Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các bộ, ngành cùng phối hợp đảm bảo an toàn, an ninh cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020
Gần 6.000 cán bộ thanh kiểm tra những khâu nào của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020? / Sữa học đường TP. Hồ Chí Minh: Chương trình nhân văn mang lại nhiều niềm vui cho con trẻ
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ các điểm mới của kỳ thi năm nay. Cụ thể, trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thay cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 và lùi ngày tổ chức muộn hơn mọi năm khoảng 2 tháng (tổ chức vào các ngày 8-10 tháng 8 năm 2020).
Đề thi có nội dung nằm trong Chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với tinh giản chương trình trong bối cảnh dịch Covid-19; bảo đảm mục đích của Kỳ thi, trong đó mức độ phân hóa của đề thi cũng được điều chỉnh phù hợp.
Theo Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ 1/7/2020, học sinh học xong chương trình giáo dục phổ thông nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được Hiệu trưởng trường THPT hoặc Giám đốc trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp “Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo và chịu trách nhiệm chung về kỳ thi; ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT và văn bản hướng dẫn tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức kỳ thi trên phạm vi toàn quốc; xây dựng và cung cấp đề thi để tổ chức thi đồng loạt cùng một thời điểm trong cả nước; xây dựng hệ thống phần mềm dùng chung bảo đảm thống nhất, thuận lợi trong quá trình tổ chức thi ở các địa phương bảo đảm an toàn, trung thực, khách quan của kỳ thi.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, chịu trách nhiệm toàn bộ về tổ chức kỳ thi tại địa phương.
Thanh tra Chính phủ tham gia Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia năm 2020; chỉ đạo và hướng dẫn Thanh tra tỉnh-thành phố trực thuộc trung ương tổ chức hoạt động của các đoàn thanh tra thi.
Những điều cần lưu ý đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi
Để đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi, trong công văn gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị đơn vị này chỉ đạo Thanh tra các tỉnh cử người tham gia Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các đoàn thanh tra, kiểm tra của địa phương. Mục tiêu là tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT, bảo đảm tổ chức Kỳ thi tuyệt đối an toàn, trung thực, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế thi.
Đối với Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạođề nghị Bộ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các tỉnh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh và các Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự cho kỳ thi. Trong đó chú trọng các công việc chủ yếu gồm: Công tác ra đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Công tác in sao đề thi của các Sở Giáo dục và Đào tạo; Công tác vận chuyển đề thi; Công tác coi thi và chấm thi; Công tác bảo đảm an toàn giao thông.
Cụ thể, đối với công tác ra đề và in sao đề thi, Bộ Giáo dục và Đào tạođề nghị Bộ Công an chỉ đạo bố trí lực lượng cảnh sát bảo vệ vòng ngoài khu vực cách ly để ra đề thi và cử cán bộ an ninh phối hợp với cán bộ bảo vệ của Bộ Giáo dục và Đào tạotrực tiếp bảo vệ vòng trong khu vực ra đề thi trong khoảng thời gian Hội đồng ra đề thi bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động này.
Đồng thời, Bộ Công an bố trí lực lượng bảo vệ ba vòng độc lập khu vực in sao đề thi; kiểm tra an ninh khu vực in sao đề thi, trang thiết bị phục vụ công tác in sao đề thi và cán bộ tham gia in sao đề thi; có biện pháp bảo mật thông tin trong quá trình in sao đề thi.
Các công tác vận chuyển đề thi, coi thi và chấm thi, bảo đảm an toàn giao thông, công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạođều nêu cụ thể công việc để đề nghị Bộ Công an phối hợp chỉ đạo thực hiện.
Đối với các hoạt động liên quan đến thông tin và truyền thông của kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạođề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan hữu quan trực thuộc Bộ dự báo các tình huống an ninh mạng, dự kiến các biện pháp hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố liên quan đến bảo mật cơ sở dữ liệu của Kỳ thi.
Các cơ quan truyền thông, báo chí thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về Kỳ thi và công tác tuyển sinh năm 2020; kịp thời ngăn chặn những thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh trong quá trình diễn ra Kỳ thi và công tác tuyển sinh năm 2020. Bộ chỉ đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin bảo đảm các điều kiện về cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông tạo thuận lợi cho việc công bố kết quả thi, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển và chuyển phát hồ sơ nhập học của thí sinh.
Đảm bảo giao thông, y tế, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh
Trong công văn gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Giáo dục và Đào tạođề nghị đơn vị này chỉ đạo các ngành hữu quan phối hợp với các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; xây dựng, triển khai phương án phòng chống lụt bão; hỗ trợ xử lý và khắc phục hậu quả các tình huống bất thường có thể xảy ra, tạo điều kiện tốt nhất cho tổ chức Kỳ thi và công tác tuyển sinh.
Đối với Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạođề nghị chỉ đạo các ngành, các cấp hữu quan phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi để việc vận chuyển đề thi, bài thi trong quá trình tổ chức thi tại các tỉnh bảo đảm an toàn tuyệt đối. Các đơn vị tăng cường phương tiện bảo đảm giao thông, có các phương án kịp thời giải toả ách tắc giao thông và xử lý các tình huống bất thường về giao thông trong các ngày thi; không để thí sinh đến dự thi muộn do ách tắc giao thông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo để có chính sách ưu tiên bán vé tàu, xe và bảo đảm chế độ miễn giảm giá vé cho thí sinh đi thi.
Để đảm bảo các vấn đề về an toàn sức khỏe cho thí sinh và những người tham gia công tác làm thi, Bộ Giáo dục và Đào tạođề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các sở Y tế, bệnh viện các tuyến của các tỉnh chuẩn bị các loại vật tư thiết yếu và cơ số thuốc phù hợp để đáp ứng kịp thời các yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc y tế cho các trường hợp đau ốm bất thường của thí sinh trong các ngày thi. Đơn vị này đồng thời có phương án đề phòng, ngăn chặn dịch Covid -19 và các loại dịch bệnh khác, hỗ trợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; kịp thời xử lý các tình huống về dịch bệnh hoặc ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các địa điểm tổ chức các khâu của Kỳ thi.
Việc tăng cường kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại các địa điểm nghỉ trọ, nhà hàng, quán ăn phục vụ thí sinh và người nhà thí sinh trong các ngày thi, cũng được Bộ GDĐT đề nghị ngành Y tế quan tâm, tăng cường phối hợp chỉ đạo để Kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh năm 2020 diễn ra an toàn, thuận lợi cho thí sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ 32 nội dung công tác trong kế hoạch kỳ thi, trong đó nội dung đầu tiên là tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức thi phải hoàn thành chậm nhất ngày 10/6. Nội dung cuối cùng là gửi danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT về Văn phòng Bộ, hoàn thành chậm nhất ngày 30/9. Kết quả thi sẽ được công bố vào ngày 27/8.
End of content
Không có tin nào tiếp theo