Hoa hướng dương ngời lên trong nắng mới
TP Hồ Chí Minh kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương / Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm, tặng quà Tết tại Thừa Thiên Huế
Lá cờ đỏ búa liềm không chỉ là hồn thiêng sông núi, quá khứ hào hùng của cha ông suốt bốn ngàn năm lịch sử, lá cờ đỏ ấy còn là biểu tượng của sức mạnh công nông, tạo nên sức gió thổi bùng thời đại. Sức gió ấy, đã giúp cho con thuyền của Đảng vượt qua phong ba bão táp, để hai tiếng Việt Nam ngàn đời ngân vọng, con người Việt Nam được tắm trong ánh hào quang của Đảng, rạng rỡ như hoa hướng dương ngời lên trong nắng mới.
92 năm – một cuộc trường chinh vĩ đại, Đảng mình càng ngời sáng trí tuệ Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam, tầm cao mới Việt Nam.
“Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm”. Ta hãy lùi bánh xe về quá khứ, để hiểu thêm cảnh khốn cùng nhân dân ta thuở xưa trong cảnh đau mất nước, khi chưa có Đảng ra đời “đêm chỉ là đêm tối mênh mông”. Hơn 80 năm thực dân Pháp đô hộ nước ta. Chúng ra sức vơ vét của cải tài nguyên nước ta, với những chính sách ngu dân và sưu cao thuế nặng. Chúng đã đẩy hàng triệu người “bần cùng hóa” phải làm “thân trâu ngựa cho loài khuyển dương”. Và ở đâu có áp bức, ở đấy có đấu tranh, nhiều tổ chức phong trào yêu nước như những đốm lửa hồng bắt đầu được cháy lên. Đốm lửa cháy lên từ phong trào Cần Vương, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân của Vua Hàm Nghi và nhiều sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám… Nhưng tất cả những đốm lửa, kết cục đều bị tắt lịm dần. Các phong trào đấu tranh tuy thất bại, nhưng lịch sử vẫn không bao giờ quên ơn những “tiếng sấm đầu mùa” báo hiệu cho cuộc cách mạng “đất lở trời long” tương lai nước Việt.
Người làm nên cuộc cách mạng vĩ đại, xé tan màn đêm nô lệ đưa nhân dân ta thoát khỏi ách thực dân phong kiến chính là Đảng cộng sản Việt Nam, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc, sinh ra từ làng Sen xứ Nghệ đã sớm thấu hiểu cảnh“Giặc cướp hết non cao biển rộng/Cướp cả tên nòi giống tổ tiên”. Ngày 5/6/1911, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Ái Quốc đã rời bến cảng Nhà Rồng lên con tàu viễn dương Pháp, để tìm đường cứu nước.
Một cuộc trường chinh phải tính bằng “giá học phí” rất đắt khi bôn ba giữa xứ người, Nguyễn Ái Quốc đã làm đủ mọi nghề để sống. Với một mẫu bánh mì, một hòn gạch đỏ chóng chọi giữa mùa đông giá lạnh ở thành phố Pa Ri nước Pháp, để kiên nhẫn tìm “vũ khí cách mạng”. Từ những bài báo Người cùng khổ, với tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp đã trở thành tiếng chuông lay thức, khích lệ yêu chuộng công lý và hòa bình của nhân loại trên toàn trái đất, đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức. Nguyễn Ái Quốc một trong người đầu tiên sáng lập Đảng cộng sản Pháp và hăng hái tham gia phong trào cộng sản quốc tế. Rồi một niềm vui vỡ òa, cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917) do vị lãnh tụ của giai cấp vô sản Lê Nin lãnh đạo đã giành thắng lợi huy hoàng. Ngai vàng của Nga Hoàng sụp đổ, chủ nghĩa phát xít Đức bị hồng quân Liên Xô tiêu diệt hoàn toàn. Đây là thời cơ thuận lợi nhất, đây là vận hội lớn, để chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc: “Đêm mơ nước ngày thấy hình của nước/Cây cỏ trong chiêm bao xanh biếc sắc quê nhà”. Giấc mơ ấy sắp biến thành hiện thực, khi Người đã bắt gặp “hạt giống đỏ” Chủ nghĩa Mác Lê Nin.
Hài nhi của Đảng mình bắt đầu từ đây, máu thịt của Đảng mình bắt đầu từ đây, linh hồn của Đảng mình từ đây, sức mạnh bão táp cách mạng bắt đầu từ đây.
Ngày 3/ 2/1930, Đảng cộng sản Việt Nam tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) chính thức được thành lập. Đảng đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đưa đường chỉ lối: Cách mạng Việt Nam phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, tiến hành chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Là con đường cách mạng duy nhất đúng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam được sinh thành, tác phẩm Đường cách mệnh và lý luận sắc bén Chủ nghĩa Mác Lê Nin, bắt đầu được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá dưới mọi hình thức ở trong nước và nước ngoài. Nhiều thanh niên yêu nước đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật đưa ra nước ngoài đào tạo bồi dưỡng, họ đã trở thành những người cộng sản ưu tú, những học trò xuất sắc nhất của Người như: Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ... Những người cộng sản này đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình, để cho Đảng cộng sản Việt Nam trường tồn và phát triển. Dầu biết mình phải hy sinh nhưng họ luôn vững tin ngày mai tươi sáng, ngày mai đất nước “sẽ nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
Cái chết những người cộng sản từ trong nhà lao ngục tù đế quốc, nó đã trở thành ánh chớp sáng lòa, thành tiếng sét kinh hoàng khiến quân thù khiếp sợ và run rẩy. Để từ đấy, hạt giống cách mạng nẩy mầm từ ruộng đồng, đến lò than, xưởng máy.
Mùa xuân năm 1941, cả núi rừng Tây Bắc rợp trắng hoa ban đón Bác Hồ về. Bác Hồ đã chọn hang Pác Bó, suối Lê Nin và dùng “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” để từ đây tổ chức Mặt trận Việt Minh và đội Tuyên truyền giải phóng quân ra đời.
Cách mạng đã thấm dần vào mỗi tế bào vào mỗi trái tim hồng của người dân Việt Nam yêu nước. Đảng cộng sản Việt Nam với chủ nghĩa Mác Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm “kim chỉ nam” cho mọi hành động đã trở thành một sức mạnh thiên thần, không gì lay chuyển nổi. Dẫu biết cách mạng là vô cùng gian khổ, người đi làm cách mạng có thể bị bắt bớ bị tù đày, có thể đối mặt với xiềng xích, gông cùm và máy chém, nhưng người cộng sản không bao giờ chùn bước, không bao giờ chồn chân mỏi gối trên con đường cách mạng. Từ những ngày đầu manh nha trứng nước, tổ chức Đảng đã hoạt động âm thầm bí mật, ánh dương của Đảng soi rọi vào tâm can tầng tầng lớp lớp. Vì sao người nông dân chân lấm tay bùn lại tin ở Đảng mình? Vì sao người công nhân cầm búa, cầm kìm trong xưởng máy lại tin ở Đảng mình? Vì sao những nhà khoa học và tri thức ở nước ngoải đang hưởng lương hàng trăm lạng vàng lại về cùng Đảng tham gia kháng chiến? Vì sao các nhà tư sản trong nước đã hiến hàng ngàn lượng vàng, ủng hộ Chính phủ Việt Minh. Không có gì đáng ngạc nhiên cả, bởi tất cả đã thấm sâu vào đáy dạ lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.
Vâng, một đất nước, có dòng máu bốn ngàn năm lịch sử, một đất nước mang trong mình khí chất Lý Thường Kiệt “Nam quốc sơn hà nam đế cư” thì nhân dân đất nước này không bao giờ chịu làm nô lệ. Cái vĩ đại nhất một dân tộc anh hùng, với đường lối quân sự thiên tài do Đảng lãnh đạo, với phương châm “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”. Đảng biết tập hợp sức mạnh nhân dân như thác đổ triều dâng mà làm nên Điện biên phủ - Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Lần đầu tiên, cả loài người khắp hành tinh phải kinh ngạc rằng: “Việt Nam một đất nước nhỏ bé đã đánh thắng một nước thực dân lớn và hiếu chiến”. Từ chiến thắng Điện Biên Phủ, thực dân Pháp thất bại ê chề và chiến tranh Đông dương kết thúc sau hội nghị Giơ-ne-vơ, nhưng đất nước hai miền vẫn chia cắt khi đế quốc Mỹ lại nối gót thực dân Pháp tiến hành xâm lược Việt Nam. Trong hoàn cảnh cam go này Đảng mình đã xác định hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc, làm hậu phương vững mạnh cho miền Nam “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Ba mươi năm “cả nước hành quân ra tuyến lửa” hàng triệu thanh niên, lớp cha trước lớp con sau, đáp lời Đảng gọi vượt Trường Sơn đi cứu nước để làm nên Đại thắng mùa xuân. Giang sơn thu về một mối, niềm khao khát được hưởng một nước tự do và độc lập đã rạng rỡ trong ánh mắt nụ cười mỗi người dân nước Việt bắt đầu từ ngày lịch sử huy hoàng 30/4/1975.
Thắng giặc rồi, Việt Nam muốn sánh vai với các cường quốc năm châu, đường lối mục tiêu chiến lược Đảng vạch cho hôm nay và cho ngày mai: “Dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đó là tâm nguyện lớn nhất của Bác Hồ kính yêu. Đảng cộng sản Việt Nam đang ra sức thực hiện theo tâm nguyện của Người, tư tưởng của Người.
Sau 35 năm đổi mới, từ đại hội trung ương Đảng lần thứ VI khởi xướng, Việt Nam từ xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam lại vang lên khúc hát tự hào trong sức chuyển mới của toàn dân tộc. Đất nước của những người dân từ “màu áo mới nâu non sáng chói” năm 1960 thế kỷ XX, đến mùa xuân năm 2022 thế kỷ XXI, hình ảnh Nông thôn mới ở xứ sở nào cũng đẹp như tranh với hạnh phúc ăn ngon, mặc đẹp, với con đường láng nhựa thênh thang, với những cánh đồng lúa bội thu, những cánh rừng xanh ngát, những vườn cây trĩu quả, với khát vọng của người dân khi được Đảng khuyến khích làm giàu.
Việt Nam đang cất cánh từ ý thức hành động của người dân, tạo nên một sự “đột phá” trong nông nghiệp. Việt Nam đang cất cánh, từ một nền công nghiệp “mở” sản xuất và phát triển theo xu hướng hiện đại. Mỗi năm kinh tế đất nước tăng trưởng gần 7% và bao nhiêu doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm thị trường Việt Nam, mở rộng hợp tác đẩu tư, đó là “tín hiệu xanh”.
Mặc dầu, năm từ năm 2020-2021, đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu, gây tác động không nhỏ đến nền kinh tế - văn hóa- xã hội ở nhiều địa phương trong cả nước. Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân dân đã nhất tế đứng lên, triệu người như một đồng lòng, chung sức để chiến thắng “kẻ thù dấu mặt” nguy hiểm này, trả lại cuộc sống bình yên cho mỗi người.
Công cuộc đổi mới và những thành tựu khoa học công nghệ đã thổi một luồng gió mới vào đời sống xã hội, tiềm năng văn hóa dân tộc được khẳng định, giá trị văn hóa được tỏa sáng, chúng ta càng thấm thía rằng Đảng chính là linh hồn máu thịt nhân dân. Nhân dân đoàn kết xung quanh Đảng, mới mang lại mùa xuân vĩnh hằng cho đất nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Tranh cổ động của HOÀNG HỮU TRÍ