Đề xuất tăng lương hưu 8% từ 1/7/2024
"Nhảy việc" đầu năm: Nên hay không? / Đơn giản hóa một số thủ tục về kinh doanh vận chuyển hàng không
Báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, tính đến tháng 12/2023, cả nước có gần 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức (không bao gồm khối lực lượng vũ trang) đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong số này, 80% là hưởng lương từ ngân sách và 20% hưởng lương tại đơn vị tự chủ một phần, toàn phần.
Khi đánh giá tác động của chính sách tiền lương mới đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, BHXH Việt Nam cho hay tiền lương bình quân tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 6,936 triệu đồng/tháng.
BHXH Việt Nam dự kiến từ 1/7/2024 tăng mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bình quân thêm khoảng 54,89% và tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội là 25%.
Bên cạnh đó, đến tháng 12/2023, có 88.137 người hoạt động không chuyên trách cấp xã đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tiền lương bình quân tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của nhóm này là 1,8 triệu đồng/tháng.
Từ thực tế trên, BHXH Việt Nam dự kiến từ 1/7/2024 tăng mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bình quân thêm khoảng 54,89% và tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội là 25%. Khi áp dụng mức tăng mới, số tiền thu bảo hiểm xã hội tăng thêm trong 1 năm là 31.728 tỷ đồng.
BHXH Việt Nam cho rằng, với cách tính mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần theo đề xuất, bình quân 5 năm mức lương hưu của người lao động tăng khoảng 1,5% (chưa tính đến yếu tố trượt giá).
Đồng thời, lương hưu của người nghỉ sau ngày 1/7/2024 chỉ tăng 0,13% so với người nghỉ hưu tháng 6/2024.
Thực tế, mức điều chỉnh lương hưu tại năm 2004, 2005 chỉ khoảng 10% (thời điểm thay đổi thang bảng lương toàn diện của người lao động trong khu vực nhà nước).
Cùng với việc xét yếu tố trượt giá vào điều chỉnh lương hưu và tăng trưởng kinh tế năm 2023 (theo quy định tại Điều 57 Luật BHXH năm 2014), BHXH Việt Nam đề xuất mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7/2024 khoảng 8% là phù hợp.
Đề xuất trên căn cứ mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 là 3,25% và tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 5,05%.
BHXH Việt Nam cho rằng, điều này sẽ giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương và người hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2024 trở đi.
Với mức điều chỉnh đề xuất 8%, dự kiến 6 tháng cuối năm nay, kinh phí thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngân sách nhà nước tăng khoảng 1.900 tỷ đồng.
Trường hợp điều chỉnh bổ sung đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng sau khi điều chỉnh theo mức 8% dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì kinh phí tăng thêm khoảng 50 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kinh phí điều chỉnh của Quỹ bảo hiểm xã hội tăng khoảng 6.900 tỷ đồng (chưa bao gồm mức trích đóng bảo hiểm y tế).
Trước đó, trong phiên họp đầu năm mới, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho rằng, cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh lương hưu. Tiền lương của công chức, viên chức khi cải cách tăng 23,5%, ít nhất lương hưu phải tăng 15%.
Khoản 1, Điều 62, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần.
Theo đó, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này, tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:
Tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 55
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi