của các lực lượng chức năng thời gian qua. Thời gian tới Học sẽ cố gắng tìm công việc ổn định nuôi bản thân.
Cùng chung cảm xúc, chị Kim Loan (23 tuổi, quê TP Hồ Chí Minh) gửi lời cảm ơn đến các lực lượng chức năng, số tiền hỗ trợ của các mạnh thường quân rất có ý nghĩa với vợ chồng chị và những người nơi đây. “Có nhiều bạn khác cũng về TP Hồ Chí Minh nên tụi em đã bàn nhau hùn tiền lại thuê xe về. Sắp tới vợ chồng em chắc sẽ đi làm công nhân chứ không dám lao động nước ngoài nữa”, chị Loan chia sẻ.


Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm