Cơ hội hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc
Nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển cải thiện hiệu quả SX nông nghiệp, Chính phủ Hàn Quốc đã có chủ trương thực hiện Chương trình Nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc (gọi tắt là KOPIA).
Theo đó, Việt Nam đã được Hàn Quốc chọn là quốc gia đầu tiên để thực hiện chương trình này. Được sự đồng ý của Bộ NN-PTNT, năm 2009, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đã trở thành đối tác đầu tiên của Việt Nam ký biên bản ghi nhớ với Tổng cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc (RDA) về việc thành lập Trung tâm Nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam.
Năm 2019, nhân tròn 10 năm KOPIA Việt Nam hoạt động tại Việt Nam, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, GĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã có những trao đổi, đánh giá về kết quả nổi bật sau 10 năm triển khai hợp tác với KOPIA, cũng như định hướng cho giai đoạn tới.
Hàn Quốc có thế mạnh đối với nhiều loại rau ôn đới. Trong 10 năm triển khai hợp tác với KOPIA tại Việt Nam, một số giống rau ôn đới của Hàn Quốc đã được khảo nghiệm, khẳng định được sự phù hợp tại nước ta. Có lẽ đây cũng là kết quả nổi bật nhất trong quá trình hợp tác giữa VAAS và KOPIA trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc đưa những giống rau ôn đới này ra SX hiện vẫn có vẻ còn nhiều khó khăn, hạn chế, thưa ông?
Chúng ta đã khảo nghiệm và khẳng định được khả năng phù hợp của khá nhiều giống rau ôn đới của Hàn Quốc tại Việt Nam, trong đó nhiều giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận giống để đưa ra SX trên diện rộng như giống cải củ Song Jeong, giống ớt cay High Fly...
Đây là những giống có năng suất, chất lượng rất tốt, đặc biệt phù hợp cho SX vụ đông tại các tỉnh phía Bắc. Năm 2017, đã có thêm 7 giống rau được Bộ NN-PTNT công nhận, trong đó nổi bật là 2 giống dưa vàng, một giống cải bắp, 2 giống bí ngồi và một giống xà lách.
Những năm gần đây, VAAS đã chỉ đạo các đơn vị thành viên, nhất là Viện Nghiên cứu Rau quả mở rộng các mô hình tại các địa phương phía Bắc như Hà Nội, Sapa (Lào Cai), Hải Dương...
Tại Sapa, các giống rau Hàn Quốc như xà lách, cải củ có thể SX quanh năm, đã được nông dân mở rộng ra SX trên diện rộng và đã có sản phẩm khá lớn được SX theo chuỗi tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh thành.
Bên cạnh đó, 2 giống dưa vàng của Hàn Quốc đã khẳng định rất phù hợp với điều kiện khí hậu, đặc thù canh tác của nông dân Việt Nam, hiện đang phát triển rất tốt. Đây là các loại dưa vàng mà trước đây chúng ta vẫn phải NK từ Hàn Quốc, về bán tại thị trường Việt Nam với giá vô cùng đắt đỏ (lên tới 250-300 nghìn/kg).
Sau khi khảo nghiệm và cho khả năng thích ứng tốt tại nước ta, hiện nhiều nơi nông dân đã mở rộng ra SX trên diện rộng, hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, năng suất, chất lượng tốt.
Mặc dù vậy, đúng là nhìn chung thì các giống rau quả của Hàn Quốc thông qua chương trình hợp tác với KOPIA hiện chỉ đang dừng lại ở các mô hình nhỏ, rải rác, chưa hình thành được các vùng SX lớn có tính hàng hóa, đặc biệt là hướng tới XK.
Vậy thời gian tới, hướng đi nào trong khuôn khổ hợp tác với KOPIA để chúng ta có thể khai thác hiệu quả hơn những kết quả đã có, đồng thời tận dụng tiềm năng, triển vọng trong việc gắn với đẩy mạnh XK nông sản sang thị trường Hàn Quốc, thưa giáo sư?
Việt Nam có lợi thế rất lớn đối với nhiều mặt hàng nông sản để XK sang thị trường Hàn Quốc, đặc biệt là các mặt hàng trái cây nhiệt đới.
Kể cả với nhóm rau ôn đới, chúng ta vẫn có những lợi thế nhất định để có thể đẩy mạnh XK sang thị trường Hàn Quốc do Việt Nam có một mùa đông không quá khắc nghiệt như Hàn Quốc, điều kiện đất đai, nhân công dồi dào và giá rẻ... Mặc dù vậy hiện nay, tỉ trọng về kim ngạch XK nông sản của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc vẫn còn rất hạn chế.
Cụ thể, hiện mỗi năm Hàn Quốc phải NK tới 35 tỉ USD về nông sản các loại, song Việt Nam mới chỉ chiếm cơ cấu khoảng 6% tổng kim ngạch NK nông sản của Hàn Quốc (năm 2018).
Đối với chương trình hợp tác với KOPIA, giai đoạn tới, tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể vận dụng được cơ hội hợp tác trong khuôn khổ chương trình này để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động liên kết từ SX tới XK nông sản sang thị trường Hàn Quốc. Một số DN Hàn Quốc cũng đang xúc tiến liên kết, tổ chức SX nguyên liệu, đầu tư nhà máy chế biến ngay tại Việt Nam, sau đó XK sản phẩm về Hàn Quốc.
Trên cơ sở mối liên kết này, VAAS và KOPIA hoàn toàn có thể phối hợp nhằm đảm bảo hoàn thiện các quy trình kỹ thuật SX đảm bảo về chất lượng, mẫu mã cũng như các điều kiện về ATTP khi XK sang Hàn Quốc.
Hiện tại, đã có một DN Hàn Quốc đang trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau tại Hà Nội, liên kết với vùng rau tại Mê Linh để chuyên SX và chế biến các sản phẩm từ củ cải, trong đó có các giống củ cải do VAAS khảo nghiệm thành công trong khuôn khổ dự án KOPIA. Một số Cty tại Quảng Ninh, Hải Dương hiện nay cũng đã phân phối rất mạnh các giống rau của Hàn Quốc mà VAAS đã khảo nghiệm thành công, sẽ tiếp tục mở rộng diện tích...
Vì vậy trong tương lai, dư địa đầu tư của DN Hàn Quốc vào mảng rau, nhất là rau vụ đông tại ĐBSH có thể sẽ có nhiều đột phá.
“Với điều kiện bất lợi về đất đai, khí hậu, Hàn Quốc đang đặt chiến lược có tính tất yếu là đầu tư mạnh vào nông nghiệp thông minh, công nghệ 4.0.
Một trong các hướng trong nông nghiệp thông minh mà Hàn Quốc đang đẩy mạnh, đó là nông nghiệp chính xác, kiểm soát và điều tiết chính xác nhất đối với các quy trình canh tác, nhu cầu dinh dưỡng, điều kiện tự nhiên đối với cây trồng. Nông nghiệp chính xác cũng là một hướng trong nông nghiệp 4.0 mà nông nghiệp Việt Nam đang hướng tới.
Vì vậy, đây sẽ là cơ hội rất tốt để Việt Nam tranh thủ được sự hợp tác, hỗ trợ từ phía Hàn Quốc thông qua chương trình KOPIA tại Việt Nam trong giai đoạn tới” – GS.TS Nguyễn Hồng Sơn.
Hôm qua (26/9), Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam đã tổ chức tổng kết 10 năm triển khai Chương trình Nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam.
Theo ông Lee Ji Weon, đại diện cho Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc, trong 10 năm qua, trong khuôn khổ chương trình COPIA tại Việt Nam, đã có 19 dự án hợp tác về kỹ thuật nông nghiệp được thực hiện tại Việt Nam, trong đó có 14 dự án được triển khai phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam với tổng số vốn hỗ trợ trên 3,1 triệu USD.
Trong quá trình hợp tác về kỹ thuật nông nghiệp, hơn 200 cán bộ nghiên cứu của Việt Nam đã được tham gia học tập và tập huấn vễ kỹ thuật nông nghiệp tại Hàn Quốc. Đồng thời, 90 chuyên gia Hàn Quốc đã đến Việt Nam để hỗ trợ về kỹ thuật nông nghiệp ngay tại các địa phương triền khai các dự án.
Theo Lê Bền/Nông nghiệp Việt Nam
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo