EU sẵn sàng hỗ trợ người Việt tại châu Âu ứng phó với dịch COVID-19
Hình ảnh lạ thường của Đà Lạt bình yên những ngày vắng bóng du khách / Việt Nam không phân biệt đối xử trong điều chỉnh quy định nhập cảnh phòng chống COVID-19
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) đã ban bố lệnh đóng cửa biên giới với bên ngoài khối, kéo dài 30 ngày. Theo đó, người dân đến từ các nước ngoài EU bị cấm nhập cảnh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, EU vẫn sẵn sàng hỗ trợ người nước ngoài gặp khó khăn do lệnh đóng cửa biên giới. Đây là khẳng định của ông Giorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - trong cuộc trao đổi với phóng viên Chuyển động 24h trong chiều nay (20/3).
Phóng viên: Thưa đại sứ, việc châu Âu đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại gây ảnh hưởng tới người nước ngoài, trong đó có người Việt Nam ở châu Âu, như thế nào?
Ông Giorgio Aliberti: Quyết định này được đưa ra bởi chính phủ châu Âu và áp dụng với tất cả người nước ngoài sinh sống lâu dài hay ngắn hạn tại châu Âu. Đối với những người có thẻ cư trú/Visa dài hạn, chỉ cần tuân thủ đúng các chỉ dẫn của giới chức: ở nhà, không ra ngoài, ngoại trừ những lúc cần như khi đi mua sắm hoặc đến hiệu thuốc… Bất kể nước ngoài có Visa còn hiệu lực, chẳng hạn như du học sinh hay khách du lịch Việt Nam, đều có thể tiếp tục ở lại châu Âu và nhận được sự hỗ trợ y tế nếu cần thiết. Tuy nhiên, tôi biết rằng cũng có nhiều người đã cố gắng rời châu Âu để về Việt Nam.
Phóng viên: Hiện đang có một số trường hợp cố gắng rời châu Âu về Viêt Nam nhưng bị mắc kẹt tại sân bay do một số hãng hàng không bất ngờ huỷ chuyến bay về Việt Nam. Đối với những trường hợp này, giới chức châu Âu có động thái gì không, thưa đại sứ?
Ông Giorgio Aliberti: Những trường hợp này có thể xảy ra ở bất kỳ đâu. Điều quan trọng những người này cần làm ngay là liên hệ với đại lý phòng vé, tìm những chuyến bay khác để bay về. Còn nếu như không còn cách nào khác, họ nên liên lạc với đại sứ quán Việt Nam và tìm cách giải quyết. Cũng giống như việc chúng tôi sẽ phải làm nếu người dân châu Âu muốn quay trở về nước. Tôi hiểu hoàn cảnh này là khó khăn nhưng tất cả chúng ta đều "trên cùng một con thuyền". Còn nếu như bạn có thẻ cư trú tại châu Âu thì tôi khuyên bạn nên ở lại. Vì bây giờ ở lại châu Âu an toàn hơn nhiều việc bạn ra sân bay.
Phóng viên: Có thông tin là một số trường hợp người gốc Á bị kỳ thị tại châu Âu vì dịch COVID-19. Trong thời điểm này, EU đang tăng cường các giải pháp như thế nào để đảm bảo sự an toàn cho người nước ngoài, đặc biệt là người dân châu Á tại châu Âu, thưa đại sứ?
Ông Giorgio Aliberti: Tôi lấy làm tiếc bởi những hành động sai trái này xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, châu Âu có luật rõ ràng nghiêm cấm các hành động kỳ thị hay phân biệt chủng tộc. Lực lượng cảnh sát của chúng tôi tại châu Âu sẽ đảm bảo thi hành các biện pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng này diễn ra. Công dân Việt Nam có thể yên tâm sinh sống tại châu Âu. Đối với những người nước ngoài, trong đó có người Việt Nam, khi bị bệnh đều có thể tới các bệnh viện và hưởng các dịch vụ y tế công tại châu Âu. Trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo mọi công dân đều được an toàn.
Phóng viên: Cảm ơn ngài đại sứ đã tham gia cuộc phỏng vấn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo