Tin tức - Sự kiện

Đã chi trả hỗ trợ gần 15,8 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 68

Tính đến ngày 3/10, 379.610 lượt đơn vị sử dụng lao động, gần 18,68 triệu lượt người lao động đã nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP với tổng kinh phí gần 15,8 nghìn tỷ đồng.

Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng / Hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính học trực tuyến

Khoảng 18,68 triệu lượt người lao động đã nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 68.

Theo báo cáo từ Sở LĐTB&XH của 63 tỉnh, thành phố, tổng kinh phí đã hỗ trợ người lao động (NLĐ) người sử dụng lao động (NSDLĐ) theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 là gần 15,8 nghìn tỷ đồng; trên 19 triệu lượt đối tượng (trong đó gồm 379.610 lượt đơn vị sử dụng lao động, gần 18,68 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác) đã được thụ hưởng. Tại 25 tỉnh, thành phố miền Nam, tổng các chính sách hỗ trợ là trên 11,77 nghìn tỷ đồng (chiếm 75,1% toàn quốc) hỗ trợ trên 11,86 triệu đối tượng (chiếm 62,4% toàn quốc).

Riêng TP Hồ Chí Minh đã chi trên 5.992 tỷ đồng hỗ trợ gần 5,6 triệu đối tượng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Hà Nội (1.473 tỷ đồng), Bình Dương (1.436 tỷ đồng), Bà Rịa-Vũng Tàu (793,7 tỷ đồng), Đồng Nai (780,2 tỷ đồng), Bắc Giang (463 tỷ đồng), Bắc Ninh (224,5 tỷ đồng).

Về nhóm chính sách bảo hiểm, tổng kinh phí hỗ trợ 3 chính sách về bảo hiểm là gần 5,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 30,6% kinh phí dự kiến chính sách về bảo hiểm của Nghị quyết 68), hỗ trợ cho 378.690 đơn vị sử dụng lao động và trên 11,57 triệu người lao động. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho 378.060 đơn vị sử dụng lao động với gần 11,46 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.322 tỷ đồng.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã được thực hiện tại 54/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số 630 đơn vị sử dụng lao động và 113.444 người lao động, tổng kinh phí 777 tỷ đồng (chiếm 9,2% kinh phí dự kiến ban đầu của chính sách này).

Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, có 17 đơn vị sử dụng lao động đã đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 1.308 người lao động.

Đối với nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền là trên 10,24 nghìn tỷ đồng (nếu không tính kinh phí hỗ trợ lao động tự do và các đối tượng đặc thù, kinh phí đã chi trả tiền mặt chiếm 59,4% kinh phí dự kiến chính sách hỗ trợ bằng tiền của Nghị quyết 68), hỗ trợ gần 6,98 triệu đối tượng (trong đó trên 82,6% số đối tượng và 85,4% tổng kinh phí được hỗ trợ tại 25 tỉnh, thành phố miền Nam).

315.110 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại 60/63 tỉnh, thành phố trong cả nước được hỗ trợ với tổng số tiền trên 961,4 tỷ đồng (chiếm 129,6% kinh phí dự kiến ban đầu của chính sách này).

62.260 người lao động ngừng việc tại 47/63 tỉnh, thành phố được hỗ trợ gần 88,5 tỷ đồng (chiếm 79,5% kinh phí dự kiến ban đầu của chính sách này).

740 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động tại 35/63 tỉnh, thành phố được hỗ trợ trên 2,62 tỷ đồng (chiếm 0,7% kinh phí dự kiến ban đầu của chính sách này).

Ngoài ra, 4.045 người lao động mang thai và 79.680 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động nhận được hỗ trợ bổ sung với tổng kinh phí trên 83,7 tỷ đồng.

329.180 đối tượng F0, F1 đã được hỗ trợ tiền ăn với tổng kinh phí trên 265,6 tỷ đồng và 12.410 trẻ em là đối tượng F0, F1 được hỗ trợ bổ sung với mức 1 triệu đồng/trẻ em. Ngoài ra, nhiều địa phương đã quyết định sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ tiền ăn trong thời gian điều trị hoặc cách ly tập trung với nhóm đối tượng F0, F1.

1.380 đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV tại 43/63 tỉnh, thành phố được hỗ trợ kinh phí trên 5,1 tỷ đồng (chiếm 68,8% kinh phí dự kiến ban đầu của chính sách này).

4.510 hướng dẫn viên du lịch tại 50/63 tỉnh, thành phố được hỗ trợ kinh phí trên 16,5 tỷ đồng (chiếm 16,7% kinh phí dự kiến ban đầu của chính sách này).

128.360 hộ kinh doanh tại 59/63 tỉnh, thành phố được hỗ trợ với kinh phí trên 343 tỷ đồng (chiếm 38% kinh phí dự kiến ban đầu của chính sách này).

Về nhóm chính sách cho vay vốn, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, chính sách cho vay vốn để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất đã có hồ sơ của 927 lượt người sử dụng lao động và 132.400 lượt người lao động được phê duyệt với số kinh phí trên 466,4 tỷ đồng; đã giải ngân gần 462 tỷ đồng (chiếm 6,2% kinh phí dự kiến chính sách về vay vốn của Nghị quyết 68), hỗ trợ 922 lượt người sử dụng lao động để trả lương cho 132.400 lượt người lao động.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đưa đề xuất bỏ điều điện về nợ xấu vào tờ trình, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trình Chính phủ xem xét.

Lý giải về việc nhóm chính sách hỗ trợ vay vốn chưa phát huy hiệu quả, theo Bộ LĐTB&XH, chính sách này chưa có nhiều doanh nghiệp đón nhận, doanh nghiệp không mấy mặn mà làm hồ sơ vay vốn. Bởi lẽ, họ cho rằng, việc vay tiền để trả lương cho người lao động không phải là chính sách hỗ trợ tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, thủ tục vay vốn khá chặt chẽ dù đã được cắt giảm khá nhiều cũng khiến các doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận chính sách hỗ trợ này.

Do vậy, tại tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 68, Bộ LĐTB&XH đã đề nghị Chính phủ xem xét lược bỏ điều kiện về nợ xấu để tạo điều kiện cho người sử dụng lao động tiếp cận chính sách và đạt mục tiêu đề ra; góp phần hỗ trợ bảo đảm đời sống người lao động, hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và tác động nặng nề lên nhiều mặt của đời sống xã hội.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm