Tin tức - Sự kiện

FPT Quy Nhơn: Viết tiếp lời hẹn tháng Tư bằng trái tim thế hệ trẻ

DNVN – Hơn cả một tiết học ngoại khoá, chương trình “Miền kí ức đỏ: Màu đỏ tháng Tư – lời hẹn của lịch sử!” của Trường THPT FPT Quy Nhơn đã tạo cầu nối cảm xúc giữa quá khứ và hiện tại, giữa chiến tranh và hòa bình, thấm thía hơn cái giá của nền độc lập, tự do dân tộc.

Công an Bình Định: Bảo đảm an toàn cho người dân, du khách trong ngày kỷ niệm lớn / Trình UNESCO vinh danh di sản võ cổ truyền Bình Định

Kết nối cảm xúc

Trung tuần tháng 4, trong không khí cả nước hân hoan chào mừng kỉ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Trường THPT FPT Quy Nhơn (Bình Định) lần đầu tổ chức chương trình “Miền kí ức đỏ: Màu đỏ tháng Tư – lời hẹn của lịch sử!”, để tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Cô trò Trường THPT FPT Quy Nhơn chào đón các chứng nhân lịch sử đến giao lưu và xem phim Địa đạo.

Cô, trò Trường THPT FPT Quy Nhơn chào đón các chứng nhân lịch sử đến giao lưu và xem phim "Địa đạo".

Diễn ra tại rạp chiếu phim Starlight Quy Nhơn, hơn 300 học sinh khối lớp 11 và 12 Trường THPT FPT Quy Nhơn đã giao lưu với các chứng nhân lịch sử - những người đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu khắp các chiến trường và xem phim “Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Phần giao lưu diễn ra giản dị nhưng đầy trang trọng, khi các cựu chiến binh – những nhân chứng sống của một thời đạn bom – xuất hiện trong bộ quân phục đã sờn màu thời gian. Mỗi nếp nhăn trên gương mặt, mỗi ánh nhìn trầm mặc đều chất chứa những kí ức vẫn còn vẹn nguyên.

Cựu chiến binh Ngô Văn Bình đã kể lại những kỉ niệm không thể nào quên trong chiến tranh như những lát cắt kí ức đau đáu, vừa khốc liệt, vừa thiêng liêng, khắc sâu trong tâm trí những người đã từng đi qua lửa đạn, trao truyền cho thế hệ sau như một thông điệp về lòng yêu nước, sự hi sinh và niềm tự hào bất diệt.

Các cựu chiến binh chia sẻ những kỉ niệm không thể nào quên trong kháng chiến.

Các cựu chiến binh chia sẻ với các em học sinh về những kỉ niệm không thể nào quên trong kháng chiến.

Không ít học sinh đã rưng rưng xúc động khi nghe bác Hồ Xuân Cường – cựu chiến binh từng chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị, kể về khoảnh khắc phải chia tay đồng đội giữa trận bom B52, chỉ trong chớp mắt đã không còn kịp nói lời từ biệt. “Chiến tranh không chỉ là súng đạn. Đó là nước mắt, là những ước mơ còn dang dở của bao người lính trẻ. Nhưng chúng tôi vẫn chọn đi, vì Tổ quốc gọi tên mình…”, lời chia sẻ của bác khiến cả rạp phim lặng đi.

Sau phần giao lưu, các em học sinh được xem bộ phim “Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối” – một tác phẩm tái hiện sinh động cuộc sống và chiến đấu trong lòng đất của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ.

Ánh đèn tắt đi, những thước phim chân thực hiện lên với một không gian hẹp - hẹp đến nghẹt thở - của hệ thống địa đạo dài hàng trăm mét, nơi từng tiếng thở cũng có thể đánh đổi bằng mạng sống. Nhưng giữa cái hẹp đó, người xem lại thấy một khoảng trời rất rộng - là tình người, là ý chí, là niềm tin không gì lay chuyển của con người Việt Nam thời chiến. Một củ khoai sượng, một giấc ngủ chập chờn trong tiếng bom rung mái hầm, một ánh mắt động viên nhau giữa ranh giới sống chết… Tất cả được đạo diễn ghi lại chân thật đến ám ảnh.

Cảm ơn

Tri ân các cựu chiến binh đã trao truyền cho thế hệ trẻ thông điệp về lòng yêu nước, sự hi sinh và niềm tự hào bất diệt.

Nhiều em học sinh đã xúc động nghẹn ngào, lặng lẽ lau nước mắt khi chứng kiến những mất mát và hy sinh quá lớn để đổi lấy hòa bình hôm nay. Em Châu Bảo Quyên – học sinh lớp 12A7 Trường THPT FPT Quy Nhơn, chia sẻ: “Khi giao lưu với các bác cựu chiến binh, em được chứng kiến những con người thật bước ra từ thời chiến, những người còn mang trong lòng mình vết cắt của một thời bom đạn. Và rồi khi em được xem phim nó như một sự tiếp nối và mở ra trước mắt em là quá khứ mà những con người đó mang theo bên mình. Sau hơn 2 tiếng kịch tính, nghẹt thở, em bước ra khỏi rạp phim và hít thở. Em cảm nhận sâu sắc mình đang sống và có thêm động lực để học tập, mai này cống hiến cho nước nhà”.

Gieo hạt giống tri ân

Buổi giao lưu và xem phim “Địa đạo” không chỉ là một hoạt động ngoại khóa đơn thuần. Đó là bài học sâu sắc về lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và sự tri ân với thế hệ đi trước. Trường THPT FPT Quy Nhơn đã lựa chọn một cách rất nhân văn và gần gũi để giáo dục học sinh – không áp đặt, không khô cứng, mà để cảm xúc và trải nghiệm tự khắc trở thành bài học sống động trong mỗi em.

Các em học sinh giao lưu với các chứng nhân lịch sử để  làm sản phẩm báo cáo về hành trình trải nghiệm này bằng video để lấy điểm kiểm tra thường xuyên

Các em học sinh giao lưu với các chứng nhân lịch sử để làm sản phẩm báo cáo về hành trình trải nghiệm bằng video để lấy điểm kiểm tra thường xuyên.

Cô Huỳnh Thị Mỹ Hòa - giáo viên Lịch sử Trường THPT FPT Quy Nhơn, cho biết, cảm thấy vui và tự hào khi các em học sinh có sự quan tâm, hào hứng với việc giao lưu với các chứng nhân lịch sử. Điều đó chứng tỏ các em yêu thích, trân quý lịch sử hào hùng của dân tộc, lòng yêu nước, sự biết ơn luôn được khắc ghi. Các em cũng đã thể hiện sự quý trọng khi được sống trong nền hoà bình - một nền hòa bình đã phải đánh đổi bằng xương máu của cha ông. Tin rằng sau chương trình các em càng yêu thích bộ môn, tự tìm tòi và khám phá thêm về lịch sử dân tộc.

“Phương pháp truyền thụ lịch sử qua phim ảnh, nghệ thuật, đặc biệt là được thay đổi địa điểm học tập, làm cho môn học trở nên hấp dẫn, thú vị hơn nhiều, được khắc hoạ qua từng cử chỉ, hành động của nhân vật; hình ảnh, âm thanh trở nên sống động qua bom súng, lửa đạn từ đó nội dung lịch sử dễ dàng được các em tiếp nhận, khắc ghi sâu hơn vào tâm trí, cảm xúc cũng chực trào. Đây là một phương pháp khá hiệu quả, hi vọng với phương pháp này môn Lịch sử đối với cảm nhận của các em sẽ trở nên lí thú hơn bao giờ hết”, giáo viên Huỳnh Thị Mỹ Hòa chia sẻ.

Cô Đào Thảo Vy - Tổ trưởng tổ Khoa học xã hội Trường THPT FPT Quy Nhơn, Trưởng Ban tổ chức chương trình, cho biết, thông qua hoạt động ngoại khoá này, học sinh kết nối kiến thức, kĩ năng và năng lực liên môn (Lịch sử - Ngữ văn - Giáo dục quốc phòng và an ninh, Nội dung giáo dục của địa phương) vào trải nghiệm thực tiễn và sản phẩm học tập.

“Khi thấy các em học sinh thích thú với chương trình và có những cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị lịch sử, giá trị nhân văn, tôi rất hạnh phúc. Đây là thành công lớn nhất của chương trình”, giáo viên Đào Thảo Vy chia sẻ.

Châu Bảo Quyên – học sinh lớp 12A7 Trường THPT FPT Quy Nhơn,

Nữ sinh Châu Bảo Quyên – học sinh lớp 12A7 Trường THPT FPT Quy Nhơn, vẫn không giấu được nỗi xúc động khi chia sẻ với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam khi kết thúc chương trình.

Dõi theo chương trình, chúng tôi nhận ra rằng, từ những câu chuyện sống động của các cựu chiến binh, từ những hình ảnh đầy ám ảnh trong phim “Địa đạo”, thế hệ trẻ hôm nay đã hiểu rằng: hòa bình không phải là điều hiển nhiên. Đó là cái giá quá lớn của hy sinh, máu và nước mắt mà ông cha đã để lại.

Và từ giây phút ấy, hạt giống tri ân và lòng yêu nước đã được gieo vào tâm hồn những học sinh FPT Quy Nhơn – hạt giống của sự biết ơn, của khát vọng gìn giữ những giá trị lịch sử hào hùng, để mai này các em lớn lên, mang theo niềm tự hào ấy đi khắp muôn phương, tiếp tục viết tiếp những trang sử mới của dân tộc.

Trường THPT FPT tại Quy Nhơn là trường phổ thông chất lượng cao, hoạt động theo mô hình nội trú và bán trú, thừa hưởng những lợi thế từ tập đoàn FPT để đem đến cơ hội tiếp cận và trải nghiệm công nghệ mới, phát triển kỹ năng mềm, rèn luyện tiếng Anh toàn diện cho thế hệ công dân toàn cầu của tương lai.

Chính môi trường học tập năng động, sáng tạo này đã khiến Trường THPT FPT tại Quy Nhơn trở thành lựa chọn của nhiều học sinh lớp 9 từ các tỉnh thành khác nhau khi bước vào bậc THPT.


Minh Thảo - Kim Cương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm