Bàn giải pháp giúp Hậu Giang đẩy mạnh liên kết hướng tới 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Đổi mới và chuyển đổi số: Bệ phóng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế / Bão Trami mạnh cấp 9 giật cấp 11, liên tục đổi hướng
Sáng ngày 25/10, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT cho rằng, các mô hình được lựa chọn dựa theo khu vực sinh thái và bắt buộc tuân thủ theo quyết định 145 của Cục Trồng trọt về việc ban hành quy trình.
Hội thảo tập trung bàn luận nhằm đưa ra giải pháp cho những thách thức mà tỉnh Hậu Giang phải đối mặt: như diện tích canh tác nhỏ, manh mún, khả năng liên kết gặp nhiều trở ngại. Hệ thống thủy lợi, đường giao thông một số nơi chưa hoàn thiện. Các mô hình tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi chưa phát triển ổn định, thiếu bền vững…
Tại hội thảo, ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, là địa phương đóng vai trò quan trọng khi là nơi khởi đầu cho chiến lược quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Cuối năm 2023, Bộ NN&PTNT chính thức phát động thực hiện đề án trong khuôn khổ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo.
Ngay sau lễ phát động, tỉnh đã lựa chọn 6 vùng trồng lúa trọng điểm ở TP Vị Thanh, thị xã Long Mỹ và các huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Long Mỹ, Phụng Hiệp để tập trung củng cố các diện tích được đầu tư từ dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT).
Theo ông Tuyên, trong quá trình triển khai thực hiện đề án, mặc dù đạt được một vài kết quả bước đầu nêu trên, nhưng Hậu Giang cũng đã ghi nhận một số khó khăn nhất định như: tỉnh Hậu Giang và vùng ĐBSCL nói chung chịu ảnh hưởng nặng nề từ các tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Những yếu tố này gây ra sự suy giảm diện tích và năng suất canh tác, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao.
“Các mô hình thí điểm tham gia đề án đã thực hiện. Tuy nhiên, việc kêu gọi doanh nghiệp vào liên kết chặt chẽ, bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ qua các vụ vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc đo đếm phát thải, chi trả tín chỉ carbon nên cũng góp phần hạn chế nông dân tham gia, cũng như chưa đạt được hiệu quả trong việc xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo phát thải thấp và tăng trưởng xanh”, ông Tuyên lý giải.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang Ngô Minh Long cho rằng, thời gian qua địa phương tập trung xây dựng các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa gạo, gắn với bao tiêu sản phẩm.
Hằng năm, diện tích liên kết tiêu thụ lúa gạo của tỉnh đạt trên 25.000ha. Các mô hình ngày càng được người dân quan tâm bởi tính hiệu quả và tăng được thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, chuỗi giá trị lúa gạo trên địa bàn tỉnh đang gặp một số khó khăn thách thức như diện tích canh tác nhỏ, manh mún, khả năng liên kết gặp nhiều trở ngại. Hệ thống thủy lợi, đường giao thông một số nơi chưa hoàn thiện, các mô hình tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi chưa phát triển ổn định, thiếu bền vững…
“Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về đầu tư vào hạ tầng. Xây dựng thương hiệu gạo Hậu Giang, tăng cường đào tạo, chuyển giao công nghệ cho nông dân, các biện pháp quản lý, liên kết, tiêu thụ sản phẩm và hoàn thiện các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo trên địa bàn tỉnh”, ông Ngô Minh Long nêu quan điểm giải quyết các tồn đọng trên.
Nông dân trên cánh đồng lúa chất lượng cao.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT cho biết, 7 mô hình thí điểm của Đề án đang được triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và TP Cần Thơ. Các mô hình được lựa chọn dựa theo khu vực sinh thái và bắt buộc tuân thủ theo Quyết định 145 của Cục Trồng trọt về việc ban hành quy trình và sổ tay hướng dẫn “quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.
Ở các mô hình thí điểm, ông Tùng cho rằng năng suất lúa có “vực lên” trong khi diện tích ngày càng được mở rộng, kết quả giảm phát thải do Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) và các Viện khác thuộc Bộ NN&PTNT đo được là rất tích cực.
“Việc trồng lúa phát thải thấp không nhằm mục đích tính toán để bán tín chỉ carbon. Theo lộ trình đến năm 2028, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới chính thức báo cáo về cơ chế thương mại hóa tín chỉ carbon lên Chính phủ. Theo đó, đề án nhằm sắp xếp lại sản xuất, nâng cao năng lực hợp tác xã xây dựng đồng ruộng, phát triển hạ tầng”, ông Tùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tùng, ứng dụng khoa học công nghệ, thiết bị và máy móc đồng bộ về cơ giới sẽ giúp nâng cao hiệu quả và phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng. Việc liên kết chuỗi ngành hàng, bảo đảm an ninh lương thực và tăng trưởng xanh từ nông nghiệp tuần hoàn lúa gạo là yếu tố thiết yếu.
Ngoài ra, các kỹ thuật tiên tiến như sạ hàng hoặc sạ cụm, kết hợp vùi phân cần được áp dụng để tăng hiệu suất sử dụng phân bón, đồng thời tuân thủ chặt chẽ quy trình bón phân, tránh tình trạng bón thừa hoặc sai cách. Để đạt được mục tiêu này, việc xây dựng cơ sở dữ liệu bao gồm bản đồ quản lý tài nguyên đất, nước và khí hậu là điều cần thiết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất