Đà Nẵng: Lần đầu tiên các tân giáo viên được tự chọn trường để dạy
Sự cuồng nhiệt bóng đá và đội tuyển U23 Việt Nam đang hừng hực tại các trường ĐH / Khánh Hòa nghiêm cấm may, bán quần áo cho học sinh đầu năm học
Sáng 30/8, tại trường THPT Phan Châu Trinh, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã gặp mặt và tổ chức cho các giáo viên trúng tuyển kỳ thi tuyển giáo viên trung học phổ thông (THPT) năm học 2018 – 2019 tự chọn đơn vị công tác theo thứ tự kết quả thi tuyển từ cao đến thấp của từng môn, theo từng khối (THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - TTGDTX).
Lần đầu tiên các tân giáo viên THPT ở Đà Nẵng được tự chọn đơn vị công tác theo thứ tự kết quả thi tuyển từ cao đến thấp của từng môn, theo từng khối (Ảnh: HC) |
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho hay, năm học 2018 – 2019, ngành GD-ĐT Đà Nẵng có 84 chỉ tiêu tuyển giáo viên THPT cho các trường đang thiếu giáo viên theo quy định. Có tổng cộng 519 giáo viên trong và ngoài TP Đà Nẵng tham dự kỳ thi tuyển, gồm các môn điều kiện như tin học, ngoại ngữ, kiến thức chung, chuyên ngành, soạn giáo án, thực hành…. Kết quả đã có 79 giáo viên trúng tuyển, trong đó có 25 giáo viên ngoại tỉnh.
Hiện bậc THPT trên địa bàn Đà Nẵng có 30 trường công lập, tư thục và 3 TTGDTX. Các cơ sở giáo dục của Đà Nẵng có ưu điểm là không có cơ sở nào quá xa. Các trường “xa” như Phạm Phú Thứ, Ông Ích Khiêm cũng chỉ cách trung tâm TP trên dưới 20km, đường xá đi lại thuận lợi chứ không có trường hợp nào giáo viên, học sinh phải đi hàng trăm km mới tới trường như ở Quảng Nam, Nghệ An…
Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh khẳng định đây là cách để "bịt các lỗ xin - cho" trong ngành giáo dục |
Sở GD-ĐT Đà Nẵng cung cấp cho mỗi thí sinh1 tờ giới thiệu vị trí các trường trên địa bàn TP và 01 tờ có các trường mà giáo viên sẽ được chọn theo bộ môn, theo khối |
“Sáng nay, Sở GD-ĐT Đà Nẵng tiến hành một việc có lạ hơn mọi năm. Các năm trước chúng tôi cố gắng phân công giáo viên về các trường gần nhà trên cơ sở hồ sơ đăng ký địa chỉ của các giáo viên. Nhưng dù cố gắng đến mấy cũng không thể vừa lòng hết tất cả mọi người. Vì vậy năm nay Sở để cho các giáo viên mới trúng tuyển tự chọn trường.
Theo thứ tự trúng tuyển từ cao đến thấp, ai cũng có quyền chọn, còn người cuối cùng thì được những người trước đó “chọn giùm” cho mình. Việc làm này cũng như nhiều việc khác nhằm thể hiện sự tự do, dân chủ trong ngành giáo dục, hạn chế việc xin – cho, việc thể hiện quyền lực ảo và đi thẳng vào các vấn đề cần thiết nhất!” – Ông Nguyễn Đình Vĩnh nhấn mạnh.
Các tân giáo viên nghiên cứu kỹ lưỡng thông tin do Sở GD-ĐT Đà Nẵng cung cấp... |
Sôi nổi trao đổi với nhau... |
thậm chí gọi điện tham khảo ý kiến của người thân trước khi quyết định chọn trường để dạy |
Tại buổi gặp mặt, mỗi tân giáo viên được dành thời gian để suy nghĩ, lựa chọn trường theo thứ tự trúng tuyển từ cao đến thấp của từng bộ môn, theo khối (THPT, TTGDTX). Nếu giáo viên vắng mặt vì bất kỳ lý do gì thì Sở GD-ĐT sẽ phân bổ vào các trường còn lại. Giáo viên vắng mặt mà có người thân đi thay thì người thân được chọn trường nếu có giấy tờ chứng minh mối quan hệ. Sau khi chọn trường, giáo viên không được đổi quyết định phân công công tác với nhau.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh cũng lưu ý, sau khi các giáo viên chọn trường, ngay chiều nay 30/8, Sở GD-ĐT Đà Nẵng sẽ tiến hành in ấn, đóng dấu các quyết định bổ nhiệm theo sự lựa chọn của các giáo viên. Sáng mai 31/8, các giáo viên tập trung lại tại trường THPT Phan Châu Trinh để nhận quyết định và đến trường nhận công tác ngay trong buổi chiều cùng ngày.
Tân giáo viên Nguyễn Tường Vi... |
và Trương Văn Lân đều đánh giá cao việc Sở GD-ĐT Đà Nẵng tổ chức cho họ được tự chọn trường |
Trao đổi với PV Infonet, cô giáo Nguyễn Tường Vi (quê ở TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) thổ lộ, do từ ngoại tỉnh đến, chưa thông thuộc địa bàn Đà Nẵng nên cô khá bỡ ngỡ. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT Đà Nẵng phát cho mỗi người 1 tờ giới thiệu vị trí các trường trên địa bàn TP và 01 tờ có các trường mà giáo viên sẽ được chọn theo bộ môn, theo khối đã giúp cô thuận lợi hơn trong việc chọn trường gần nơi mình ở.
“Tôi thấy việc tổ chức cho các giáo viên mới được chọn trường theo kết quả trúng tuyển như thế này rất đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của giáo viên” – Cô giáo Nguyễn Tường Vi nói, và cho biết mình chọn vào trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu), môn Ngữ văn.
Các tân giáo viên THPT chính thức đăng ký với Sở GD-ĐT Đà Nẵng về trường mà mình chọn lựa! |
Trong khi đó, tân giáo viên Trương Văn Lân (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cho biết mình chọn vào TTGDTX số 2 (trên đường Trần Cao Vân) và nhận xét: “Cách thức Sở GD-ĐT Đà Nẵng tổ chức lựa chọn nhiệm sở rất hợp lý, khoa học, phù hợp với nguyện vọng của các giáo viên mới ra trường, giúp chúng tôi có thể chọn được nơi công tác mà mình cảm thấy hợp lý nhất; có thông tin đầy đủ, cụ thể để chúng tôi có thể chọn về nơi mà mình ưng ý nhất!”.
Trao đổi thêm với PV Infonet về “hạn chế việc xin – cho, thể hiện quyền lực ảo” như vừa phát biểu với các giáo viên, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh nói: “Việc tổ chức cho giáo viên tự chọn trường là để bít bớt những “cái lỗ” xin – cho, và chúng tôi không muốn có sự xin – cho trong giáo dục. Cứ tưởng xin – cho là mình có quyền lực, nhưng thực ra đó là quyền lực ảo.
Ví dụ có mấy ông “ở trên” gửi người xuống, hoặc người thân, bạn cũ và đủ thứ mối quan hệ khác thì xử lý thế nào? Càng bịt được các lỗ xin – cho thì Giám đốc càng mạnh mẽ, thanh thản. Quan niệm của chúng tôi là như thế. Có người bảo chúng tôi cứ duy trì xin – cho để mình có quyền. Nhưng quyền gì mà quyền? Mấy ông “ở trên” mà gửi người xuống thì mình ăn không ngon, ngủ không yên, vì thu xếp cho người này thì lại không công bằng với người khác, lo đến rã người ra chứ quyền gì mà quyền!”.
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh