Đồng bằng sông Cửu Long: Lúa gạo rớt giá, nông dân lao đao
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo trong quý I/2019 sẽ tăng nhẹ.
Đặc biệt, Phillipines gỡ bỏ chính sách hạn chế nhập khẩu, đã có 166 công ty của Phillipines nộp đơn xin mua 1 triệu tấn gạo, trong đó có nhiều đơn hàng mua gạo Việt Nam. Theo chính sách mới của Phillipines, tất cả gạo nhập khẩu sẽ được đánh thuế ở mức 35% nếu có nguồn gốc từ ASEAN và 50% với các nước ngoài ASEAN.
Các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào thời điểmthu hoạch lúa Đông Xuân, nhưng giá lúa đang có xu hướng giảm hơn 1.000 đồng/kg so với vụ Đông xuân năm ngoái.
Giá lúa gạo chất lượng cao cũng giảm mạnh. Lúa chất lượng cao RVT năm ngoái có giá 8.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ còn 5.500 đồng/kg, các giống lúa chất lượng cao khác như: ST, Đài Thơm… cũng giảm khoảng 2.000 đồng/kg.
Ngày 13/2, lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ đã có cuộc họp với các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo và 13 ngân hàng (có chi nhánh tại Cần Thơ) để bàn giải pháp, kế hoạch hỗ trợ người dân.
Theo các doanh nghiệp lớn đang thu mua lúa tại Cần Thơ, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng rất khó khăn, khiến cho việc thu mua xuất khẩu gặp trở ngại. Đồng thời, doanh nghiệpthiếu thông tin về thị trường lớn là Trung Quốc, khi nước này thường xuyên thay đổi về chính sách và kiểm soát chặt hơn về chất lượng gạo.
Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, hiện giá lúa trên thị trường đang có chiều hướng giảm từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg (so với đầu tháng 1-2019) và có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới khi bước vào thu hoạch rộ.
Hầu hết, nông dân rơi vào tình trạng đến gần ngày thu hoạch nhưng vẫn chưa bán được lúa. Trong khi đó, vụ đông xuân 2017-2018, trước thời điểm thu hoạch 15 ngày, thậm chí 1 tháng, thương lái đã đặt tiền cọc mua lúa của nông dân. Ngoài ra, giá lúa giảm còn do một số doanh nghiệp lớn chưa ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo với đối tác bên ngoài.
Điển hình Tổng Công ty Lương thực miền Nam và miền Bắc chưa ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo dẫn đến Công ty Lương thực miền Nam chưa tổ chức thu mua lúa; Công ty Lương thực miền Bắc chưa có kế hoạch hợp tác với doanh nghiệp ở TP Cần Thơ trong việc thu mua lúa…
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, nhận định: “Hằng năm, các ngân hàng thương mại cấp định mức cho vay đối với các doanh nghiệp theo hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết. Nhưng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa ký kết hợp đồng xuất khẩu nên kế hoạch giải ngân của các ngân hàng hạn chế và bị cắt giảm hạn mức cho vay, gây khó khăn trong việc thu mua lúa.
Vấn đề quan trọng cần giải quyết là tăng cường nguồn vốn cho doanh nghiệp để tiến hành thu mua lúa trong dân, hạn chế tình trạng sụt giảm giá lúa, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân…”.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, năm 2019, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều thách thức do các chính sách tăng thuế đối với mặt hàng gạo, thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đẩy mạnh chính ngạch và những thay đổi về tổ chức quản lý bên phía Trung Quốc.
Nếu không có tháo gỡ vốn vay từ ngân hàng để các doanh nghiệp hỗ trợ thu mua cho nông dân thì giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long mới có thể hồi phục.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
5 triệu USD hỗ trợ Việt Nam phát triển đô thị bền vững
Tài năng 'nhí' trượt băng tốc độ Bảo Chi làm đại sứ truyền thông Amazfit Active
Vốn FDI là cơ hội nhưng không phải động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình
Siêu lợi nhuận từ đa dạng hóa sản phẩm từ sen
Cơ cấu lại kinh tế vùng Đông Nam Bộ theo hướng hiện đại