Chiến dịch tiêm vaccine đã thành công, tiếp tục thực hiện ''đa mục tiêu''
Quang cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 5/3. Ảnh: VGP
Tập trung thực hiện "đa mục tiêu"
Sáng 5/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịchCOVID-19 chủ trì phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo.
Các ý kiến tại cuộc họp đánh giá thực hiện chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết 30/2021/QH15, kết luận số 25-KL/TW, ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịchCOVID-19 năm 2022 - 2023, Chính phủ đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống dịch.
Theo đó, bảo đảm nhân lực, thuốc, trang thiết bị; an sinh xã hội; an ninh trật tự xã hội; sản xuất và lưu thông hàng hóa; vận động và huy động xã hội; dân vận, vừa bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch, vừa tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện "đa mục tiêu" nhất là phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vừa sẵn sàng phòng, chống dịch; chỉ đạo thúc đẩy toàn diện các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; thực hiện đồng bộ chương trình phòng, chống dịch bệnh gắn với chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Thông tin từ đại diện Bộ Y tế cho biết, vấn đề cung ứng ô xy y tế phục vụ công tác điều trị bệnh nhân mắcCOVID-19 trên toàn quốc hiện đang tạm thời ổn định. Với tình hình số ca nhiễm tăng cao, Bộ đã tiến hành kiểm tra tình hình cung ứng, sử dụng oxy tại TP Hà Nội và đánh giá các đơn vị sử dụng cơ bản đã đảm bảo cơ sở vật chất và cung ứng khí ô xy y tế đáp ứng điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Bộ Y tế đang tiếp tục làm việc với các bộ, ngành để có phương án bình ổn giá trang thiết bị y tế phòng, chống dịch. Bộ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể coi bệnh COVID-19 là "bệnh lưu hành" hay như một số chuyên gia gọi là "bệnh đặc hữu" khi thời điểm thích hợp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin thêm, vaccine hiện nay vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Vì vậy việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, khả năng tái nhiễm của biến chủng Omicron là có nên vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Trong thời gian qua, cả nước đã cơ bản chuyển sang trạng thái quản lý rủi ro theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, mặc dù số ca mắc tăng nhưng giảm cả 3 tiêu chí: Nhập viện, ca nặng, tử vong. Hệ thống y tế vẫn đang trụ vững, tăng cường năng lực hồi sức và điều trị các ca nặng. "Bộ Y tế đang tiến hành từng bước, hướng tới điều trị COVID-19 như điều trị bệnh nhân thông thường" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.
Tiêm vaccine phòng chốngCOVID-19 cho người dân quận Cầu Giấy. Ảnh: Hoàng Quân
Về các biện pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường và hoàn thành tiêm mũi 3, mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19 trong tháng 3 này; ưu tiên quản lý nhóm nguy cơ cao; tăng cường năng lực cách ly, điều trị tại nhà...
"Đặc biệt, trong giai đoạn này, việc thực hiện thông điệp 5K + vaccine + thuốc điều trị và ý thức là rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Tỷ lệ nhiễm tăng cao nhưng số ca nặng rất thấp
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá có những chuyển biến rất tích cực trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, Nhân dân tự tin, vững vàng hơn, kinh nghiệm của các cơ quan và người dân nhiều hơn. Trên thực tế, tỷ lệ tử vong có thể thấp hơn do không thống kê hết số ca mắc. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho biết số ca mắc tăng rất cao, nhưng nhiều nước vẫn có quyết tâm rất cao trong việc mở cửa trở lại như Hàn Quốc, Mỹ…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thời gian qua tỷ lệ nhiễm tăng cao nhưng số ca nặng rất thấp là do chúng ta thực hiện rất tốt chiến dịch tiêm chủng vaccine với tỷ lệ lên tới 98 - 99%. Người dân tuân thủ đầy đủ việc thực hiện 5K, nhất là đeo khẩu trang. Chúng ta cũng kiểm soát hiệu quả việc không để tăng số ca bệnh chuyển nặng bằng cách theo dõi chặt chẽ nhóm nguy cơ cao ngay từ cơ sở.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, cần điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống dịch như đánh giá cấp độ dịch; cách ly y tế F1, F0; cấp phát thuốc điều trị…
Nhân viên y tế Hà Nội mang thuốc cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. Ảnh: Thảo Trần
Dưới góc độ địa phương, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết số ca mắc gần đây đã lên đến 3.000 ca mỗi ngày, tuy nhiên số lượng ca nặng, rất nặng hầu như không thay đổi (50 ca). Thống kê những người trở nặng, tử vong gần đây thì 97,98% là chưa tiêm. Việc mở cửa lại trường học đã xuất hiện tình trạng trẻ nhiễm ở trường học và lây cho người trong gia đình, đến nay khoảng 2,3% trẻ bị nhiễm và 0,08% có triệu chứng nặng, chủ yếu là sốt cao và hết sau 2 - 3 ngày. Đến nay chưa có trường hợp trẻ tử vong.
TP Hồ Chí Minh triển khai đợt cao điểm bảo vệ người nguy cơ cao, người cao tuổi, trẻ chưa được tiêm vaccine; đẩy mạnh tiêm vét vaccine; kiên trì thực hiện dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, bảo đảm an toàn phòng dịch trong trường học. Lãnh đạo Thành phố đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, có các đánh giá, quy định để hạn chế ảnh hưởng của biến thể Omicron đến hoạt động phục hồi kinh tế - xã hội; hướng dẫn người dân mua, sử dụng thuốc điều trị an toàn, kịp thời.
Dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận các ý kiến đều cơ bản đồng tình với báo cáo của Bộ Y tế và đóng góp nhiều nội dung tâm huyết, sát thực tế.
Các ý kiến đều khẳng định tình hình dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát, với các số liệu chứng minh cụ thể. So với tháng trước, số ca mắc tăng trên diện rộng nhưng số ca tử vong giảm 47,1%; số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%; số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%. Tỉ lệ chết/số ca mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%), ngày 1/2 là 0,9% và ngày 3/3 là 0,1%.
Tới ngày 3/3, Việt Nam cơ bản hoàn thành việc tiêm mũi 1 với các đối tượng từ 18 tuổi, mũi 2 là 98,4% và mũi 3 là 37,4%. Với đối tượng từ 12 - 17 tuổi, tỉ lệ mũi 1, mũi 2 lần lượt là 98,8% và 93,5%. Hoàn thành các thủ tục để mua 22 triệu liều vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Sau khi điện đàm với Thủ tướng, lãnh đạo hãng Pfizer đã cam kết cố gắng hoàn thành việc bàn giao vaccine chậm nhất trong quý II/2022.
Thủ tướng khẳng định chiến dịch tiêm vaccine đã thành công, đạt tỷ lệ rất cao so với thế giới, riêng chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa xuân đã tiêm được 14 triệu liều. Chúng ta cũng đang nghiên cứu việc tiêm mũi 4, kết hợp hài hòa, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả giữa điều trị tại cơ sở y tế và tại nhà. Kiểm soát rủi ro dịch bệnh theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP đang đi đúng hướng, từng bước chứng tỏ hiệu quả rõ rệt.
Thời gian tới, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng với dự báo diễn biến dịch bệnh sẽ tiếp tục phức tạp, khó lường, khó dự báo với biến chủng Omicron, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ và thuận lợi. Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không lơi là, chủ quan, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, bám sát tình hình để có giải pháp phù hợp trong phòng, chống dịch tốt, tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, từng bước "bình thường hóa" với dịch bệnh COVID-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP
Thủ tướng nêu rõ tập trung thực hiện "đa mục tiêu" là tiếp tục ngăn chặn lây lan, tập trung kiểm soát rủi ro, giảm số ca chuyển nặng, giảm ca tử vong, không để quá tải hệ thống y tế; thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững; chăm lo an sinh xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Kiên trì, kiên quyết thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, kiểm soát các trường hợp nguy cơ cao, chuyển nặng, tử vong; thực hiện nghiêm và linh hoạt, hiệu quả công thức "5K+vaccine+thuốc điều trị+công nghệ+đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác".
Thủ tướng nhấn mạnh cần thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine theo tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", trong quý I phải hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi (trừ các đối tượng chống chỉ định và chưa tới thời gian tiêm); hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12 - 17 tuổi trong tháng 3; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi; nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 và các cháu dưới 5 tuổi…
Bộ Y tế khẩn trương cấp phép các loại thuốc phòng chữa bệnh bảo đảm an toàn, phù hợp tình hình, quy định và thông lệ quốc tế; chủ trì, tăng cường hướng dẫn các biện pháp điều trị tại nhà, tại cơ sở bảo đảm hiệu quả, không để quá tải hệ thống y tế, nhất là tầng 3, tập trung quản lý người có nguy cơ cao và người lao động.
Tiếp tục hoàn thiện các công nghệ phục vụ phòng, chống dịch dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu về dân cư. Tăng cường hơn nữa ý thức của người dân để tự bảo vệ mình và gia đình, cộng đồng, đất nước, tiếp tục lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực trong phòng, chống dịch.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định cụ thể về thời gian cách ly F0, F1; nghiên cứu công bố các chỉ số, số liệu liên quan phòng, chống dịch một cách cần thiết, hiệu quả, khoa học, phù hợp tình hình và thông lệ quốc tế; hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị thống nhất, hiệu quả…
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất quy định về xuất nhập cảnh phù hợp điều kiện mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn mở cửa trường học bảo đảm thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt trên toàn quốc.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn về mở cửa du lịch từ ngày 15/3.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về an sinh xã hội.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì bảo đảm an ninh, quốc phòng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí - truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền bảo đảm kịp thời, chính xác về tình hình và các giải pháp của các cấp có thẩm quyền, theo tinh thần lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tăng cường thông tin hướng dẫn để người dân yên tâm, ngăn chặn hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, sai trái…
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phòng, chống dịch là không có tiền lệ nên không cầu toàn, không nóng vội, bám sát tình hình để tiếp tục rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất