Tin tức - Sự kiện

Đà Nẵng: Đổi mới cách tiếp cận lịch sử và di sản văn hóa dân tộc cho giới trẻ

DNVN - Nhằm đổi mới cách tiếp cận lịch sử và di sản văn hóa dân tộc cho giới trẻ, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với Thành đoàn TP tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức lịch sử giai đoạn buổi đầu Đà Nẵng kháng Pháp 1858 - 1860 với chủ đề “Chân trần, chí thép” thông qua hình thức team building.

Đà Nẵng rà soát, thống kê quỹ đất tái định cư / Furama Resort Đà Nẵng được vinh danh “Khách sạn hội nghị tốt nhất Việt Nam 2023”

Nhân kỷ niệm 165 năm Đà Nẵng kháng Pháp (1858 - 2023), Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chuỗi hoạt động phong phú, đổi mới nhằm ôn lại quá khứ hào hùng và tuyên truyền, giáo dục về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, nhằm đổi mới cách tiếp cận lịch sử và di sản văn hóa dân tộc cho giới trẻ, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với Thành đoàn TP tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức lịch sử giai đoạn buổi đầu Đà Nẵng kháng Pháp 1858 - 1860 với chủ đề “Chân trần, chí thép” thông qua hình thức team building.

Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu cho các học sinh, sinh viên những hiện vật lịch sử liên quan đến sự kiện Đà Nẵng kháng Pháp 1858 - 1860.

Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu cho các học sinh, sinh viên những hiện vật lịch sử liên quan đến sự kiện Đà Nẵng kháng Pháp 1858 - 1860.

Theo đó, vào sáng ngày 25/8, sau lễ dâng hương tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, cuộc thi “Chân trần, chí thép” sẽ diễn ra tại các di tích có liên quan đến sự kiện Đà Nẵng kháng Pháp (1858 - 1860) với sự tham gia của 7 đội chơi đến từ các quận, huyện đoàn trên địa bàn TP. Cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc chân trần, chí thép” cũng diễn ra suốt thời gian tổ chức chương trình.

Tiếp đó, sáng ngày 30/8, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức tọa đàm khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858 - 1860)” nhằm nhìn nhận, đánh giá rõ ràng, cụ thể tình hình, thực trạng, vai trò và tầm quan trọng của các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858 - 1860) tại TP Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đó đề ra phương hướng, giải pháp khoa học bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản trong thời gian đến.

Triển lãm ảnh “Đà Nẵng buổi đầu kháng Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860) - Di sản còn lại với thời gian” tổ chức từ ngày 31/8 - 6/9 tại khu Di tích lịch sử quốc gia Nghĩa trủng Hòa Vang (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) sẽ giới thiệu đến công chúng khoảng 100 ảnh tư liệu liên quan đến sự kiện Đà Nẵng mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860).

Trong tháng 9/2023, Bảo tàng Đà Nẵng cũng phối hợp với các trường học trên địa bàn thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục chuyên đề “Đà Nẵng mở đầu mặt trận chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860)” như: Giờ học ngoại khóa, Ngược dòng ký ức, tham quan chuyên đề và xem phim tư liệu “Sóng cửa Hàn”.

Theo Bảo tàng Đà Nẵng, TP này là nơi đầu tiên liên quân Pháp và Tây Ban Nha nổ súng để thực hiện kế hoạch xâm chiếm toàn bộ Việt Nam vào thế kỷ XIX. Khi tấn công Đà Nẵng, liên quân Pháp và Tây Ban Nha cho rằng đây là mục tiêu dễ dàng nên thực hiện chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”. Tuy nhiên, thực tế ngược lại hoàn toàn với những suy đoán của đội quân xâm lược.

Tinh thần chiến đấu ngoan cường của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng và quân đội triều đình nhà Nguyễn với sự lãnh đạo tài tình của các vị tướng Đào Trí, Lê Đình Lý và đặc biệt là danh tướng Nguyễn Tri Phương đã khiến liên quân Pháp và Tây Ban Nha bị sa lầy trong cuộc chiến này suốt gần 19 tháng và phải rút đi trong thất bại.

Đây được xem là thắng lợi lớn và duy nhất của quân dân ta ở mặt trận Đà Nẵng trong hơn một phần tư thế kỷ chống xâm lược từ 1858 - 1884. Nhân dân Đà Nẵng trở thành những người đầu tiên, đại diện cho nhân dân cả nước kiên cường chống lại các thế lực xâm chiếm đến từ phương Tây hùng mạnh, đầy tham vọng với vũ khí, phương tiện hiện đại.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm