Tin tức - Sự kiện

ĐBQH đề nghị sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào năm 2022

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào năm 2022.

Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV / Ông Vương Đình Huệ tái đắc cử Chủ tịch Quốc hội

Thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 chiều 21/7, việc xây dựng Luật Đất đai sửa đổi thu hút sự quan tâm của các đại biểu với nhiều ý kiến khác nhau.

Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum
Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum

Theo đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum, Luật Đất đai đang được cử tri và nhân dân quan tâm. Chính phủ đề nghị cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3 năm 2022 và thông qua vào kỳ họp thứ 4 năm 2022, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. Đólà sự thận trọng có cơ sở bởi tính phức tạp và nội dung rộng lớn của vấn đề.

Trên thực tế, việc quản lý, sử dụng đất đai cho thấy đất đai chưa trở thành nguồn lực lớn, chưa được sử dụng tốt để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tiêu cực sai phạm xảy ra trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai ở nhiều địa phương trong quá trình giao đất thu hồi đất…

“Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội mặc dù cho quan điểm mở là trong quá trình chuẩn bị, nếu chất lượng tốt và tiến độ nhanh hơn, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh tiến độ thông qua theo quy trình 2 kỳ họp. Tôi khẳng định là cần thông qua 3 kỳ họp, bởi tính phức tạp cả về lý luận và thực tiễn của vấn đề sở hữu và vấn đề quản lý, sử dụng đất đai”, đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, đoàn Kiên Giang lại cho rằng còn tình trạng kéo dài thời gian xây dựng một dự án luật hết sức cấp bách theo phản ánh của cử tri và chính quyền địa phương, đó là Luật Đất đai.

“Luật Đất đai đã được đưa vào chương trình nhiều năm trước đây của Quốc hội khóa XIV, song cũng nhiều lần xin lùi thời gian để Chính phủ nghiên cứu thêm và đến giờ phút này, Luật Đất đai vẫn chưa được sửa đổi”, nữ đại biểu nêu rõ.

Chương trình năm 2022, Quốc hội đã đưa dự án Luật Đất đai sửa đổi được thông qua tại 3 kỳ họp, song theo nữ đại biểu đoàn Kiên Giang như vậy đến giữa năm 2023, dự án luật này mới được thông qua và đầu năm 2024 mới có hiệu lực thi hành.

“Thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực thi hành thì cũng phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành luật, từ đó dẫn đến có thể kéo dài đến cuối nhiệm kỳ luật mới đi vào cuộc sống. Trong khi Luật Đất đai hết sức cần thiết sửa đổi để sớm giải quyết nhiều cái bất cập trong quản lý đất đai trong việc đảm bảo quyền sử dụng tài sản, đất đai của công dân và nhiều vấn đề bất cập khác”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nêu rõ.

“Tôi đề nghị nên đưa dự án Luật Đất đai sửa đổi vào kỳ họp cuối của năm 2021 để tiến độ hoàn thành việc sửa đổi luật sớm hơn. Theo nội dung mà tôi nắm được, Bộ Tư pháp đã có tờ trình gửi Quốc hội và cũng đã có nhận xét đánh giá, sự chuẩn bị của cơ quan tham mưu trình dự án luật này đã chuẩn bị khá tốt đủ điều kiện để đưa ra Quốc hội. Tôi nghĩ các cơ quan có liên quan cần phải cố gắng thêm một chút nữa để sớm đưa dự án luật trình ra Quốc hội sửa đổi kịp thời giải quyết nhiều vấn đề bất cập trong quản lý đất đai hiện nay”, nữ đại biểu kiến nghị.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào năm 2022.
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào năm 2022.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Xuân Thân, đoàn Khánh Hòa cũng thống nhất với dự báo và nhận định của Ủy ban thường vụ Quốc hội và thẩm định của Ủy ban Pháp luật thông quan Luật Đất đai sửa đổi trong 3 kỳ họp.

Song, đại biểu đoàn Khánh Hòa cũng kiến nghị giao cho Chính phủ và các bộ, ngành và các đơn vị là phối hợp làm thế nào để cuối năm 2022 có thể ban hành được Luật Đất đai sửa đổi.

“Có như vậy mới thể hiện sự quyết tâm của Quốc hội và các cơ quan làm luật của mình đối với vấn đề rất nóng bỏng và rất cần phải sửa đổi sớm”, đại biểu Lê Xuân Thân nhấn mạnh.

Tranh luận ý kiến về việc sửa đổi Luật Đất đai, đại biểu Nguyễn Văn Thân, đoàn Thái Bình bày tỏ, trên thị trường bất động sản hiện nay, giá tăng rất kinh khủng, thậm chí có thể dẫn đến khủng hoảng về bất động sản.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thân, bất động sản biến động mạnh là bất động sản để ở, còn bất động sản về du lịch thì đang xuống mạnh. Lý dó là hiện nay tại tất cả địa phương, nhiều công trình của các doanh nghiệp đã giải tỏa, đền bù rồi nhưng vướng về Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, họ không thể xử lý được.

“Các chủ doanh nghiệp, các địa phương đều trả lời việc chậm trễ các công trình là do vướng Luật Đất đai. Nếu chúng ta kéo dài đến kỳ họp thứ 4 mới đưa ra Luật Đất đai, sẽ có hàng trăm nghìn tỷ đồng sẽ ứ đọng và doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng rất nguy hiểm. Tôi đề nghị Quốc hội cần đưa ra Nghị quyết tập trung vào vấn đề này để giải tỏa vấn đề bức xúc trong địa phương, doanh nghiệp, người dân”, đại biểu đoàn Thái Bình đề xuất.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm