Bộ Công an trực tiếp kiểm tra vụ án “chiếm đoạt con dấu” 13 năm trước
Cục Đăng kiểm đề xuất quản lý xe đạp điện như xe cơ giới / Lần đầu tiên có 'siêu SIM' được bán với giá triệu USD
Đây là vụ việc mà Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo, giao Bộ Công an kiểm tra, kết luận, có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật nhưng đến nay Bộ Công an chưa có báo cáo kết quả thực hiện.
Vì vậy, Bộ Công an nghiêm túc rút kinh nghiệm việc chưa chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng về việc kiểm tra, kết luận nội dung tố cáo của một số cổ đông của Công ty Cổ phần Hữu Nghị Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an trực tiếp kiểm tra, kết luận việc Công an thành phố Hà Nội khởi tố vụ án Chiếm đoạt con dấu” và các nội dung tố cáo khác của một số cổ đông của Công ty Cổ phần Hữu Nghị Hà Nội, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/9/2018.
Bộ Công an cũng phải chuẩn bị nội dung trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2018.
Vụ án kéo dài trên 13 năm có nhiều dấu hiệu oan sai
Đây chính là vụ việc mà Dân trí đã phản ánh trong loạt bài “Có một vụ “cà phê Xin chào” kéo dài hơn 10 năm ở Hà Nội?” đăng tải xuyên suốt từ năm 2016 đến nay.
17 người dân - nguyên là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần Hữu Nghị (trụ sở 23 Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) liên tục gửi đơn thư cầu cứu tới Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan đề nghị giải quyết dứt điểm vụ việc mua bán, thâu tóm cổ phần bất thường xảy ra ở công ty này từ 13 năm trước.
Theo văn bản của luật sư Trương Xuân Tám (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) gửi Thủ tướng trước đó, bà Mai Thị Khánh - nguyên Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Hữu Nghị là một Đảng viên, doanh nhân giỏi trước khi vướng vào vòng lao lý do hai vụ án trái pháp luật, tước mất quyền sở hữu tài sản và quyền kinh doanh hợp pháp.
Vụ án thứ nhất, bà Mai Thị Khánh bị buộc tội “Trộm cắp tài sản” (cước viễn thông quốc tế) kéo dài gần 14 năm. Dù nhiều luật sư, các cơ quan báo chí lên tiếng, bênh vực cho bà Khánh nhưng vẫn không được giải quyết. Năm 2008 TAND TP Hà Nội vẫn tuyên phạt bà Khánh 12 năm tù giam vì tội “Trộm cắp tài sản”. Bản án này đã bị Toà phúc thẩm TAND Tối cao tuyên huỷ, nhưng yêu cầu điều tra xét xử lại nên đã kéo dài thêm 6 năm.
“Cho đến khi có sự giám sát, chất vấn, kiến nghị của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân thì ngày 18/4/2014 Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm, tuyên huỷ các văn bản trái pháp luật trước đây và yêu cầu Toà phúc thẩm phải đình chỉ vụ án. Nhưng 8 tháng sau bà Mai Thị Khánh mới được đình chỉ, được minh oan và thoát khỏi vòng lao lý của vụ này”- luật sư Trương Xuân Tám nêu rõ.
Thứ hai là vụ án chiếm đoạt con dấu do PC14 Công an TP Hà Nội khởi tố ngày 3/11/2005. Sau quyết định khởi tố là lệnh khám xét khẩn cấp phòng làm việc của bà Mai Thị Khánh- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Hữu Nghị để thu con dấu và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cùng tất cả hồ sơ, tư cách pháp nhân đem về cất giữ tại PC14 trong 5 tháng, buộc công ty dừng hoạt động. Mặc dù thời điểm đó con dấu không có ai chiếm đoạt mà vẫn được bà Khánh quản lý, sử dụng tại văn phòng công ty theo đúng Luật Doanh nghiệp.
Sau đó, PC14 Hà Nội đã mở niêm phong và lại trao trả con dấu cho cá nhân khác trong Công ty cổ phần Hữu Nghị; đến ngày 2/6/2006 Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho nhóm cổ đông này.
Chính vì thế, từ đó đến nay bà Mai Thị Khánh và các thành viên HĐQT hợp pháp của Công ty cổ phần Hữu Nghị - đồng thời là các cổ đông lớn sở hữu hơn 70% vốn điều lệ công ty - đã bị nhóm cổ đông trên đẩy ra khỏi doanh nghiệp, dùng con dấu để xác nhận mua bán trái phép cổ phần, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Quyết định khởi tố và khám xét của PC14 Công an Hà Nội đã không được VKSND TP Hà Nội phê chuẩn nhưng nó đã tồn tại trái pháp luật 12 năm nay gây hậu quả nghiêm trọng. Sau đó viện kiểm sát đã có công văn yêu cầu Công an Hà Nội chấm dứt tố tụng tại Công ty cổ phần Hữu Nghị nhưng vụ án “vẫn bị ngâm” và kéo dài cho đến hôm nay”- luật sư Trương Xuân Tám nhấn mạnh trong văn bản gửi Thủ tướng.
Sau khi Dân trí và nhiều cơ quan báo chí phản ánh, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Công an, UBND TP Hà Nội làm rõ nhưng đến nay bà Mai Thị Khánh và những người liên quan vẫn đang mòi mỏi chờ đợi kết quả xử lý dứt điểm vụ việc nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho họ.
Bị khởi tố, truy tố, xét xử oan sai 5.028 ngày
Năm 2017, bà Mai Thị Khánh- nguyên Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Hữu Nghị đã có văn bản gửi TAND TP Hà Nội khẳng định, 14 năm qua nhiều phiên toà các cấp khác nhau, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, truy tố, xét xử oan sai đối với bà về tội “Trộm cắp tài sản” (cước viễn thông quốc tế). Vì vậy các cơ quan này phải chịu trách nhiệm bồi thường về những tổn thất nặng nề cả về tinh thần, kinh tế cũng như thiệt hại nghiêm trọng đến vị trí việc làm của bà Khánh.
Theo tính toán, từ khi bị khởi tố bị can ngày 21/3/2001 đến ngày 26/12/2014 khi được Toà phúc thẩm TAND Tối cao tuyên đình chỉ vụ án, bà Mai Thị Khánh đã bị khởi tố, truy tố, xét xử oan sai 5.028 ngày.
Căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước và các văn bản hướng dẫn, bà Mai Thị Khánh đề nghị TAND TP Hà Nội bồi thường thiệt hại về kinh tế và tổn thất về tinh thần với tổng số tiền 5 tỷ đồng. Tuy vậy đến nay TAND TP Hà Nội vẫn chưa đưa ra động thái giải quyết việc này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo