Du lịch và thương hiệu nông sản - Bài 1: Sen hồng, dừa xanh thành sản phẩm kinh tế du lịch
Kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu: Bài 3 - Ứng phó khẩn cấp cho mọi tình huống / Kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu - Bài cuối: Kinh nghiệm quy hoạch Tokyo sau động đất
Phóng viên TTXVN phản ánh nội dung này qua hai bài viết với chủ đề: Phát triển du lịch gắn thương hiệu nông sản tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Bài 1: Sen hồng, dừa xanh thành sản phẩm kinh tế du lịch
Nhiều năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, thủy sản và trái cây lớn nhất cả nước. Từ thế mạnh này, nhiều địa phương phát triển ngành hàng nông sản chủ lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, tạo màu sắc riêng trong bức tranh chung của du lịch toàn vùng.
Từ thế mạnh các ngành hàng chủ lực...
Về Đồng bằng sông Cửu Long, nhắc đến địa danh Đồng Tháp, người dân và du khách thường nghĩ ngay tới các nông sản nổi tiếng sen hồng Đồng Tháp, làng hoa Sa Đéc, xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, cá tra Hồng Ngự. Trong khi đó, nói tới Bến Tre là nói đến “xứ Dừa” với những vườn dừa xanh mát cho trái ngọt lành. Cùng ở duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, tỉnh Trà Vinh lại nổi tiếng với đặc sản dừa sáp cho trái có vị thơm, sánh, dẻo. Ở cực Nam trên đất liền Tổ quốc, tỉnh Cà Mau được biết đến với nhiều đặc sản, ẩm thực được chế biến từ nông sản mang thương hiệu tôm, cua Cà Mau nổi tiếng. Đây cũng chính là các mặt hàng nông sản, thủy sản được các địa phương trong vùng xác định chiến lược phát triển theo định hướng ngành hàng chủ lực.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết, sen là một trong những ngành hàng nông sản chủ lực của Đồng Tháp, phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị trên thị trường; đồng thời tạo cảnh quan, phát triển sản phẩm đặc thù cho kinh tế du lịch.
Tại Đồng Tháp, vùng trồng sen tập trung ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành với tổng diện tích khoảng trên 1.800 ha. Đồng Tháp có trên 100 sản phẩm được chế biến từ sen; trong đó gần 60 sản phẩm đã được gắn sao OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và nhiều sản phẩm tiềm năng từ sen bước đầu được người dân và du khách biết đến như: tranh từ sen, sách từ sen, nước hoa sen, son sen, xà bông sen, nhang sen, nón lá sen, giấy sen, vải tơ sen...
Bên cạnh sen, Đồng Tháp có nhiều ngành hàng nông sản chủ lực khác như hoa kiểng, xoài, cá tra. Thông tin từ UBND thành phố Sa Đéc, xuất phát từ làng nghề truyền thống 100 năm tuổi, hiện nay, hoa kiểng Sa Đéc không chỉ mang thương hiệu của một ngành hàng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần làm nên sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn.
Cùng ở Đồng bằng sông Cửu Long, với tỉnh Bến Tre, dừa từ lâu đã là loại cây trồng truyền thống không chỉ gắn với hoạt động sản xuất nông sản, xuất khẩu mà còn trở thành thương hiệu đầy tự hào “người và đất xứ Dừa”. Hiện nay, dừa là một trong các cây công nghiệp chủ lực của địa phương với tổng diện tích toàn tỉnh gần 80.000 ha, chiếm khoảng 40% diện trích trồng dừa trong cả nước. Bến Tre đã xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm dừa; trong đó có các chuỗi sản phẩm, dịch vụ gắn kết với hoạt động du lịch, thu hút mỗi năm khoảng trên 2,2 triệu lượt du khách.
Xuôi theo phía hạ lưu giữa sông Tiền và sông Hậu là tỉnh Trà Vinh - nơi có đặc sản dừa sáp nổi tiếng. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho hay, cây dừa sáp có mặt trên đất Trà Vinh từ 100 năm nay (còn gọi là dừa đặc ruột, dừa kem). Trái dừa sáp từ lâu đã được xem là loại trái cây quý, hiếm, chỉ có ở Trà Vinh. Hiện tỉnh có khoảng 1.240 ha dừa sáp, tập trung chủ yếu ở huyện Cầu Kè và rải rác ở các huyện Tiểu Cần, Châu Thành, Càng Long, Trà Cú, thành phố Trà Vinh.
... đến sản phẩm du lịch đặc thù
Sự phát triển của nhiều ngành hàng chủ lực ở các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước lượng lớn lương thực, trái cây, thủy sản mà còn góp phần mang đến cho vùng đồng bằng này nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu, thương hiệu sen hồng Đồng Tháp đã được gắn kết với phát triển du lịch, thể hiện qua nhiều sản phẩm trải nghiệm như: dạo cung đường sen, đi giữa mùa sen - Tràm Chim, tham quan đồng sen, hái sen, đánh bắt cá trên đồng sen, chế biến món ăn từ sen, tiệc buffet sen, làm nón lá sen, túi lá sen... Hiện, tỉnh đang triển khai Đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó định hướng xuyên suốt là tiếp tục phát triển, phát huy thương hiệu du lịch Đồng Tháp “Thuần khiết như hồn sen” ngày càng sâu sắc, toàn diện.
Cũng ở Đồng Tháp, các sản phẩm du lịch từ ngành hàng hoa kiểng đang được khai thác, mở thêm nhiều cơ hội thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và phát triển đa dạng sản phẩm du lịch. Tại làng hoa Sa Đéc - nơi phát triển mạnh nghề trồng hoa, cây kiểng đã có có 22 điểm du lịch cộng đồng gắn với các vườn hoa, cây kiểng đặc sắc như: Vườn hồng Tư Tôn, khu du lịch Happy land Hùng Thy, điểm tham quan đài ngắm hoa - vườn hoa kiểng Ngọc Lan, cánh đồng Hoa Hồng, homestay Ngôi nhà Hoa và Ếch, Sa nhiên Garden.
Cùng với đó, thành phố Sa Đéc đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm và định kỳ tổ chức các sự kiện, lễ hội, tuần lễ văn hóa kết hợp với quảng bá hoạt động ẩm thực đa dạng từ làng nghề hoa, cây kiểng, làng nghề sản xuất bột, đưa thành phố bên dòng Sa Giang trở thành điểm đến nổi bật của du lịch Đồng Tháp.
Với Bến Tre, người dân khai thác những lợi ích của cây dừa để phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế du lịch, góp phần khẳng định điểm đến du lịch mang thương hiệu "xứ Dừa". Ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch C2T chia sẻ, các sản phẩm du lịch nổi bật ở Bến Tre là du lịch sinh thái gắn với những vườn dừa trên các cù lao, tìm hiểu đời sống người dân xứ Dừa, tham quan làng nghề, cơ sở sản xuất gắn với chế biến các sản phẩm liên quan đến dừa (như: làm kẹo dừa, mứt dừa, bánh tráng dừa và nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ). Mới đây, Công ty Truyền thông và Du lịch C2T giới thiệu đến du khách tour “Du lịch xanh Net-zero”. Với tour này, du khách được tìm hiểu, tham gia nhiều hoạt động bảo vệ môi trường như: trồng cây xanh, tìm hiểu lượng hấp thụ carbon của mỗi cây dừa, sử dụng các sản phẩm, vật dụng thân thiện môi trường, đi tham quan bằng xe đạp, hạn chế gây ô nhiễm môi trường...
Trong khi đó, với tỉnh Trà Vinh, một trong các hoạt động du lịch, văn hóa, xúc tiến thương mại nổi bật là Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội năm 2024 được tổ chức vào cuối tháng 8. Theo ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, hiện nay, huyện Cầu Kè là nơi tập trung phần lớn diện tích trồng dừa sáp của tỉnh. Các sản phẩm du lịch tham quan di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu như thăm Khu tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út (Út Tịch), các điểm đến du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, tìm hiểu nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực gắn với trái dừa sáp... đang tạo sự khác biệt, hấp dẫn cho du lịch huyện Cầu Kè nói riêng, du lịch tỉnh Trà Vinh nói chung.
Bài cuối: Khai thác theo chiều sâu, gia tăng trải nghiệm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 55
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi