Báo quốc tế viết về “thắng lợi” của Việt Nam sau thượng đỉnh Mỹ - Triều
Những lệnh trừng phạt Triều Tiên khao khát được dỡ bỏ / Ít nhất 23 người chết trong trận lốc xoáy ở Mỹ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì tiệc chiêu đãi chào mừng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thăm hữu nghị chính thức Việt Nam tối 1/3. (Ảnh: Reuters)
Ngoại giao thượng đỉnh đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quan hệ quốc tế ngày nay, cả trên góc độ song phương và đa phương, kể từ khi cụm từ “thượng đỉnh” được sử dụng lần đầu tiên để mô tả cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Việc nơi nào đó được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh không chỉ mang giá trị về mặt biểu tượng mà còn có ý nghĩa về địa chính trị. Điều này hoàn toàn đúng với Việt Nam khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.
Theo Cary Huang, một cây bút của báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quan trọng như cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể xem là hoạt động ngoại giao đáng chú ý khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần hai chỉ sau 8 tháng.
“Sự kiện ngoại giao giữa tổng thống Mỹ và chủ tịch Triều Tiên đã đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu và nâng cao hình ảnh Việt Nam trên vũ đài địa chính trị. Kết quả này vẫn đúng ngay cả khi hai bên không đạt được thỏa thuận sau cuộc gặp kéo dài hai ngày vào tuần trước”, Cary Huang nhận định.
Theo Cary Huang, việc lựa chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã cho thấy sự thay đổi đáng kể về địa chính trị toàn cầu trong những thập niên gần đây, khi thế giới chứng kiến hành trình của Việt Nam từ một nước cựu thù sang đối tác an ninh của Mỹ.
Cary Huang cho rằng lý do khiến Việt Nam được chọn từ danh sách gồm một loạt “ứng cử viên” khả thi cho địa điểm tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều không chỉ bởi lập trường trung lập của Việt Nam trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, hay bởi cả Mỹ và Triều Tiên đều đặt đại sứ quán tại Việt Nam, hoặc do quan hệ hữu nghị của Việt Nam với tất cả các bên then chốt trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga.
Lý do quan trọng nhất là vì quyết định chọn Hà Nội sẽ đảm bảo lợi ích cho cả Mỹ và Triều Tiên, theo Cary Huang.
Cary Huang cho biết Việt Nam và Triều Tiên không chỉ có mối gắn kết chặt chẽ về chế độ chính trị, mà còn từng có quá khứ chiến tranh với Mỹ. Đất nước Việt Nam hiện nay có thể trở thành hình mẫu, mở ra cho ông Kim Jong-un một lộ trình để vừa thiết lập mối quan hệ hòa bình với siêu cường mạnh nhất thế giới, vừa đạt được sự thịnh vượng về kinh tế.
Tổng thống Trump cũng đã ngụ ý rằng việc lựa chọn Việt Nam làm nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều nhằm mục đích truyền tải một thông điệp, khi ông chủ Nhà Trắng muốn nhà lãnh đạo Triều Tiên học hỏi mô hình của Việt Nam. Nếu hợp tác với Mỹ, Triều Tiên sẽ đạt được hai mục tiêu gồm chấm dứt sự cô lập về chính trị và đạt được sự thịnh vượng về kinh tế.
Theo Cary Huang, Việt Nam được hưởng lợi từ cơ hội quảng bá sự thành công về kinh tế, cũng như thu hút sự chú ý khổng lồ của truyền thông quốc tế. Thông qua việc đóng vai trò chủ đạo trong sự kiện toàn cầu như thượng đỉnh Mỹ - Triều, Việt Nam có thể giành được những lợi ích đáng kể về ngoại giao và địa chính trị.
Giới phân tích nhận định hình ảnh của thủ đô Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung đã được quảng bá rộng rãi trên truyền thông quốc tế, cho thấy sự phát triển năng động của quốc gia Đông Nam Á. Đây cũng là tiền đề để Việt Nam đón thêm nhiều đoàn khách quốc tế tới thăm sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Cary Huang cho rằng kể từ khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ và trở thành một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào năm 1995, Việt Nam đã chiếm vị trí trung tâm trong các vấn đề của khu vực Đông Nam Á. Tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ củng cố vị thế của Việt Nam là một trong những đối tác mạnh mẽ nhất của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trong các vấn đề khu vực.
Theo một số nhà phân tích, Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi sau khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Các sự kiện chính trong khuôn khổ hội nghị đều được tổ chức tốt và không xảy ra bất kỳ vấn đề lớn nào về an ninh cũng như hậu cần, mặc dù Việt Nam chỉ có chưa đầy hai tuần để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này. Trước đó, Singapore đã được thông báo trước hai tháng để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần một.
Ngay cả Tổng thống Trump và các quan chức trong phái đoàn Triều Tiên cũng ca ngợi nỗ lực của nước chủ nhà Việt Nam.
Ngày 26/2, ngay sau khi đặt chân xuống Việt Nam, Tổng thống Trump đã cảm ơn đất nước và người dân Việt Nam “vì sự tiếp đón nồng hậu”. Ngày 27/2, ông Trump nhận định rằng “Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ” và bày tỏ sự trân trọng với “lòng mến khách” của Việt Nam. Trong cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ cảm ơn Việt Nam vì đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
“Cảm ơn những “chủ nhà” hào phóng của chúng tôi tại Hà Nội: Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và người dân Việt Nam tuyệt vời!”, ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter sau khi lên chuyên cơ Không Lực Một về thủ đô Washington sau hội nghị thượng đỉnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo