Tin tức - Sự kiện

Bác sĩ bắt bỏ vì thai dị tật, mẹ 9X quyết giữ con đến cùng và cái kết có hậu

Em bé của chị Linh đối mặt với hàng loạt nguy cơ như mắc hội chứng Down, có nang ở cổ xác suất thai lưu, tràn dịch màng phổi cao.

Xe cứu thương gây tai nạn khiến thai phụ 7 tháng mất con / Dây rốn bám màng hiếm gặp, thai nhi suýt tử vong

Bất kỳ mẹ bầu nào cũng phải đối mặt với không ít lo lắng trước những lần siêu âm thai. Nếu con phát triển bình thường, mẹ sẽ thở phào nhẹ nhõm. Nhưng nếu con có bất kỳ vấn đề gì, đặc biệt là khi bác sĩ đưa ra lời khuyên đình chỉ thai kỳ, mẹ bầu sẽ thấy trời đất như sụp đổ. Chị Thùy Linh (22 tuổi, sống tại Vĩnh Phúc) đã từng rơi vào tình huống như vậy.

Mang thai con gái đầu lòng, chị Linh phải đối mặt với không ít kết quả siêu âm tệ đến mức nghẹt thở. Năm lần bảy lượt chị cầu cứu, tìm đến nhiều bác sĩ để nhận được lời khuyên nhưng câu trả lời đều là nênbỏ thai. Em bé của chị gặp hết vấn đề này đến vấn đề khác. May mắn chị còn trực giác của người mẹ, nên đã giữ niềm tin đến cuối cùng và cảm nhận được điều kỳ diệu đã đến.

Chị Linh thời kỳ mang bầu và kết quả siêu âm đầy cay đắng.

Độ mờ da gáy dày, nguy cơ cao mắc hội chứng Down

Chị Linh kể lại: “Khi biết tin có bầu và đi siêu âm, em bé trong bụng mình đã được 5 tuần. Đến tuần thứ 8, mọi việc vẫn diễn ra bình thường và em bé đã có tim thai. Bác sĩ hẹn tuần thứ 12 hoặc 13 đến đo độ mờ da gáy, sàng lọc dị tật. Và mọi chuyện không hay bắt đầu từ dấu mốc này”.

Bà mẹ trẻ mang thai lần đầu nên không chuẩn bị bất kỳ kiến thức nào ở cột mốc này, bước vào phòng siêu âm còn thấy hân hoan vì sắp được nhìn thấy em bé của mình. Nhưng đang siêu âm, mặt bác sĩ bỗng nhăn lại và lắc đầu, chị Linh đã thấy tim đập thình thịch vì lo lắng.

Chị Linh đã tìm đến không biết bao nhiêu bác sĩ để siêu âm để mong tìm một lời khẳng định khác đi.

“Bác sĩ bảo mình đi ra ngoài đi lại rồi vào siêu âm lại. Mình vừa đi vừa cầu nguyện và vào khám lại, bác sĩ vẫn lắc đầu bảo độ mờ da gáy 3,9mm. Mình còn không biết độ mờ da gáy là cái gì, nghe bác sĩ tư vấn mới thấy tim như muốn ngừng đập, chân tay bủn rủn. Bác sĩ nói độ mờ da gáy 3,9mm, em bé sẽ có nguy cơ cao mắc hội chứng Down”, chị Linh tâm sự.

Chị tìm đến những bác sĩ giỏi khác để siêu âm lại và được tư vấn kỹ hơn. Nhưng kết quả siêu âm vẫn vậy. Thậm chí ở lần siêu âm khác, bác sĩ còn nói về việc em bé không có xương sống mũi. Đau lòng và cảm thấy tuyệt vọng nhất với chị Linh có lẽ là khi nghe bác sĩ chỉ ra một loạt những khả năng xấu sẽ phải bỏ thai.

“Người nhà quyết định và bảo mình bỏ thai. Mình chỉ cảm thấy thật vô dụng, không biết phải làm gì. Mình nghĩ chẳng nhẽ hai mẹ con lại hết duyên từ đây? Nhưng dù mình đau lòng biết bao, nhiều người bên ngoài vẫn nói do mình không ăn uống đầy đủ, không đi siêu âm thường xuyên mỗi tuần 1 lần... nên mới ra hậu quả. Mình cố gắng im lặng chịu đựng, muốn cùng con đi đến kết quả cuối cùng”, bà mẹ 9X tâm sự.

Chị Linh quyết định tìm gặp bác sĩ khác siêu âm lại, nhưng không ngờ độ dày da gáy lúc này đã lên đến 4,1, tức là nguy cơ thậm chí còn cao hơn.

Chị Linh và em bé khi vừa mới chào đời.

Chị đề nghị xin chọc ối để kết quả rõ hơn, thì bác sĩ hẹn đến tuần thứ 17 chọc ối. Người nhà chị sợ để lâu, em bé lớn dần lên nếu phải bỏ thì sẽ rất tội lỗi. Vì vậy mọi người đồng ý cho chị làm trước xét nghiệm NIPT và đợi thêm kết quả. Cuối cùng kết quả NIPT cũng có, kết quả em bé của chị hoàn toàn bình thường. Bà mẹ trẻ vui mừng, cứ ngỡ đó là tia hy vọng mở ra cho mẹ con chị con đường sống.

Em bé xuất hiện nang bạch huyết ở cổ, hàng loạt nguy cơ

Ngờ đâu tia hy vọng nhỏ bé vừa được thắp lên lại vụt tắt. Tin xấu lại ập đến khi chị Linh đi siêu âm tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Bác sĩ quen biết và tay nghề cao siêu âm cho chị, nhưng thông báo điều đau lòng: “Bác sĩ vừa siêu âm vừa chỉ rõ vấn đề sẽ gặp cho mình biết. Bác sĩ nói xương sống mũi đã có nhưng em bé xuất hiện nang bạch huyết ở cổ. Cái nang này không phải nang bình thường mà có thể làm thai chết lưu hoặc khi sinh ra bị tràn dịch màng phổi, tim bẩm sinh… Tai mình ù đi”.

Chị lặn lội đi tìm lời khuyên từ nhiều bác sĩ khác, nhưng vẫn chỉ là chiều hướng xấu. Đúng thời điểm ấy, bà mẹ trẻ bắt đầu cảm nhận được chuyển động của con trong cơ thể mình. Chính điều này đã dấy lên niềm tin mãnh liệt rằng em bé của chị không sao cả, con đang đạp để kết nối với mẹ, để báo cho mẹ biết là em hoàn toàn khỏe mạnh. Chị Linh quyết định bỏ ngoài tai hết tất cả những lời khuyên, chờ đến ngày chọc ối.

Ở tuần thứ 17 chọc ối và phải đợi một tháng mới có kết quả, trong thời gian này chị vẫn luôn cảm nhận được con đạp, niềm tin cứ thế nhân lên. Kết quả chọc ối hoàn toàn bình thường, chị vui mừng khôn xiết. Chị lại đi siêu âm. Lần này bác sĩ không còn nói điều gì tiêu cực nữa, chỉ nói thai hoàn toàn bình thường. Chị Linh nhờ bác sĩ xem cái nang, thì bác sĩ nói phải soi kỹ mới thấy và cái nang nhỏ không đáng kể.

“Những lần đi siêu âm tiếp theo, em bé của mình hoàn toàn bình thường. Mình đếm từng ngày mong được gặp con”, chị Linh tâm sự.

Kể lại về trải nghiệm sinh con của mình, bà mẹ Vĩnh Phúc cho biết: “Tuần thứ 38 đi siêu âm, bác sĩ thông báo với mình nước ối cạn chỉ còn 23%. Mình lại một lần hốt hoảng nữa, vội vàng chuẩn bị đồ nhập viện. Nào ngờ xuống viện kiểm tra thì nước ối vẫn còn lượng vừa đủ, không đáng lo ngại nên để đẻ thường. Mình ở đây một tối, sáng ra bác sĩ kiểm tra thì thấy mở 3 phân nhưng mình không hề đau đớn gì”.

Chị Linh được tiêm thuốc gây tê ngoài màng cứng để đẻ không đau và nhờ vậy cuộc vượt cạn diễn ra nhẹ nhàng. Chị Linh không hề thấy đau đớn gì, em bé khóc oe oe chào đời, còn chị vỡ òa trong hạnh phúc vì nhìn con lành lặn, khỏe mạnh. Chị cũng cho con làm các xét nghiệm sàng lọc sơ sinh thì kết quả hoàn toàn bình thường.

Em bé đến nay đã 6 tháng tuổi, rất khỏe mạnhvà đáng yêu.

Đến bây giờ em bé đã được 6 tháng tuổi, chị Linh đặt tên con là An Nhiên với mong muốn con luôn vui vẻ, bình an. Em bé rất nhanh nhẹn và khỏe mạnh, đã biết hóng chuyện, từ khi sinh ra trộm vía chưa một lần phải thuốc thang gì.

Kể lại câu chuyện của mình, chị Linh mong muốn truyền động lực đến các mẹ khác nếu rơi vào trường hợp tương tự. Chị cho rằng các mẹ hãy mạnh mẽ vượt qua, tin vào trực giác của người mẹ và cố gắng tìm cách làm mọi xét nghiệm cần thiết, tham khảo ý kiến nhiều nơi mới đi đến quyết định cuối cùng. Đừng chỉ nghe vào một vài kết quả mà bỏ lỡ cơ hội được đón em bé của mình chào đời.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm