Tin tức - Sự kiện

Cần định vị thương hiệu và tạo sự khác biệt đối với du lịch Vĩnh Long

DNVN - Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tăng cường kết nối được xem là những giải pháp để du lịch tỉnh Vĩnh Long phát huy hết tiềm năng, lợi thế nhằm tạo sự bứt phá, phát triển bền vững, góp phần mang lại nguồn thu quan trọng cho địa phương.

Du lịch dịp lễ 2/9 khó đột phá / Từ mạch nguồn di sản đến sản phẩm du lịch - Bài cuối: Kết nối và nâng tầm

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Ngày 11/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Vĩnh Long chủ trì tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển sản phẩm và kết nối tour, tuyến du lịch Vĩnh Long với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh”. Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia, các nhà khoa học, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, hiệp hội du lịch Việt Nam, hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TP Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời phát biểu tại hội thảo.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo nhằm lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ quản lý, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động du lịch trong và ngoài tỉnh đánh giá tiềm năng, vị trí du lịch Vĩnh Long trong chuỗi phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong khu vực, qua đó, tìm giải pháp phát triển sản phẩm du lịch và kết nối có hiệu quả tour, tuyến, các điểm đến du lịch Vĩnh Long với các tỉnh, thành ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Văn Giàu - Giám đốc Sở VHTT& DL tỉnh cho biết, năm 2022, Vĩnh Long đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch với doanh thu 480 tỷ đồng, tăng hơn 60% cả lượt khách và doanh thu so với 2021.
Năm 2023, tỉnh dự kiến ước tổng lượt khách khoảng 1,5 triệu lượt, du lịch Vĩnh Long đã bắt nhịp trở lại đà tăng trưởng trước đại dịch, với doanh thu ước đạt 1,8% - 2,0% GRDP. Du lịch Vĩnh Long đang tập trung cơ cấu lại và tích cực triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính Phủ về đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Bên cạnh kết quả đạt được, ông Giàu cũng nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng và phát triển của du lịch Vĩnh Long vẫn còn khiêm tốn, để đạt mục tiêu trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025, đóng góp từ 3% GRDP trở lên thì tỉnh còn phải cố gắng nỗ lực rất nhiều.
Khác biệt hóa sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết

Các ý kiến đóng góp tại hội thảo đều có chung nhận định, du lịch Vĩnh Long muốn phát triển đột phá cần phải có những giải pháp đồng bộ căn cơ, sự vào cuộc quyết tâm nhiều của nhiều cấp, ngành và ủng hộ doanh nghiệp, người dân.
TS Lê Cao Thanh - Viện Nghiên cứu chiến lược cho rằng, du lịch Vĩnh Long còn 3 điểm hạn chế, đó là thiếu sự khác biệt của sản phẩm; còn làm du lịch theo kiểu phong trào và thiếu một công trình, điểm nhấn mang tính biểu tượng.
Hơn 10 tham luận, ý kiến góp ý của các chuyên gia du lịch, nhà khoa học, doanh nghiệp du lịch hiến kế để Vĩnh Long phát triển du lịch bền vững.

Hơn 10 tham luận, ý kiến góp ý của các chuyên gia du lịch, nhà khoa học, doanh nghiệp du lịch hiến kế để Vĩnh Long phát triển du lịch bền vững.

TS Lê Cao Thanh, Vĩnh Long đang có nhiều tài nguyên tạo sự khác biệt để hút khách du lịch, nổi bật là tài nguyên văn hóa địa linh nhân kiệt; tài nguyên di sản văn hóa đương đại làng nghề gạch gốm Mang Thít. Đây là tài nguyên khác biệt, không chỉ của ĐBSCL mà cả của Việt Nam, thế giới cũng rất hiếm.Với một tài nguyên như vậy, chúng ta cần có cách khai thác hiệu quả nhất.
Theo hướng này Vĩnh Long sẽ tập trung vào 3 sản phẩm du lịch gồm homestay với sự khác biệt của miệt vườn sông nước; di sản đương đại gắn với làng nghề gạch gốm; hệ thống công trình văn hóa lịch sử đặc biệt và du lịch văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Cùng quan điểm trên, ông Trịnh Bá Dũng- Công ty du lịch Cát Bà chia sẻ, điểm cốt lõi nhất của tỉnh Vĩnh Long là phải định vị thương hiệu, Vĩnh Long cũng giống như các tỉnh khác có rất nhiều tiềm năng du lịch, nhưng vấn đề là làm sao tạo ra được thỏi nam châm để hút khách.
Theo ông Dũng, vương quốc lò gạch Mang Thít chính là điểm nhấn quan trọng nhất, bởi đây không chỉ là lò gạch cổ mà còn là di sản của Việt Nam. Là di sản thì chúng ta phải quy hoạch, kêu gọi đầu tư phát triển một cách đúng mức.
Vương quốc lò gạch là sự khác biệt, cũng như chúng ta đến Paris có tháp Eiffel, đến Sydney (Úc) có nhà hát opera con sò; đến ĐBSCL và Vĩnh Long là phải đến "Vương quốc lò gạch". Nếu làm bài bản, đúng chuẩn theo quy hoạch thì vương quốc lò gạch này có cơ hội giống như Hội An.
“Theo thời gian lò gạch đang xuống cấp nên cần công bố, triển khai thực hiện quy hoạch để tạo lòng tin cho người dân. Người dân song hành với doanh nghiệp, người dân góp đất, góp lò gạch, doanh nghiệp đầu tư tài chính theo định hướng quy hoạch” ông Dũng đề nghị.
Tại hội thảo, ông Hoàng Hoa Quân - Phó Trưởng phòng quản lý lữ hành, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam thông tin, 8 tháng qua, cả nước đón khoảng 7,9 triệu lượt khách quốc tế, đạt 98% chỉ tiêu du lịch cả năm, với khoảng 85 triệu lượt khách nội địa, doanh thu du lịch đạt 482 ngàn tỷ đồng.
“Cục Du lịch sẵn sàng hỗ trợ để Vĩnh Long phát triển du lịch bền vững, thời gian tới sẽ cùng với quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hỗ trợ tỉnh về kinh phí cho hoạt động du lịch; hỗ trợ tỉnh quảng bá, giới thiệu những sản phẩm du lịch mới đặc sắc, hướng đến mục tiêu tạo sự gắn kết phát triển du lịch bền vững.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cảm ơn các ý kiến tâm huyết đã đánh giá rất sát với tình hình du lịch ở Vĩnh Long, từ đó, đã kiến nghị, đề xuất các giải pháp hết sức thiết thực nhằm phát triển sản phẩm kết nối tour, tuyến du lịch Vĩnh Long với các tỉnh thành vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và địa phương nghiên cứu đề xuất tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh các giải pháp phù hợp phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, có nét riêng, tạo thương hiệu du lịch Vĩnh Long phát triển tương xứng với tiềm năng.
Triển khai có hiệu quả thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch với TP Hồ Chí Minh, phát huy hiệu quả các tour, tuyến, đa dạng các dịch vụ, phát triển các sản phẩm du lịch, quảng bá giới thiệu các điểm đến thu hút du khách
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình, đề án, dự án trọng tâm để tạo sản phẩm du lịch mới; đổi mới nâng chất homestay nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa; hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu các dịch vụ du lịch, quảng bá các điểm đến…
Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm