Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến trái chiều về tăng giờ làm thêm
Tại phần thảo luận ở hội trường để hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại phiên họp ngày 23/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, trong số những đề nghị giữ nguyên thời gian làm việc bình thường theo quy định hiện hành thì đáng chú ý là quan điểm của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) với lập luận đây là quy định phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế và rất nhân văn.
Theo quan điểm của đại biểu Vũ Tiến Lộc, quy định này là hợp lý, hợp tình bởi hầu hết quốc gia có trình độ phát triển tương tự và đang là đối thủ cạnh tranh (về kinh tế) với Việt Nam đều quy định thời gian làm việc là 48 giờ/tuần, Việt Nam vừa mới thoát khỏi ngưỡng nghèo và mới ở mức thu nhập trung bình, năng suất lao động thậm chí ở ngưỡng thấp nhất trong khu vực thì áp dụng thời gian lao động như các nước xung quanh là phù hợp. Thêm nữa, việc rút ngắn hơn nữa thời gian lao động sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh, gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, khó đưa đất nước thoát khỏi bẫy trung bình- nguy cơ lớn nhất trong tương lai của nền kinh tế quốc gia.
"Giảm thời gian lao động cũng làm giảm tiền lương và làm chậm lại kế hoạch tăng lương cho người lao động bởi vì tiền lương tối thiểu hiện tại đã được các bên nhất trí và Hội đồng tiền lương quốc gia đã thông qua với quy định mức lương tối thiểu cho tuần làm việc 48 giờ. Nếu bây giờ giảm xuống 40 hoặc 44 giờ chắc chắn sẽ phải tính toán lại mức lương này cho phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế", ĐBQH Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Về thời gian làm thêm, đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, ủng hộ phương án 2, nới rộng có chừng mực khung thỏa thuận thời giờ làm thêm. Theo đó, đối với một số ngành, nghề đặc biệt thì thời gian làm thêm sẽ không quá 400 giờ/năm.
"Đây là khung giờ để người sử dụng lao động và người lao động tự thỏa thuận với nhau. Người lao động có quyền lựa chọn làm thêm hoặc từ chối làm thêm và cũng chỉ giới hạn với rất ít ngành nghề đặc thù và ở lúc mùa vụ cao điểm", đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến.
Lý do để ủng hộ phương án này, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, thời gian làm thêm theo quy định hiện hành là không phù hợp với tính chất thời vụ của những ngành, nghề đặc thù. Như đối với ngành thủy sản, mà tôm là một ví dụ điển hình, nguồn cung ứng nguyên liệu chỉ nhiều nhất trong khoảng 3 đến 5 tháng. Và đây là khoảng thời gian các doanh nghiệp chế biến cần làm thêm giờ để có thể thu mua hết sản phẩm của nông dân.
"Chuỗi giá trị của ngành thủy sản không chỉ liên quan tới 9 vạn lao động trực tiếp của các doanh nghiệp chế biến mà còn liên quan tới công ăn việc làm của gần 5 triệu lao động toàn ngành. Việc không nới rộng thời gian làm thêm của doanh nghiệp chế biến sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu hộ nông dân, doanh nghiệp và người lao động tại những vùng còn rất nghèo của đất nước. Bức tranh tương tự cũng diễn ra trong các ngành dệt may, da giày, túi xách…", đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết.
Trước ý kiến được đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu ra, đại biểu Nguyễn Thị Quyết tâm (Đoàn TP.HCM) bày tỏ quan điểm không tán thành khi cho rằng duy trì giờ làm bình thường 48 giờ/tuần và tăng giờ làm thêm lên đến 400 giờ/năm là nhân văn, hợp lý và tự nguyện.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, rất bất ngờ với nhận định này của đại biểu Vũ Tiến Lộc vì đã nghe rất nhiều công nhân và người làm công tác công đoàn khẳng định người công nhân không muốn làm thêm giờ dù thực tế doanh nghiệp cần làm thêm giờ.
"Không biết đại biểu Lộc nghe từ đâu để nói chính sách này nếu được Quốc hội thông qua sẽ là nhân văn và tự nguyện? Cần phải trả lời câu hỏi vì sao công nhân cần làm thêm giờ mà câu hỏi đó là dễ trả lời, là vì tiền lương, thu nhập hiện nay của người công nhân quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Hãy nhìn vào cuộc sống thực tế của người công nhân, nhìn vào dáng vẻ của người công nhân, tâm thế của người công nhân khi đến làm việc. Hãy nhìn vào những đứa trẻ mà cha mẹ của họ phải gửi về quê", đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nghẹn lời khi nêu ý kiến tại nghị trường.
"Đại biểu khi phát biểu có nghĩ đến những quy định của Hiến pháp quy định quyền con người thế nào không. Hãy nghĩ đến trách nhiệm của người sử dụng lao động, không chỉ trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn tình người với người lao động nữa", đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phản biện ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất hai phương án. Phương án 1: Giữ nguyên khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như hiện nay, nhưng ghi rõ nâng thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm để người lao động biết, làm cơ sở cho việc giám sát tuân thủ, bảo vệ được quyền lợi, sức khỏe của người lao động.
Phương án 2: Nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa trong một năm từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ. Quy định theo phương án này không khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng nhưng Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm, đánh giá tác động và bổ sung quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ kể từ giờ thứ 201 hoặc từ giờ thứ 301 trở đi.
Trong chiều 23/10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về vấn đề này cũng như các nội dung lớn trong Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo Chương trình, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) vào ngày 20/11.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Sun Life nhận giải dịch vụ khách hàng tốt nhất
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024